📞

Quyền lực mềm của thể thao

12:09 | 05/07/2014
Bóng đá có sức mạnh của riêng mình. Nó có thể trở thành một sứ giả tuyệt vời của ngoại giao và hòa bình.
Các nhà ngoại giao diện “quần đùi, áo số” tại Liên hợp quốc.

Ngày 9/6 vừa qua quả là một ngày bất ngờ đối với những ai làm việc ở trụ sở chính của Liên hợp quốc tại New York, Mỹ. Ngoài những người ăn mặc chỉn chu như thường lệ, các nhà ngoại giao, nhà báo đến từ 32 quốc gia có đội tuyển tham gia Vòng chung kết World Cup 2014 đều mang "quần đùi, áo số" theo đúng màu cờ, sắc áo của đội tuyển quốc gia đến dự buổi gặp mặt lớn chào mừng World Cup 2014 do Liên hợp quốc tổ chức. Tổng thư ký Ban Ki-moon và Chủ tịch Đại hội đồng khóa 68 John William Ashe cùng nhiều quan chức Liên hợp quốc cũng tham dự sự kiện trong trang phục này...

Dù ba ngày sau đó World Cup mới khai mạc nhưng "từ cách đó vài tuần, trên cả hành tinh không khí bóng đá đã "sôi lên", trong đó có cả trụ sở Liên hợp quốc", Tổng thư ký Ban ki-moon khẳng định. Rất nhiều người đã thuộc lòng lịch thi đấu và lên chương trình, sắp xếp công việc để theo dõi, cổ động những đội bóng mình hâm mộ, chiêm ngưỡng cầu thủ yêu thích của mình "biểu diễn" trên các sân cỏ Brazil.

Đa mục đích

Từ lâu, thể thao đã trở thành một công cụ để ngoại giao thể hiện sự uyển chuyển trong nỗ lực xây dựng và củng cố quan hệ giữa các quốc gia. Các nhà ngoại giao không thể bỏ qua "quyền lực mềm" của bóng đá. Việc tận dụng được quyền lực ấy một cách linh hoạt đã mang lại nhiều kết quả.

Đầu năm nay, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin CHDCND Triều Tiên đã đồng ý cho đội tuyển bóng đá nam và nữ đến tham dự Đại hội thể thao châu Á tại Hàn Quốc từ ngày 19/9-4/10. Hãng này nhận định, "động thái này của Triều Tiên nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai miền thông qua hoạt động thể thao".

Hồi tháng 9/2011, trận đấu bóng đá giữa một bên là các nhà lập pháp Đảng Vì nước Thái đại diện phe "áo đỏ" của Thái Lan và một bên là đội tuyển của Chính phủ Campuchia diễn ra tại Thủ đô Phnom Penh. Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố rằng "thời ác mộng" giữa Thái Lan và Campuchia đã kết thúc sau trận giao hữu để hàn gắn rạn nứt quan hệ giữa hai nước. Theo một nghị sỹ người Thái, trận đấu cũng đã góp phần đảm bảo việc trả tự do cho hai nhà hoạt động người Thái đang thụ án tù tại Campuchia sau khi bị kết tội xâm nhập trái phép và hoạt động gián điệp.

Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và người đồng cấp Bolivia Evo Morales cũng từng tham gia một trận bóng đá giao hữu ở Thủ đô Tehran khi ông Morales thăm chính thức Iran lần thứ hai năm 2010 và thúc đẩy kế hoạch Iran định đầu tư 287 triệu USD vào Bolivia.

Môn thể thao thần kỳ

Ở những sự kiện như vậy, kết quả không phải là điều quan trọng, thậm chí kích cỡ sân đấu cũng không phải là điều quá quan tâm. Chỉ cần một trái bóng lăn là mọi người trên khắp hành tinh với đủ thứ ngôn ngữ, màu da có thể chia sẻ với nhau niềm vui sân cỏ. Dù là người thi đấu hay cổ động viên, mọi khoảng cách và sự khác biệt đều tan biến. Niềm đam mê bóng đá giúp những người đến từ nhiều quốc gia vượt qua sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa để xích lại gần nhau hơn. Do vậy, một trận "tranh hùng" ở World Cup hay một trận đấu giao hữu đều giống nhau ở nhiều khía cạnh giá trị.

Bóng đá gần như là một loại ngôn ngữ phổ thông toàn cầu. Nó tạo ra những cảm xúc ai cũng có thể cảm nhận được. Không giống những môn thể thao khác, khó có thể mô tả sức hấp dẫn của trái bóng tròn và quy mô ảnh hưởng của nó.

Ông Ban Ki-moon ngợi ca bóng đá là một môn thể thao thần kỳ, mang lại những giá trị nhân văn to lớn cũng như sự công bằng và thấu hiểu lẫn nhau. Ông khẳng định thể thao nói chung, trong đó có môn bóng đá, là phương tiện tuyệt vời để quy tụ mọi người. Thật khó tìm được lý do gì ngoài thể thao, có thể buộc được các chính khách, các nhà ngoại giao, các thương gia... cởi bỏ những bộ trang phục khánh tiết để mặc "quần đùi, áo số".

Olympic, World Cup, các giải bóng đá khu vực, liên khu vực, các trận giao hữu đều là những ví dụ điển hình nhất của việc sử dụng bóng đá như một phương tiện ngoại giao dù việc kết hợp giữa chính trị và bóng đá không chỉ làm nên những tác động tích cực. Sử dụng làm sao không để bị sức mạnh ấy chi phối ngược lại là cả một nghệ thuật. Đôi khi, để có được niềm vui bóng đá cần phải đau đầu cân nhắc giữa việc cân bằng kinh phí tổ chức và chi tiêu cho xã hội. Đồng thời, nhiệt tình dân tộc cũng bị tác động do kết quả thắng thua của các trận cầu.

Hạ Nhi