📞

“Sải cánh” cùng Đặng Mỹ Hạnh

08:00 | 29/07/2016
Với nữ nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Việt, mỗi tác phẩm là một dấu chấm nhỏ trong hành trình dài nghệ thuật và mỗi sinh vật đều là câu chuyện để kể lại...

Đặng Mỹ Hạnh là nữ nhiếp ảnh gia gốc Việt duy nhất chuyên nghiệp về thể loại nghệ thuật wildlife trên toàn thế giới. Có thể hiểu sự đam mê cùng những thử thách mà người phụ nữ này đã trải qua để có được những tuyệt ảnh sinh động về thế giới thiên nhiên hoang dã. Khá kín đáo khi nói về bản thân nhưng chị lại cởi mở cả cõi lòng về công việc mà ít người phụ nữ nào dám dấn thân...

Muốn đến nơi chưa ai đặt chân đến

Đặng Mỹ Hạnh đến với nhiếp ảnh từ suy nghĩ muốn được viết và trải nghiệm về văn hóa, phong tục tập quán và được đi qua nhiều vùng đất mới. Những trải nghiệm ấy mang lại cho chị cảm nhận sâu sắc hơn về môi sinh, về nhân sinh quan và sự nhân bản trong thế giới động vật. Đó có thể là những ngày chị đặt chân đến vùng đất châu Phi và nhìn thấy những con thú phải chống chọi với điều kiện khắc nghiệt để sinh tồn, là hình ảnh những chú sử tử nhỏ cụp tai xuống, ngơ ngác chờ mẹ đi săn đêm trở về...

Nhiếp ảnh gia Đặng Mỹ Hạnh tác nghiệp nơi thiên nhiên hoang dã.

Nhìn những tấm hình đầy phong trần chụp Đặng Mỹ Hạnh giữa thiên nhiên hoang dã, nhiều người sẽ nghĩ chị là người đàn bà sinh ra đã ưa mạo hiểm. Tuy nhiên, chỉ khi tiếp xúc, mới biết chị cũng đầy nữ tính và có nhiều nỗi sợ hãi như bao phụ nữ khác. Theo Đặng Mỹ Hạnh, sự mạnh mẽ cần phải thể hiện ở ý chí và chị đã tập luyện cho mình sự dạn dĩ bằng cách trang bị những kiến thức sâu rộng về thế giới tự nhiên, hay tích cực tập tạ để cầm ống kính cho chắc... Trong các chuyến đi chị cũng sợ gặp rắn, nhện rừng... nhưng khi tác nghiệp, sự tập trung cao độ đã lấn át hết nỗi sợ hãi khác.

“Vào mùa sinh sản, những cánh hạc đã thôi rũ cánh khép mùa. Mùa của chim thú gợi tình bằng những điệu vũ xập xòe lông cánh tuyệt đẹp. Mùa biêng biếc những quầng mắt chuyển màu xanh lá cây non. Mùa của thiên nhiên trở mình với cái đẹp.Tôi lại tìm tôi giữa hoang du. Lại thêm một ngày tịnh yên giữa hoang dã. Mây. Gió. Và nước, ôm lấy tôi như một minh chứng đồng cảm.”

Trích bút ký của

Đặng Mỹ Hạnh.

Đặng Mỹ Hạnh cho biết, mối nguy hiểm luôn rình rập chị như cảm giác sắp chết khi đứng ở ngoài tuyết quá lâu, bị trượt ngã một mình trong rừng sâu, hay khi nằm ở vùng đầm lầy và phát hiện thấy con cá sấu nằm ngay bên cạnh... Có lần, chị đã một mình đi suốt đêm giữa cánh đồng hoang dưới ánh sáng mù mờ của các vì sao chỉ để tới một cái chòi có những con gà đồng sắp tuyệt chủng. Tuy nhiên, khi tới nơi, gặp cảnh những chú gà múa điệu vũ như thổ dân để mê hoặc những nàng gà mái thì bao nhiêu mệt mỏi trong chị đều tan biến hết. Đây cũng là động lực giúp chị có thể duy trì sự đam mê, cảm thấy cuộc đời thanh thoát hơn, hiểu về thế giới mình đang sống và hiểu được ý nghĩa của công việc mình làm.

Theo đuổi nghề đã được 15 năm, không thể nhớ hết những nơi đã từng đi qua nhưng Đặng Mỹ Hạnh vẫn thấy chưa đủ. Với chị, nơi muốn đến là nơi chưa ai đặt chân đến để có thể mang lại điều mới mẻ và khác lạ hơn. “Đôi khi tôi cũng cảm thấy mệt mỏi nhưng chưa khi nào muốn bỏ cuộc. Mỗi hành trình kết thúc, tôi lại mong muốn được tiếp tục dấn thân vào hành trình khác để có thêm những trải nghiệm sâu sắc hơn về thế giới”, chị chia sẻ.

Tìm sự đồng cảm ở quê hương

Có một điều khá ngạc nhiên là từng nhận rất nhiều giải thưởng danh giá về nhiếp ảnh (Giải Nhất “Milvus” Nature Photography Contest 2014, Huy chương Bạc giải International Loupe Awards, Chung kết BBC Wildlife Photographer of the Year 2014, Huân chương FIAP của Hội nhiếp ảnh quốc tế cùng nhiều Huy chương Vàng PSA...), nhưng đây là lần đầu tiên Đặng Mỹ Hạnh quyết định tổ chức một triển lãm cá nhân. Càng đặc biệt hơn là chị đã chọn Việt Nam là nơi trở về để giới thiệu hành trình khám phá thế giới của mình cùng với đồng nghiệp Andy Nguyễn.

Vũ điệu của loài chim. (Ảnh: Đặng Mỹ Hạnh).

Triển lãm “Sải cánh hoang dã” của Đặng Mỹ Hạnh và Andy Nguyễn diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4-7/8 với mục đích đem lại vẻ đẹp chân - thiện - mỹ cùng những thông điệp sâu sắc về giá trị của môi sinh. Điều chị mong muốn là có thể đóng góp một phần công sức vào việc tăng cường nhận thức về bảo vệ thiên nhiên ở Việt Nam. “Khi đến thăm Khu cứu hộ Linh trưởng nguy cấp Ninh Bình, tôi tự hỏi, có vị thuốc nào chữa dứt chứng vô cảm của con người? Tình yêu thương, giáo dục hay pháp luật? Nhìn cô bé tình nguyện viên chăm đàn voọc mồ côi, tôi nhớ về những loài chim thú tự do nơi hoang dã ...”, chị xúc động nói.

Trở lại quê hương sau rất nhiều năm xa cách, chị Hạnh vẫn cảm nhận được sự gần gũi, thân thương nhưng không tránh khỏi những hồi hộp. Chị hy vọng được đón nhận và có sự đồng cảm nào đó dù nhỏ bé thôi trong cái bao la của tình nhân loại và tình dân tộc.

Cũng theo chị, đối với những người sống ở nước ngoài và có cuộc sống tha hương, trăn trở lớn nhất là nơi sinh ra và ngôn ngữ gốc. Đây cũng là lý do mà chị luôn cố gắng giữ tiếng Việt và không ngừng làm cho nó đẹp và có chiều sâu hơn mỗi ngày cho dù sống ở bất kỳ đâu. Không chỉ để thỏa mãn với niềm đam mê viết ký sự và chia sẻ, mà quan trọng hơn vì đó là cách để chị kết nối với quê hương và cội nguồn.