📞

Quyết bỏ lỡ RCEP, Ấn Độ sẽ mất nhiều hơn được?

Khắc Hiếu 12:37 | 15/04/2022
Việc Ấn Độ rút lui khỏi các cuộc đàm phán của thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2019 - là một sự thất vọng đáng kể đối với những người ủng hộ hội nhập kinh tế khu vực.
Các nhà kinh tế nổi tiếng cho rằng việc rút khỏi RCEP không mang lại lợi ích tốt nhất cho Ấn Độ. (Nguồn: Business Standard)

Không mang lại lợi ích tốt nhất

Những người ủng hộ việc Ấn Độ rút lui khỏi RCEP đã viện dẫn yếu tố thâm hụt thương mại gia tăng của New Delhi với các quốc gia mà nước này có các hiệp định thương mại tự do (FTA) như một bằng chứng về những gì mà hội nhập kinh tế do RCEP dẫn đầu sẽ mang lại.

Những người khác tỏ ra dè dặt về việc thiếu các biện pháp bảo hộ cho phép Ấn Độ đối phó với sự gia tăng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, mối đe dọa cạnh tranh nhập khẩu trong nông nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường không đầy đủ đối với xuất khẩu dịch vụ.

Căng thẳng biên giới gia tăng với Trung Quốc được cho là cách biện minh cho sự tiếp cận thận trọng đối với đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực nhạy cảm như quốc phòng, truyền thông và năng lượng.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế nổi tiếng cho rằng việc rút khỏi RCEP không mang lại lợi ích tốt nhất cho Ấn Độ.

Với việc từ bỏ cơ hội định hình kiến trúc thương mại của một trong những khu vực năng động nhất về kinh tế trên thế giới, Ấn Độ đã từ bỏ khả năng tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực mà nước này có lợi thế so sánh, như dịch vụ công nghệ thông tin và dược phẩm.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh nguy cơ chuyển hướng thương mại khỏi các sản phẩm và dịch vụ của Ấn Độ khi các thành viên RCEP được ưu đãi tiếp cận thị trường của nhau.

Trong một thế giới nơi sản xuất được tổ chức xung quanh các chuỗi cung ứng, việc Ấn Độ rút khỏi RCEP sẽ gây bất lợi cho không chỉ người tiêu dùng mà còn cả các công ty. Người tiêu dùng sẽ mất khả năng tiếp cận với các mặt hàng nhập khẩu có giá cả phải chăng hơn, trong khi các doanh nghiệp sẽ mất khả năng cạnh tranh do không có khả năng cung cấp đầu vào rẻ hơn và đa dạng hơn với mức thuế suất ưu đãi.

Ấn Độ sẽ không còn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài vì các công ty nước ngoài sản xuất tại Ấn Độ sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường RCEP như các công ty ở các quốc gia tham gia ký kết thỏa thuận.

Tổn thất cho RCEP

Ngoài ra, việc Ấn Độ rút lui không chỉ là một tổn thất cho New Delhi mà còn cho các nước RCEP khác.

Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á vào thời điểm hiệp định được ký kết. Trong giai đoạn 5 năm từ 2015 đến 2019, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Ấn Độ đạt trung bình 6,72% so với 6,7% của Trung Quốc, 6,8% của Việt Nam và 6,6% của Philippines.

Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ hai ở châu Á-Thái Bình Dương và GDP của nước này trước đại dịch Covid-19 là 2.870 tỷ USD vào năm 2019.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang theo đuổi một chương trình cải cách với mục tiêu cải thiện khả năng tiếp cận thị trường thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Khoảng 28.000 km đường quốc lộ đã được bổ sung từ năm 2014 đến 2018, và kế hoạch Udan Yojana đã được khởi động vào năm 2016 với trọng tâm là xây dựng các sân bay trong khu vực.

Các mục tiêu khác bao gồm việc kích hoạt giao diện thanh toán kỹ thuật số để thúc đẩy thương mại điện tử, tăng cường thuận lợi hóa kinh doanh, hợp lý hóa luật lao động và chính sách thuế cứng nhắc và nâng cao sức mua của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng.

