TIN LIÊN QUAN | |
Xu hướng mới trong thị trường bán lẻ Việt Nam | |
Am hiểu thị trường - Quân bài chiến lược của các nhà bán lẻ nội |
Thời bao cấp thường có câu thơ vui: “Bắt cởi trần được cởi trần, cho may ô mới được phần may ô”. Đó là thời mà từng hạt gạo, mớ rau, miếng thịt đều được phân phối theo kiểu ban phát, với những mậu dịch viên đầy quyền lực. Vậy còn bây giờ, khi nền kinh tế đã hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, có còn cảnh người tiêu dùng phải chấp nhận sự “điều khiển” của những người bán lẻ hay không?
“Quyền lực” của người bán
Muốn ăn mít, nhưng không dám mua mít ngoài chợ vì sợ bị tiêm hóa chất, chị Nguyễn Vân Kiều (ở ngõ 290 Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) ghé siêu thị Big C Long Biên mua mít và đành bỏ đi đến 1/3 miếng mít vì sượng, nhạt và xơ. Chị Kiều cho biết, có lục tung cả siêu thị Big C Long Biên cũng không thể mua được miếng mít chín hơn, “vì họ chỉ bán loại mít đó”. Không phải chỉ mít, mà chuối, dứa, xoài... và nhiều loại hoa quả khác được bày bán ở các siêu thị cũng non và xanh chứ không chín cây như những loại bày bán bên ngoài, nhưng người tiêu dùng chấp nhận mua những hoa quả “sượng” ấy vì yên tâm hơn về an toàn thực phẩm.
Hoa quả được bày bán tại siêu thị. (Nguồn: Vov.vn) |
Chị Nguyễn Minh Huyền ở quận Bình Thạnh, TP.HCM là người Hà Nội vào sống ở TP.HCM gần 10 năm nay. Chị Huyền cho biết, ngày mới vào chị khổ sở đi tìm những gia vị, thực phẩm mang khẩu vị miền Bắc, vì chỉ quen ăn nước mắm Cát Hải, Hải Phòng. Thế nhưng ở TP.HCM không bán loại nước mắm đó, chị đành chuyển hướng sang tập làm quen với nước mắm Nha Trang, Phú Quốc và thậm chí không còn chịu được nước mắm Cát Hải yêu thích trước kia, vì giờ cảm thấy “vừa mặn vừa gắt”.
Chị Kiều, chị Huyền và hàng triệu người tiêu dùng không hề nhận thấy rằng thói quen tiêu dùng của mình đang bị “người khác” điều khiển, chi phối. Nhưng sự thật là ngày ngày, các nhà bán lẻ hàng hóa, dịch vụ từ siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tiện dụng đến cả những gánh hàng rong... đang tác động từng bước, từng bước đến tập quán tiêu dùng của khách hàng, từ ăn đến mặc, từ vui chơi đến các dịch vụ tiện ích khác.
Người bán và những quyền lực mềm
Giám đốc Công ty chăn ga gối đệm Thanh Bình, Hà Nội từng chia sẻ, để đưa được hàng vào một hệ thống bán lẻ danh tiếng, công ty đã phải chấp nhận mức giá do siêu thị này đưa ra. Mức giá này nếu so với giá thành sản xuất thì hầu như công ty không có lợi nhuận, nhưng bù lại, sản phẩm được tiêu thụ với số lượng rất lớn, đảm bảo việc làm cho người lao động và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Dòng sản phẩm riêng biệt của Công ty chỉ sản xuất cho hệ thống phân phối này cũng hình thành từ đó.
Việc các siêu thị lớn đưa ra những nhãn hàng riêng cũng là một cách sử dụng “quyền lực mềm” để tạo nên những sản phẩm riêng biệt như dòng sản phẩm WOW của siêu thị Big C. Phương thức sản xuất nhãn hàng riêng này cũng tương tự như câu chuyện của Thanh Bình: doanh nghiệp bán lẻ đặt hàng sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, giá cả riêng của mình, mang nhãn mác riêng và chỉ tiêu thụ trong hệ thống của mình. Bằng cách làm đó, nhà phân phối không sợ bị cạnh tranh, còn nhà sản xuất bắt buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất của mình theo “mệnh lệnh” của đơn đặt hàng.
Phát huy “quyền lực” bán lẻ như thế nào?
Theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI) được công bố bởi Công ty tư vấn Mỹ năm 2017, Việt Nam xếp vị trí thứ 6 và nằm trong top 30 quốc gia đang phát triển có thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Một loạt các nhà bán lẻ nổi tiếng đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp… đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Con số thống kê của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam vẫn đến từ kênh thương mại truyền thống với khoảng 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ trên cả nước.
Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển mạng lưới phân phối song song với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước và mang sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Đơn cử như Saigon Co-op với mạng lưới siêu thị phát triển từ Nam ra Bắc, VinGroup với hệ thống 800 cửa hàng tiện lợi VinMart giảm chiết khấu cho hàng hóa đưa vào trong siêu thị, đầu tư trở lại sản xuất hàng hóa sạch bán trong chuỗi của mình... hay Hapro với những lễ hội nông sản đặc sản phối hợp với chính quyền các tỉnh Sơn La, Đồng Tháp... Nhưng số doanh nghiệp này còn ít.
Không ít doanh nghiệp bán lẻ hiện đại lại chưa kiểm soát được đội ngũ nhân viên của mình, dẫn đến tình trạng hàng hóa sản xuất trong nước phải mất phí bôi trơn mới được vào siêu thị, lên quầy kệ. Trong những cuộc khủng hoảng về giá, mà rõ rệt nhất là giá sữa, dù có tới hơn 200 nhà nhập khẩu sữa, thì giá sữa bán trong nước vẫn chỉ do một vài đầu mối chính chi phối. Tình trạng này cũng diễn ra vào những thời điểm cao điểm của những mặt hàng dầu ăn, bia, nước giải khát... Điều đó có nghĩa là “quyền lực” của các nhà bán lẻ thời điểm này hoàn toàn không hướng về quyền lợi của người tiêu dùng.
Như vậy, câu chuyện cùng tham gia vào chuỗi giá trị, “đôi bên cùng có lợi”, vẫn chỉ là hô khẩu hiệu cho sang.
Đầu ra nào cho nông sản sạch? Đa số người tiêu dùng khó tiếp cận nông sản sạch khi thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy, ... |
Uniqlo sẽ có mặt tại Việt Nam trong năm 2019 Hãng thời trang bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản Uniqlo vừa thông báo sẽ mở cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh ... |
BIDV trên đường đua vươn ra thị trường quốc tế Việt Nam được đánh giá là thị trường bán lẻ dịch vụ ngân hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, khi chỉ có 20% dân ... |