Nhỏ Bình thường Lớn

Săn mây trên đỉnh Tà Xùa

Sau gần 5 giờ đồng hồ, với những cú cua xe vắt tay áo liên tiếp bám theo dải đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, một bên là vách đá lởm chởm, một bên là vực sâu hun hút, chúng tôi đã tới được Tà Xùa…
TIN LIÊN QUAN
san may tren dinh ta xua Du lịch 4.0: Việt Nam trong 'tâm bão' toàn cầu
san may tren dinh ta xua Đánh thức tiềm năng Tây Nguyên

Nằm ở huyện vùng cao Bắc Yên, tỉnh Sơn La, cách Hà Nội chỉ khoảng 250 km, Tà Xùa với những ngọn núi cao hùng vĩ, những thung lũng sâu hút thi thoảng lại được lấp đầy mây trắng... là một điểm "check-in" mà dân mê phượt và chụp ảnh không thể bỏ qua.

Lạc vào thung lũng khủng long

Được một “thổ dân” Tà Xùa nhắn qua Facebook, “cuối tuần này rét lắm, nhưng rất có thể bắt được em mây”. Kệ, rét thì rét! Nhóm "Thíck-thì-Nhík" không chuyên chúng tôi quyết định lên đường. Một thành viên trong nhóm hào hứng: thế mới gọi là đi săn, càng thấp thỏm càng hấp dẫn, cảm giác mây hiện ra không trong kế hoạch mới “phê”, chứ mọi thứ đã trong tính toán thì còn gì là đi săn mây Tà Xùa!

san may tren dinh ta xua

Trước khi lên đường, bấm máy gọi cho Trần Việt Dũng, một “phượt thủ” đầy kinh nghiệm chinh chiến trên các cung đường vùng Tây Bắc và cũng là người có công lớn đưa Tà Xùa vào bản đồ các địa điểm săn mây và du lịch mạo hiểm hấp dẫn của Việt Nam. Ngỗng _ Hankang (Nick của Trần Việt Dũng) cảnh báo: Xác xuất có mây chỉ là 50-50, nhưng cực lạnh, cần mặc thật ấm và chú ý có một số đoạn đường vừa bị sạt lở, có thể phải cuốc bộ đấy”. Tuy nhiên, cảnh báo của “Ngỗng_hankang” không hề làm chúng tôi chùn bước. Chúng tôi nghĩ, đến Tà Xùa mà được chiêm ngưỡng biển mây thì quá là “tuyệt cú mèo”. Nhưng không mây cũng chẳng sao. Bởi ngoài chuyện săn mây, chúng tôi còn được thử sức trên những cung đường “ngàn thước đi lên, ngàn thước xuống” như trong thơ Tây Tiến của Quang Dũng; được ngắm những thung lũng hoa mơ trắng như trong mơ, những vạt hoa dã quỳ vàng rực, những vạt chè vừa mới được cắt tỉa phẳng lì đang “ngủ đông” đẹp như những bức tranh ở Mộc Châu, hay những chấm đỏ váy áo của các cô gái H’mông thấp thoáng trên rẫy và làn khói chiều vương trên những nóc nhà sàn ẩn hiện trong thung lũng…

Theo kinh nghiệm của anh Dũng, thì mây thường xuất hiện ở thung lũng Tà Xùa khi mới có mưa phùn, nhiệt độ hạ rất thấp vào ban đêm và tăng cao vào ban ngày. Thời điểm mây xuất hiện nhiều nhất ở Tà Xùa thường trong khoảng thời gian từ tháng Mười Một đến hết tháng Ba. Nếu không khí khô, trời quang đãng, có nắng thì mây càng bông, càng đẹp. Khi nắng lên cao, nền nhiệt độ tăng thì mây mới bốc lên và khi mây đã xuất hiện, thì bồng bềnh rất lâu mới dần tan bởi thung lũng mây Tà Xùa được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi nên rất khuất gió. Và mây càng thêm đẹp nếu các tay máy tìm được chỗ đứng hợp lý để ngắm và chụp được những bức ảnh đẹp, nhất là khoảnh khắc khi mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi lúc bình minh hay chìm dần lúc hoàng hôn.

san may tren dinh ta xua
Nhóm "Thíck-thì-Nhík".

Dĩ nhiên, điểm để ngắm mây thì ở đâu cũng có thể khi đã đến Tà Xùa, nhưng có một điểm, cho bạn cảm giác như đang được đứng giữa biển mây là leo ra “lưng khủng long” – một dãy núi thấp, nhỏ hơn nằm trọn trong lòng những ngọn núi cao xung quanh. Đây cũng là điểm mà bất cứ phượt thủ nào đến với Tà Xùa cũng phải có mặt. Kể cả có mây xuất hiện hay không. Những hôm không mây, đứng trên “lưng khủng long” nhìn ra xung quanh, là những dốc núi hun hút dựng đứng, những mảng nương bậc thang từ chân núi leo lên gần tới đỉnh được thu vào tầm mắt cũng là một cảm xúc đáng giá...

Câu chuyện bên bếp lửa

Theo  Hờ A Chay, chủ một nhà nghỉ, thì khu vực này được hợp lại từ ba đỉnh núi và là ranh giới tự nhiên giữa Sơn La với Yên Bái. Đỉnh Tà Xùa ở phía Yên Bái là đỉnh núi cao thứ 10 của Việt Nam với độ cao 2.650m. Còn đỉnh Tà Xùa ở Bắc Yên thấp hơn. Hờ A Chay kể,  từ lâu lâu lắm rồi, thấy bố của bố A Chay truyền lại, người dân ở đây gọi đỉnh núi này là “xua”, tiếng H’Mong nghĩa là vùng đất nhỏ chỉ như cái lưng lá dương xỉ. Những ngọn núi ở đây rất dốc, dốc đến nỗi, như A Chay miêu tả là “bắn được con trâu rừng trên đỉnh núi, thế mà nó vẫn lăn xuống khe núi mất hút, không thể nào tìm lại được”. Và cũng vì lẽ đó, nên người dân ở đây còn gọi là “núi dốc” hoặc “núi không tìm được thú rừng”.

