📞

Rạn nứt quan hệ vì tin tặc

08:00 | 09/09/2016
Sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay cũng đồng nghĩa với nguy cơ tấn công bảo mật, an ninh mạng ngày một gia tăng. Và đôi khi, một vụ tấn công mạng có thể dấy lên nhiều nghi ngại giữa các quốc gia.

Vừa qua, vụ rò rỉ 19.252 email của các quan chức Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ (DNC) trên WikiLeaks đã làm thay đổi và đe dọa hủy hoại chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton - ứng cử viên sáng giá của DNC tranh chức Tổng thống Mỹ. Số email này cho thấy các quan chức DNC dường như đã thiên vị cựu Ngoại trưởng Mỹ trong vòng bầu cử sơ bộ.

Sự việc này ban đầu có vẻ chỉ gói gọn trong câu chuyện tranh cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nó đã nhanh chóng biến thành nguy cơ gây khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Mỹ và Nga, đặc biệt khi hai nhóm tin tặc Cosy Bear và Fancy Bear, được cho là có liên hệ mật thiết với tình báo và các cơ quan quân sự Nga, bị tình nghi đứng đằng sau vụ việc này. DNC đã cáo buộc Nga qua việc này can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ “với mục đích giúp tỷ phú Donald Trump”. Trong khi đó, đảng Cộng hòa lại “thêm dầu vào lửa” khi khuyến khích các tin tặc phanh phui sự việc hơn nữa.

Vụ rò rỉ email của DNC có nguy cơ gây khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Mỹ và Nga. (Nguồn: WSJ).

Điện Kremlin đã ngay lập tức phủ nhận những cáo buộc của DNC. Trên thực tế, cả DNC, FBI và các cơ quan điều tra khác vẫn chưa có những bằng chứng thuyết phục. Theo Govtech, vụ việc có thể được suy rộng hơn, một bên là Mỹ, một bên là các đối thủ bao gồm Anh, Israel, Trung Quốc, Iran, Triều Tiên và Nga. Đây đều là những quốc gia có một hoặc nhiều các vụ tấn công mạng nhằm vào Mỹ.

Theo Donald Vilfer, cựu chuyên gia về tội phạm máy tính của FBI và hiện là Giám đốc bộ phận Kỹ thuật số của Công ty an ninh mạng Califorensics, vẫn còn quá sớm để biết chắc chắn những gì đã diễn ra.

“Những gì đã biết là Cosy Bear và Fancy Bear có mối quan hệ chặt chẽ với tình báo và một số cơ quan quân sự của Nga. Tuy nhiên, chưa có cơ sở khẳng định họ gây ra các cuộc tấn công. Không loại trừ một tổ chức nhà nước nào đó đã bảo trợ phát tán thông tin trên WikiLeaks nhằm các mục đích khác nhau, bao gồm việc phá hoại chiến dịch tranh cử của bà Clinton và ủng hộ ông Trump”, Vilfer nhận định.

Cũng có những lập luận cho rằng đây có thể chỉ là “ân oán cá nhân” giữa thủ phạm vụ tấn công và bà Clinton. Tuy nhiên, những nghi ngại dấy lên giữa Mỹ và các quốc gia bị tình nghi là hoàn toàn không tránh khỏi.

Theo các chuyên gia, vụ tấn công mạng nêu trên có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao, tương tự như trường hợp năm quân nhân thuộc Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từng bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố vì đã xâm nhập mạng lưới các công ty Mỹ như Westinghouse Electric (điện), hãng Thép Hoa Kỳ và các công ty khác năm 2014. Sự kiện này đánh dấu lần đối đầu trực diện nhất giữa chính quyền Tổng thống Obama và phía Trung Quốc về việc nước này ăn cắp các bí mật doanh nghiệp. Phản ứng trước cáo buộc từ Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khi đó tuyên bố bản cáo trạng của Mỹ vi phạm các tiêu chí cơ bản trong quan hệ quốc tế và gây nguy hiểm cho sự hợp tác Trung - Mỹ cũng như sự tin tưởng lẫn nhau, đồng thời đòi Mỹ thu hồi cáo trạng trên.

Trở lại vụ tấn công mạng DNC, khi FBI đưa ra những kết luận và bằng chứng rõ ràng, Mỹ có khả năng sẽ phản ứng mạnh mẽ nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự trong tương lai. Bởi vào thời điểm hiện tại, sự việc này đang mang lại một chút lợi thế, ít nhất là trong ngắn hạn, với DNC. Thứ nhất, sự can thiệp “có yếu tố nước ngoài” trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với mục đích ủng hộ một ứng cử viên khác rõ ràng là một vi phạm lớn. Thứ hai, sau vụ việc tỷ lệ cử tri ủng hộ bà Clinton lại có phần gia tăng do nhiều cử tri sẽ từ chối bỏ phiếu cho một ứng cử viên, mà ai cũng biết là ông Donald Trump, nếu họ nhận thấy rằng Nga đang can thiệp vào cuộc bầu cử để cố gắng giúp đỡ người này.

Tuy nhiên, chắc chắn Tổng thống Obama sẽ cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn có nên leo thang một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Nga chỉ để hỗ trợ chiến dịch của bà Hillary Clinton hay không.

Tin tặc từ lâu đã là một vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, Tổng thống Barack Obama cũng từng nhấn mạnh tấn công mạng là “nguy cơ thực sự” với an ninh cũng như nền kinh tế Mỹ.