Giải quyết đói nghèo sẽ đạt được thông qua việc cung cấp nhiên liệu, dịch vụ ngân hàng và chuyển tiền trực tiếp cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Kết hợp lại, những sáng kiến này đã sẵn sàng biến Ấn Độ trở thành một thị trường xuất khẩu phát triển mạnh.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 cùng với việc phong tỏa và làn sóng biến thể Delta tàn phá vào tháng 4/2021 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Ấn Độ, gần như đưa GDP của nước này trở lại như giai đoạn 2017-2018. Chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người, bất chấp các phản ứng tài khóa, đã giảm xuống trong ba năm và tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn gấp đôi lên 21% trong tháng 4 đến tháng 6 năm 2020.

Vai trò của Ấn Độ?

Khi Ấn Độ từng bước thoát khỏi giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch và nỗ lực phục hồi vào năm 2022, câu hỏi đặt ra là nước này quan niệm vai trò của mình như thế nào tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau đại dịch và tương lai của nước này liên quan đến RCEP như thế nào.

Chương trình cải cách trong nước hiện tại của Ấn Độ xoay quanh chiến lược Ấn Độ tự cường (Atmanirbhar Bharat). Mục tiêu của chương trình nghị sự này là tăng cường sản xuất của Ấn Độ trong các lĩnh vực như pin mặt trời và điện tử.

Nếu những cải cách này thành công và đạt được quỹ đạo tăng trưởng cao được thúc đẩy bởi sản xuất, Ấn Độ có thể tự tin hơn vào khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Một Ấn Độ tự tin có thể quay trở lại bàn đàm phán RCEP - ngay cả khi những người hoài nghi coi việc thúc đẩy một Ấn Độ tự cường chỉ là một chiêu bài khác cho chủ nghĩa bảo hộ.

Ấn Độ đã ký các FTA song phương với ASEAN, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc và đang đàm phán một FTA với Australia và các nước khác, thể hiện sự thừa nhận rằng các FTA là rất quan trọng để hội nhập Ấn Độ vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy nhiên, các thỏa thuận riêng lẻ không thể thúc đẩy thương mại theo cách giống như một thỏa thuận đa phương trong phạm vi RCEP.

Một kịch bản khác là tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ vẫn chậm chạp. Điều này có thể xảy ra nếu chính phủ theo đuổi việc thay thế nhập khẩu theo “Ấn Độ tự cường” - một chiến lược không tạo được tăng trưởng trước năm 1991 và hiện nay khó có thể thành công.

Các biện pháp khuyến khích sản xuất có khả năng được quản lý kém, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp có đặc quyền và do đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.

Sự không chắc chắn về chính sách lớn hơn có thể làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài, cải cách nông nghiệp có thể bị đình trệ và các doanh nghiệp siêu nhỏ trong khu vực phi chính thức - nơi việc làm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch - có thể không phục hồi. Một nền kinh tế suy yếu có thể gia tăng áp lực buộc Chính phủ Ấn Độ theo đuổi một chương trình nghị sự theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn và đặt cược tất cả vào các FTA song phương.

Nếu căng thẳng biên giới với Trung Quốc leo thang, Ấn Độ có thể xoay trục về phía Tây. Ấn Độ đang theo đuổi các FTA với Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Canada, Israel và Liên minh Hải quan Nam Phi. Nhưng những nền kinh tế này có quy mô nhỏ hoặc xa Ấn Độ về mặt địa lý.

Mô hình lực hấp dẫn của thương mại quốc tế dự đoán rằng triển vọng với các quốc gia này khó có thể phù hợp với lợi ích của RCEP.

Bên cạnh đó, một FTA với EU - hoặc thậm chí với Mỹ - sẽ khắt khe hơn về các tiêu chuẩn bảo vệ lao động, môi trường và nhà đầu tư, vì vậy việc quay trở lại đàm phán RCEP có thể là một con đường hiệu quả hơn cho Ấn Độ.

(theo East Asia Forum)