Hờ A Chay khoe, trước đây, xã Tà Xùa nghèo lắm, nhà A Chay cũng nghèo lắm, nhưng nay đã đỡ cái nghèo rồi. Tà Xùa giờ đã có điện, có wifi 4G của Viettel. Trước đây, mây xuất hiện thì chỉ nhìn thôi, nhìn mãi cũng thấy bình thường. Nay có điện thoại chụp lại được để “úp” lên facebook. Mấy năm trước, ít người biết đến Tà Xùa, ít người lên đây săn mây lắm, mặc dù mây thì đã đến với người Tà Xùa từ khi có cái thung lũng này. Nhưng bắt đầu từ khoảng 2014, sau khi anh Ngỗng (tên bà con ở đây thân mật gọi Trần Việt Dũng) lên đây săn mây, thấy Tà Xùa đẹp, anh liền xin cán bộ xã mở nhà nghỉ (hostel), vận động anh em ở đây cùng làm du lịch, cùng giới thiệu quảng bá Tà Xùa lên mạng… Người nọ bảo người kia, giờ trung tâm xã Tà Xùa đã “sầm uất” hơn, đã có thêm mấy nhà nghỉ, mấy quán ăn, có cả cửa hàng sim thẻ Viettel và bán điện thoại chụp ảnh và hàng uốn tóc gội đầu… Nhưng chỉ tiếc là mỗi người làm một kiểu, lẽ ra phải làm tất cả là nhà sản thì mới đẹp. Hôm vừa rồi, A Chay họp với cán bộ xã, đã đề nghị những nhà làm sau "quán triệt" chủ trương này rồi. Du khách thì ngày càng đông, nhất là dịp cuối tuần. Nhà nghỉ của A Chay đêm nay đã có đoàn 30 người "Book" rồi. Họ bảo hết giờ làm mới đi từ Hà Nội lên, khoảng 1 giờ sáng mới đến để sáng sớm còn kịp đón bình minh, đang dọn chỗ ngủ và nấu xôi cho họ đây…

san may tren dinh ta xua

Bên chén rượu “thóc” cạnh bếp lửa mà A Chay tự ủ men, tự cất, câu chuyện giữa chúng tôi dường như không dứt. A Chay tiếp: việc làm chính là bảo vệ ở trường Trung học Cơ sở Tà Xùa. Vợ A Chay làm chủ tịch Hội phụ nữ xã, đang bận đi học Chính trị tận Yên Bái, bên kia ngọn núi, xa lắm, nhớ lắm. Nhưng phải đi học thôi, về để còn làm tốt cái công việc cán bộ giao. Trường A Chay làm có 200 học sinh, hầu hết đếu ở lại trường luôn vì ở xa, hết tuần mới được về nhà. Có em phải đi 15 km mới đến được lớp học. Giờ rét thế này, các em khổ lắm đấy. Nếu dưới xuôi có giúp đỡ, thì cứ cho các em găng tay, dày dép, mũ ấm thôi, còn quần áo không thích đâu vì người H’Mông không thích mặc quần áo của người khác. Quần áo mới thì tốt thôi, nhưng giống nhau tất thì cũng không thích đâu vì nếu mà giống nhau, phơi ở trường, cái gió làm rơi xuống đất, là các em bỏ luôn. Quần áo đã rơi xuống đất rồi là của người chết, không may đâu...

Cứ thế, trong cái rét đêm Tà Xùa lạnh cứng chân tay, Hờ A Chay kể cho chúng tôi nghe về săn mây, về cái vất vả của người dân vùng cao nơi đây, về ước mong ngày càng có nhiều người đến với Tà Xùa, giúp đỡ các em học sinh nghèo ở đây đã làm cho chai “rượu thóc” cạn đi lúc nào không biết. Hờ A Chay lật đật định đi lấy rượu tiếp nhưng tôi ngăn lại. Hờ A Chay bảo rượu thóc uống tốt lắm, không say đâu và “kết luận”: nếu không có người đến với Tà Xùa, thì mây Tà xùa cũng chẳng để làm gì. Giờ này tất cả đã chìm trong bóng đêm và cái rét thấu xương, A Chay cũng đi ngủ từ lâu rồi. Chỉ có bếp lửa là thức thôi. A Chay dặn tôi, chuẩn bị đi để 5 giờ sáng còn kịp ra Thung lũng Khủng long đón bình minh đấy. Từ đây ra đến lưng khủng long, chỉ khoảng 14 km thôi, nhưng có khi đi mất 2 tiếng đấy!

san may tren dinh ta xua Châu Á và du khách phương Tây

Mỗi năm, hàng triệu du khách phương Tây đến Việt Nam. Nếu tính châu Á, có thể có đến hàng chục, hàng trăm triệu. Họ ...

san may tren dinh ta xua Vẻ đẹp Việt Nam qua góc nhìn một doanh nhân Argentina

Trong bài viết được đăng trên trang mạng Equilibrium Global ngày 14/4, doanh nhân Argentina Guillermo Perez Cena đã ca ngợi vẻ đẹp kỳ diệu ...

san may tren dinh ta xua Côn Đảo được bình chọn là hòn đảo kỳ thú nhất thế giới

Trên tạp chí Travel and Leisure số ra mới đây, Côn Đảo xuất hiện với vị trí đầu tiên trong danh sách bình chọn những ...

Đức Trí