📞

Sau cuộc chiến thương mại, cuộc chiến chip, đâu sẽ là mặt trận mới trong cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc?

Mai Thang 08:12 | 27/10/2022
Ngoài cạnh tranh về chip thì công nghệ sinh học là một lĩnh vực đáng quan tâm khác trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc bởi các ứng dụng rộng rãi từ thuốc cho tới thực phẩm, nhiên liệu cho tới những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.

Việc phát triển thành công hai vaccine mRNA ngừa Covid-19 chỉ trong vòng một năm, được các nhà phân tích ca ngợi là một thắng lợi cho ngành công nghệ sinh học của Mỹ. Là dấu hiệu cho thấy siêu cường Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này.

Ngược lại, vaccine Sinovac của Trung Quốc, sử dụng công nghệ vaccine truyền thống hơn, đã được chứng minh là kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 chuyển nặng và cần nhiều liều tiêm hơn để có mức độ bảo vệ tương tự như vaccine của Mỹ.

Tuy nhiên, đằng sau chiến thắng đó là những lo ngại rằng, Mỹ có nguy cơ mất lợi thế về công nghệ sinh học vào tay Trung Quốc.

Ngoài cạnh tranh về chip thì công nghệ sinh học là một lĩnh vực đáng quan tâm khác trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Memri)

Tầm quan trọng của công nghệ sinh học

Mặc dù Mỹ hiện là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi trong lĩnh vực này, nhưng Trung Quốc có một số lợi thế nhất định có thể giúp nước này giành vị trí dẫn đầu trong dài hạn. Cả hai siêu cường đều nhận ra tầm quan trọng của công nghệ sinh học, với rất nhiều ứng dụng, từ thuốc điều trị ung thư và liệu pháp gien đến thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm và nhiên liệu sinh học…

Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2022 đã ký một sắc lệnh để mở rộng sản xuất y sinh ở Mỹ, nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này - đặc biệt là vào Trung Quốc - về nguyên liệu và sản xuất.

Ông Biden tuyên bố: “Hành động của ngày hôm nay sẽ đảm bảo rằng Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ sinh học và sản xuất sinh học - tạo việc làm, giảm giá, tăng cường chuỗi cung ứng để chúng tôi không phải phụ thuộc vào bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào dược phẩm nhập khẩu và coi công nghệ sinh học là ngành ưu tiên phát triển trong kế hoạch tổng thể công nghiệp “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ sinh học này đang diễn ra trong bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung. Nhận thức được sự xói mòn vai trò thống trị trong ngành công nghiệp bán dẫn, Mỹ đang thực hiện các bước đi để đảm bảo điều tương tự không xảy ra trong công nghệ sinh học.

Một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên đã phát biểu trong cuộc họp báo về sắc lệnh của Tổng thống Joe Biden hồi tháng Chín rằng: “Chúng tôi thực sự dẫn đầu trong lĩnh vực này. Nhưng chúng tôi có nguy cơ tụt lại phía sau, như trong lĩnh vực bán dẫn và sau đó là lĩnh vực viễn thông tiên tiến”.

Sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Biden có thể được coi là một ví dụ khác về cách Washington ngày càng thúc đẩy chính sách công nghiệp trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.

Sự tách rời về công nghệ sinh học sẽ không dễ dàng, do các chuỗi cung ứng được liên kết chặt chẽ với nhau. Điều đó nói lên rằng, những cảm xúc thúc đẩy tiến trình tách rời này sẽ cản trở sự hợp tác trong nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học giữa hai nước.

"So găng" sức mạnh Mỹ-Trung Quốc

Trong khi Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc về công nghệ sinh học, một số nhà phân tích đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thế mạnh trong một số lĩnh vực mà Mỹ cuối cùng có thể bị tụt lại. Một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu an ninh mới của Mỹ (CNAS) tháng 7/2022 đã đánh giá khả năng tiếp cận của Mỹ với 4 nguồn lực là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng trong công nghệ sinh học - thiết bị, nhân sự, thông tin và vốn.

Mặc dù Mỹ vẫn có lợi thế trong từng nguồn lực đó, nhưng CNAS kết luận rằng “việc thiếu một chiến lược chủ động để đảm bảo tiếp cận nguồn lực và không có nguồn vốn đầu tư đáng kể sẽ khiến nền kinh tế sinh học của Mỹ có nguy cơ bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc trong những thập kỷ tới”.

Một điều đáng lo ngại là Mỹ không hành động đủ để xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao, trong khi đó Trung Quốc đang có nhiều công nhân có trình độ cao hơn theo lộ trình đặt ra và đây là một khoảng cách sẽ được nới rộng trong những năm tới.

Báo cáo của CNAS cho biết: “Việc có đủ nhân viên được đào tạo bài bản và có trình độ làm việc tại các phòng thí nghiệm, trạm nghiên cứu nông nghiệp và cơ sở y tế là yếu tố gây tắc nghẽn lớn nhất trong nền kinh tế sinh học Mỹ”.

Hầu hết các nghiên cứu tiên phong về công nghệ sinh học ở Mỹ được thực hiện bởi các nhà khoa học có bằng cấp Tiến sỹ, nhưng các trường đại học của Mỹ chỉ có khoảng 3.000 tiến sỹ về khoa học y tế mỗi năm, so với 10.000 của Trung Quốc.

