Các rạng san hô ở Biển Đỏ đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm từ dược phẩm. |
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Environmental Pollution, các nhà khoa học cho biết đã tìm thấy dấu vết của thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc chống trầm cảm trong mô san hô.
Dư lượng thuốc được tìm thấy trong tất cả 96 loài san hô mà nhóm nghiên cứu kiểm tra từ hai loại san hô đá là Acropora và Favites tại vùng nước nông ở độ sâu 5-12m và vùng nước sâu 30-40m.
Sulfamethoxazole - một loại kháng sinh điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu và đường hô hấp - cũng được tìm thấy trong 93% số san hô được lấy mẫu.
Theo giới nghiên cứu, rạn san hô rất quan trọng đối với đa dạng sinh học biển, cung cấp thức ăn, nơi trú ẩn và nơi sinh sản cho nhiều loài sinh vật, đồng thời hỗ trợ sinh kế của con người thông qua đánh bắt cá và du lịch.
Việc phát hiện dư lượng thuốc điều trị làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng của ô nhiễm dược phẩm đối với hệ sinh thái biển. Sự hiện diện của những chất này trong cơ thể san hô có thể gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến sức khỏe của san hô cũng như toàn bộ hệ sinh thái biển mà chúng hỗ trợ.
Các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng, thuốc có thể gây hại cho sinh vật biển bằng cách triệt tiêu khả năng sinh sản, trong khi gia tăng tính hung hăng và ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng học tập của chúng.
Do đó, các nhà khoa học kêu gọi thế giới phát triển các phương pháp xử lý dư lượng thuốc trong nước thải và xử lý các loại thuốc bị bỏ đi một cách an toàn.
Họ cảnh báo rằng, việc xử lý không đúng cách có thể gây ô nhiễm nước thải bằng cặn thuốc, có khả năng xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua cá và gây ra rủi ro cho sức khỏe con người.