Phát biểu tại Lễ hội, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Swami Vivekananda, Hà Nội (Trung tâm văn hóa Ấn Độ tại Việt Nam), Tiến sỹ G.B. Harisha cho biết: “Diwali là lễ hội Ánh sáng của Ấn Độ, còn lễ hội Dussehra là màn ăn mừng đánh dấu chiến thắng của thần Ram và các hoạt động hân hoan chào đón Ngài trở về với dân làng và vương quốc của mình. Hai lễ hội là hoạt động tôn vinh chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, của cái thiện trước cái ác, của chân lý trước quyền lực.”
“Sau sự kiện này, tôi hy vọng những người dân Việt Nam đến tham dự sự kiện, ngoài hiểu biết thêm về văn hóa lễ hội đặc sắc Diwali, lễ hội Dussehra của Ấn Độ, mà còn đọng lại mãi sự duyên dáng của trang phục sari và hương vị các món ăn truyền thống của Ấn Độ” Tiến sỹ G.B. Harisha cho biết thêm.
Tiến sỹ G.B. Harisha giới thiệu về những nét đẹp 2 lễ hội Diwali và Dussehra. (Ảnh: MH) |
Lễ hội Dussehra thường được tổ chức vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 hàng năm (khoảng 20 ngày trước lễ hội Diwali). Trong ngày lễ hội Dussehra, phần lớn cửa hàng ở Ấn Độ đóng cửa, người dân diện những bộ trang phục đẹp tới những khu đất rộng có tổ chức múa Ramlila (tái hiện cuộc chiến đấu quyết liệt giữa thần Rama và quỷ Ravana).
Lễ hội Diwali thường được tổ chức vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 hàng năm để chào đón một năm mới theo lịch của người Hindu. Với ý nghĩa xua đuổi quỷ dữ, mang ánh sáng đến với mọi người, vào ngày lễ này, người dân thắp đèn trên các đường phố, tạo nên cảnh tượng lung linh, ấn tượng.
Năm nay, Lễ hội Diwali chính thức là ngày thứ tư 7/ 11. Năm 2019, Lễ hội sẽ vào Chủ nhật, ngày 27/11. Hoạt động Lễ hội Diwali và Dussehra 2018 ở Hà Nội nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Lễ hội Văn hóa Ấn Độ với tựa đề “Lễ hội Ấn Độ” được thực hiện tại Việt Nam. Sự kiện gồm có học nấu ăn, góc búp bê Ấn Độ, quầy hàng từ thiện, quầy vẽ Henna, quầy ẩm thực và góc mặc thử trang phục dân tộc Saree.
Phái đẹp Việt Nam với trang phục sari của Ấn Độ. (Ảnh: MH) |
Đặc biệt, phái đẹp của thủ đô không mấy ai có thể bỏ qua màn mặc thử trang phục truyền thống sari của Ấn Độ và cùng nhau ghi lại bức ảnh ghi dấu khoảnh khắc ấn tượng này.
Hấp dẫn nhất có lẽ là góc nấu ăn do các phu nhân, nhân viên đại sứ quán Ấn Độ đảm nhiệm. Các món như: Sữa chua lassi xoài, bánh Pouri hay món cơm Pulao rau củ quả là những món khoái khẩu của thực khách.
Vũ điệu Ambema truyền thống sôi động. (Ảnh: MH) |
Điểm nhấn của chương trình là màn biểu diễn Garba - điệu nhảy đến từ bang Gujarat (Ấn Độ), cùng vũ điệu Ambema truyền thống sôi động đã đưa cả những vũ công chuyên nghiệp cùng các thành viên tham dự dập dìu theo điệu nhảy khép lại đêm lễ hội Diwali rộn ràng và đáng nhớ.