Theo báo cáo của Đại học Georgetown hồi tháng 8/2021, mặc dù không có số liệu chính xác về tiến sỹ khoa học y tế, nhưng Trung Quốc đã nhanh chóng vượt qua Mỹ về mức tăng tiến sỹ STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).

Trung Quốc đang có nhiều công nhân có trình độ cao hơn theo lộ trình đặt ra. (Nguồn: SCMP)

Mỗi siêu cường đã đào tạo khoảng 20.000 tiến sỹ STEM mỗi năm vào giữa những năm 2000. Nhưng đến năm 2025, con số của Trung Quốc dự kiến sẽ là hơn 77.000 người so với khoảng 40.000 của Mỹ.

Theo báo cáo của McKinsey tháng 8/2022, sự tụt hậu về số lượng là một nguyên nhân đáng lo ngại vì nghiên cứu, khám phá và đổi mới đột phá là một trong những thế mạnh của Mỹ so với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, lợi thế về số lượng của Trung Quốc vẫn chưa được chuyển thành những đột phá khoa học có ý nghĩa toàn cầu.

Ví dụ, vào năm 2020, mặc dù xuất bản số lượng bài báo y sinh cao thứ hai trên thế giới, các tác giả gốc Trung Quốc xuất hiện ít thường xuyên hơn các tác giả Mỹ, Anh hoặc Đức trong các ấn phẩm danh giá hàng đầu trong lĩnh vực này là Cell, NatureScience. Các bài báo của các nhà nghiên cứu tại Trung Quốc cũng thường là nghiên cứu tiếp theo thay vì nghiên cứu các vấn đề cốt lõi.

Khi nói đến vốn, đặc biệt là nguồn vốn từ khu vực tư nhân, Mỹ đang vượt xa Trung Quốc - theo đánh giá của CNAS. Một ước tính của Statista cho thấy, Mỹ chiếm 59% thị phần giá trị toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ sinh học, so với 11% của Trung Quốc.

Trong trường hợp của Trung Quốc, ngoài nguồn tài trợ mạnh mẽ từ khu vực tư nhân, vốn từ chính phủ chắc chắn sẽ là nguồn kế tiếp. Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 của nước này về phát triển ngành công nghiệp dược phẩm kêu gọi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học tăng hơn 10% mỗi năm cho đến năm 2025.

So với Mỹ, Trung Quốc cũng có thế mạnh về sản xuất. Đây là một trung tâm sản xuất chất lượng cao, có chi phí cạnh tranh, sản xuất các thành phần dược phẩm hoạt tính (API) mà Mỹ phụ thuộc nhiều vào khi sản xuất thuốc - khoảng 13% API của Mỹ là từ Trung Quốc.

Chính sự phụ thuộc vào sản xuất ở nước ngoài là mục tiêu của Sắc lệnh hành pháp của chính quyền Tổng thống Biden. Theo sắc lệnh này, Bộ Quốc phòng sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng sản xuất công nghiệp sinh học trong nước trong vòng 5 năm, để thiết lập một cơ sở sản xuất công nghiệp sinh học trong nước mà các nhà đổi mới của Mỹ có thể tiếp cận.

Hình dáng của cuộc cạnh tranh

Nhưng các nhà phân tích cho rằng, Mỹ sẽ mất nhiều năm để xây dựng năng lực như vậy cho sản xuất trong nước, không có gì đảm bảo rằng các nhà đổi mới công nghệ sinh học ở các nước khác sẽ tự động chuyển sang Mỹ thay vì Trung Quốc.

Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích tại Jefferies, một công ty dịch vụ tài chính của Mỹ, ước tính rằng việc thay thế sản xuất của Trung Quốc sẽ khiến các nhà sản xuất thuốc Mỹ tiêu tốn tới 18 tỷ USD, ngoài 12 tỷ USD chi phí nhân công hàng năm.

Tuy vậy, có vẻ như Mỹ đang hướng tới một hình thức tách rời nào đó trong lĩnh vực công nghệ sinh học - giống như họ đã làm trong ngành bán dẫn. Điều đó cho thấy sự sẵn sàng ngày càng tăng của Mỹ trong việc sử dụng chính sách công nghiệp để thúc đẩy mục tiêu của mình trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Rốt cùng, sắc lệnh hành pháp về công nghệ sinh học là hành động tuân theo Đạo luật Khoa học và Chip được thông qua tháng 7/2022.

Đạo luật này xác định sẽ chi 52 tỷ USD cho các nhà sản xuất chip, cũng như 200 tỷ USD trong 5 năm dành cho nghiên cứu khoa học. Đạo luật cũng nhằm xây dựng vị trí dẫn đầu toàn cầu của Mỹ về các công nghệ mới và sẽ tập trung vào các lĩnh vực như chất bán dẫn và máy tính tiên tiến, công nghệ truyền thông tiên tiến, công nghệ năng lượng tiên tiến, công nghệ thông tin lượng tử - và công nghệ sinh học.

Do đó, có khả năng sẽ có nhiều hành động chính sách công nghiệp tương tự từ Mỹ đối với các công nghệ này trong tương lai bởi Mỹ đang cạnh tranh với Trung Quốc để giành vị trí dẫn đầu.

Khi mặt trận mới trong cạnh tranh Mỹ-Trung bắt đầu hình thành, chính sách công nghiệp của Mỹ có thể sẽ mang tính mục tiêu nhiều hơn thay vì chỉ mang tính phản xạ và sẽ tiếp tục có chỗ cho sự hợp tác cùng có lợi với Trung Quốc.

(theo Straits Times)