Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tích Uỷ ban KHCN&MT của Quốc Hội khai mạc Hội thảo. |
Hội thảo có sự tham dự của các vị đại biểu Quốc hội tới từ 15 tỉnh có đa dạng sinh học cao trên toàn quốc, các vị đại biểu Quốc hội là thành viên của Ủy ban KHCN&MT đang tham dự Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; đại diện các bộ, ban ngành và các chuyên gia trong nước, chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.
Hội thảo được tổ chức trong phiên họp thứ tám, kỳ họp Quốc hội thứ 13, với mục đích thu hút sự chú ý của các thành viên Quốc hội đối với những thách thức lớn và đề xuất các giải pháp khả thi liên quan đến các vấn đề quan trọng về đa dạng sinh học ở Việt Nam, nhằm tác động đến quá trình ra quyết định liên quan đến quản lý đa dạng sinh học. Đây là lần đầu tiên một bản tóm tắt toàn diện về các vấn đề đa dạng sinh học được trình bày cho các thành viên Quốc hội.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú, như Chiến lược hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013 (Quyết định 1250/ QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013), tài nguyên sinh vật vẫn đang phải chịu áp lực ngày càng tăng và đang giảm mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng. Đặc biệt, nạn khai thác động vật hoang dã quá mức phục vụ cho hoạt động tiêu thụ bất hợp pháp được xem là một trong những vấn đề cấp bách nhất đe dọa đến đa dạng sinh học của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: "Nguồn tài nguyên đa dạng sinh học vẫn tiếp tục bị suy giảm vì nhiều nguyên nhân. Để tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học, việc cải cách chính sách và tăng cường thực thi pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học là nhiệm vụ rất quan trọng."
"Việc tăng cường quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ góp phần bảo vệ, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội Tuy nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn cần phải được quan tâm đúng mức, nhằm đảm bảo khả năng tiếp tục khai thác, sử dụng một cách bền vững để phục vụ cho cuộc sống" - ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Ủy ban thường trực về Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia của tổ chức UNDP cũng kiến nghị về việc cần đầu tư hơn nữa cho bảo tồn đa dạng sinh học so với các khoản đầu tư nhỏ như hiện nay. Bà Louise đưa ra năm gợi ý để tăng cường quản lý đa dạng sinh học tại Việt Nam, trong đó bao gồm việc tăng nguồn phân bổ ngân sách nhà nước cho công tác bảo tồn và áp dụng những phương pháp tiếp cận sáng tạo hơn để nâng cao và duy trì tài chính cho các khu bảo tồn, tái cấu trúc bộ máy tổ chức để giải quyết sự chồng chéo giữa các cơ quan có trách nhiệm.
Tại hội thảo, các tham luận đã được đưa ra nhằm giới thiệu về các vấn đề ưu tiên trong bảo tồn đa dạng sinh học, tình trạng và các giải pháp đối với nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã bất hợp pháp; công tác điều tra và xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã; và kinh nghiệm quốc tế về mô hình quản lý đa dạng sinh học.
Được biết, các báo cáo và thuyết trình tại hội thảo sẽ là một phần của thông tin phản hồi cho Quốc hội thảo luận nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học.
P.V