Cú sốc - Hành trình giành lại sự sống của một bác sĩ đem đến góc nhìn của một bác sĩ khi ở vào vị trí của bệnh nhân, đồng thời cũng phân tích so sánh cả với góc nhìn khi đang ở vị trí bác sĩ. Ngay từ khi xuất bản, cuốn sách này đã được độc giả khắp nơi đón nhận và nằm trong danh sách các sách bán chạy của báo Los Angeles Times.
Cuốn sách mới được Nhà xuất bản Thế giới và Medinsights ấn hành tại Việt Nam. (Nguồn: Medinsights) |
Bác sĩ cũng là người hùng của chính mình
Tác giả Rana Awdish là bác sĩ cấp cứu và là giảng viên Đại học Y Wayne State, Detroit, Michigan. Đồng thời cô là Giám đốc Chương trình Tăng áp Động mạch phổi tại Bệnh viện Henry Ford, Detroit.
Trong cuốn sách mới nhất này, bác sĩ Rana Awdish đã kể lại câu chuyện của chính mình, khi cô đột ngột đổ bệnh và phải đi cấp cứu, đúng vào thời điểm cô sắp hoàn thành chương trình đào tạo của mình. Nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu của mọi chuyện. Cô bị xuất huyết nghiêm trọng, mất đi đứa con trong bụng, rồi suýt nữa đã sang thế giới bên kia, rồi phải vô cùng nỗ lực để trở lại cuộc sống bình thường.
Trong suốt quá trình đó, từ vị trí hoàn toàn mới của người bệnh thay vì bác sĩ, cô đã nhận ra khoảng trống rất lớn giữa việc thực hành y tế trong lý thuyết với hiện thực tàn khốc của một bệnh nhân đang liệt giường.
Cuốn sách đưa độc giả đi cùng cô trong suốt quá trình đấu tranh với bệnh tật của cô, từ đổ bệnh bất ngờ đến những biến chứng hậu phẫu và do sử dụng thuốc, nỗ lực phục hồi chức năng, mang thai một lần nữa, biến chứng bất ngờ khi mang thai lần hai và tái phát căn bệnh cũ. Xuyên suốt quá trình đấu tranh đó, ta sẽ được chứng kiến những sai lầm trong chính phương pháp thực hành ngành y vẫn được coi là tiêu chuẩn lâu này.
Với lối dẫn dắt lôi cuốn và phân tích sắc sảo, cô đã chỉ rõ lý do tại sao những sai lầm đó lại xảy ra. Tác giả cũng hiểu ra những thiếu sót chết người trong chính công việc của mình, cũng như cách bản thân đang thực hiện nó. Qua đó, cô cũng tìm ra một hướng đi mới tốt đẹp hơn.
Tại sao ‘Cú sốc” bán chạy?
Có thể nói, bằng việc kết hợp hoàn hảo giữa lối kể chuyện cá nhân và những trải nghiệm thực tế, bác sĩ Rana Awdish đã mang đến một cuốn sách thú vị và cần thiết dành cho tất cả mọi người, không chỉ những nhân viên y tế mà ai cũng có thể đọc để trải nghiệm mọi cung bậc của cảm xúc.
Với khả năng kể chuyện của mình, cô đã mang đến một lời kêu gọi hành động đầy tinh tế nhưng không kém phần cấp thiết. Cô nhận ra bản thân phải chống lại chính sự đề phòng mà sinh viên y và nhân viên y tế, bao gồm cả chính cô, được đào tạo để thực hiện, cũng như vấn đề của sự mất đi kết nối.
Kể lại câu chuyện chữa bệnh không của riêng ai, cô cũng đưa ra cho các nhân viên y tế một phương thức và lối đi mới để cải thiện mối quan hệ với người bệnh, cũng như những lợi ích của việc phá bỏ rào cản trong những mối quan hệ.
Tác giả. bác sĩ Rana Awdish. (Nguồn: The Times) |
Tạp chí The New York Times Book Review nhận định đây là cuốn sách đầy “kịch tích, lôi cuốn và đáng lưu tâm”.
Trong khi đó, tờ The Washington Post miêu tả: “Một câu chuyện khủng khiếp: một ca sảy thai bất ngờ, nhiều nội tạng suy, sự không chắc chắn đi kèm với một khủng hoảng y tế bất ngờ. Cú sốc tìm kiếm một tia hy vọng le lói trong giây phút đen tối nhất của cuộc sống và tìm thấy nó”.
Nói về cuốn sách, tạp chí Publishers Weekly cũng cho rằng đó là “một cái nhìn đầy bao dung và chi tiết về y học cũng như bệnh tật từ góc nhìn của một người vừa là bệnh nhân nhưng cũng đồng thời là bác sĩ… Một cuốn tự truyện độc đáo và đầy ý nghĩa”.
Rana Awdish vừa được bổ nhiệm là Giám đốc Chuyên môn cho Chương trình Cải thiện Chăm sóc cho Hệ thống Y tế (chương trình được đầu tư 6 tỷ USD với quy mô 24.000 nhân viên). Cô được trao giải "Người hùng Chia sẻ" năm 2014 cho những nỗ lực trong việc cải thiện giao tiếp với người bệnh cũng như Giải thưởng Đào tạo Chăm sóc Tích cực năm 2016. Năm 2017, cô lọt vào danh sách đề cử Giải thưởng quốc gia dành cho Nhân viên y tế của năm của Schwartz Center, và Giải thưởng Bác sĩ của năm do Press Ganey National Client Conference đề cử. Chuyên ngành của bác sĩ Awdish bao gồm Nội khoa, Chuyên khoa Phổi và Chăm sóc tích cực. |