📞

Sau những ngày yên bình cho bà Yingluck

15:09 | 05/12/2013
Trong tuần vừa qua, tại Thái Lan đã diễn ra một cuộc biểu tình được coi là lớn nhất trong lịch sử nước này kể từ cuộc biểu tình năm 2010. Cuộc biểu tình do Suthep Thaugsuban - nguyên Phó Thủ tướng và cựu nghị sỹ đảng Dân Chủ cầm quyền trước đây - lãnh đạo với mục tiêu là lật đổ chính phủ đương thời của bà Yingluck, được gắn với tên gọi "Chế độ Thaksin không có Thaksin". Những người biểu tình nêu yêu sách thành lập "Hội đồng nhân dân" không qua bỏ phiếu với Suthep đóng vai trò là Tổng thư ký. Căng thẳng tăng cao sau cuộc bạo động diễn ra ngày 30/11 tại sân vận động nơi tập trung phe "Áo Đỏ" ủng hộ chính phủ khiến 4 người chết và nhiều người bị thương.

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc biểu tình lần này xuất phát từ một đạo luật ân xá được Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, đệ trình và được Hạ viện thông qua ngày 2/11, theo đó tạo điều kiện cho phép cựu Thủ tướng Thaksin trở về nước. Kế hoạch này sau đó đã bị Thượng viện bác bỏ, nhưng nó vẫn làm dấy lên sự tức giận của liên minh gồm tầng lớp trung lưu thị thành, phe bảo hoàng và nông dân miền nam Thái Lan. Một nguyên nhân khác khiến biểu tình bùng nổ mạnh mẽ là động cơ của ông Suthep - người bị truy tố với tội danh gây ra cái chết cho 90 người dân nước này trong cuộc đàn áp biểu tình năm 2010. Hiện nay, Quốc hội đang họp, nên các công tố viên đến ngày 12/12 tới đây mới có thể kết tội được Suthep, vì vậy mà những người phản đối chính phủ dường như muốn cản trở quá trình xét xử này bằng cách tiến hành các cuộc biểu tình. Giới quan sát cho rằng Suthep đang cố gắng kích động bạo lực, tạo ra hỗn loạn với hy vọng lặp lại hành động lật đổ chính quyền của quân đội trong quá khứ. Tuy vậy, quân đội hoàng gia đã tuyên bố giữ trung lập trong vấn đề này và tiếp tục giữ thái độ quan sát.

Về phía chính phủ, Thủ tướng Yingluck đã áp dụng chính sách kiềm chế vũ lực tối đa nhằm ngăn chặn bùng phát bạo lực, kêu gọi đàm phán và giải quyết vấn đề một cách hòa bình với phe đối lập.

Sau nhiều ngày căng thẳng, tình hình tại Bangkok đã đột ngột thay đổi vào sáng ngày 3/12 sau khi chính phủ ra lệnh cho cảnh sát ngừng đối phó với người biểu tình và cho phép họ được vào trong khuôn viên của Phủ Thủ tướng và trụ sở cảnh sát quốc gia. Cảnh sát và người biểu tình đã hồ hởi bắt tay nhau và cùng làm vệ sinh thủ đô.

Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng sự hòa hoãn lúc này chỉ làm tạm thời và có thể sau lễ mừng sinh nhật lần thứ 86 của nhà Vua Bhumibol Adulyadej, các cuộc biểu tình sẽ lại tiếp diễn. Phát biểu tại trụ sở Cảnh sát quốc gia, bà Yingluck kêu gọi những người biểu tình sớm tiến hành đàm phán với chính phủ thông qua diễn đàn nhân dân. Đây là một sáng kiến của bà Yingluck với mục đích kêu gọi sự tham gia của các học giả và chuyên gia pháp lý nhằm tìm kiếm các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Diễn đàn này còn là đối trọng với Ủy ban cải cách dân chủ nhân dân do phe biểu tình tạo ra nhằm thiết lập Hội đồng nhân dân của người biểu tình.

Với cách xử lý khéo léo vừa qua, bà Yingluck đã tạm chèo lái chính phủ vượt qua những cơn sóng lớn, nhưng để vừa giữ được ổn định cho đất nước và vừa duy trì được quyền lực trong thời gian tới không phải là việc dễ dàng. Đặc biệt khi những người nông dân vốn từng ủng hộ mạnh mẽ Đảng Vì người Thái của bà đang thất vọng với chính sách trợ giá lúa gạo của Chính phủ.

Hoàng Tường Vân