📞

Sáu yếu tố của nhà ngoại giao thế hệ Z

THU TRANG 14:00 | 11/04/2021
Kỷ nguyên kỹ thuật số gắn liền với những đột phá về công nghệ, Internet, kỹ thuật số, thực tế ảo…, đã và đang thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sống và làm việc.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ tại Tọa đàm “Cùng suy ngẫm: Biên - phiên dịch và báo chí ngoại giao thời kỳ mới”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Những cán bộ ngoại giao trẻ đồng thời cũng là những công dân thế hệ Z - công dân đám mây, đa năng, cần phải làm chủ về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi đầu phát triển và ứng dụng công nghệ vào hoạt động đối ngoại.

Đây cũng là những trăn trở của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga về công tác đào tạo cán bộ ngoại giao trẻ sao cho đủ phẩm chất và năng lực để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng trên thế giới trong buổi Tọa đàm “Cùng suy ngẫm: Biên - phiên dịch và báo chí ngoại giao thời kỳ mới” vừa qua.

Chia sẻ với những băn khoăn của các cán bộ ngoại giao trẻ, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nhấn mạnh những thách thức, khó khăn của thời đại số không phải là đối với riêng thế hệ trẻ Việt Nam mà là câu chuyện chung của toàn thế giới, toàn nhân loại.

Với kinh nghiệm gần 40 năm công tác tại nhiều đơn vị khác nhau trong ngành Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho rằng, dù ở lĩnh vực chuyên môn nào, trước hết các cán bộ trẻ phải luôn tâm niệm, ý thức được mình là cán bộ ngoại giao để từ đó nỗ lực trau dồi, rèn luyện những kỹ năng, phẩm chất cần có của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

Theo Đại sứ, có sáu yếu tố lớn mà các cán bộ ngoại giao trẻ cần trau dồi, học hỏi và rèn luyện.

Một là tốc độ - đặc trưng lớn nhất của thời đại số, công nghệ số. Muốn trở thành một cán bộ ngoại giao giỏi trước hết cần phải hiểu được thời đại mình đang sống. Trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, những cán bộ ngoại giao trẻ buộc phải “tăng tốc” nếu không muốn bị thụt lùi.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga nêu rõ: “Hiện nay, trên thế giới đã hình thành ngoại giao số, các nhà ngoại giao sử dụng công nghệ số đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này là không thể tránh được và chúng ta cũng phải thay đổi, phải biết sử dụng công nghệ. Tất cả các bộ ngoại giao cần thay đổi tư duy hình thành ngoại giao số, sử dụng mạng Internet và các công nghệ mới phục vụ cho nhiệm vụ đối ngoại”.

Tuy thời đại số đem đến nhiều khó khăn, thử thách nhưng đồng thời cũng cho những cán bộ ngoại giao trẻ cơ hội tìm hiểu, học tập ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, bất cứ cái gì chỉ với điện thoại thông minh và mạng Internet.

Hai là đa năng, điều tất yếu trong thời đại mới. Cụ thể là, những nhà ngoại giao trẻ cần linh hoạt, có thể chiến đấu đồng thời nhiều “mặt trận” cùng lúc.

Nhà ngoại giao trẻ phải nhận thức được rằng nhu cầu hợp tác quốc tế trong thời đại công nghệ số là rất khác trước. Trong xu thế năng động, hội nhập sâu rộng và đa phương, những cán bộ đối ngoại cũng cần trau dồi cho mình nhiều kỹ năng khác nhau để “đổi vai” khi cần thiết.

Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh: “Làm sao để một cán bộ ngoại giao vừa có thể là nhà nghiên cứu, người phiên dịch hay phóng viên báo chí… để khi được giao việc hay thuyên chuyển đến bất kì vị trí nào cũng không ngại, không sợ”.

Ba là sáng tạo để vươn tới cái mới. Nếu tuổi trẻ thiếu đi tính sáng tạo thì rất dễ bị đi trên lối mòn, rất dễ bị “chinh phục” bởi những suy nghĩ hạn hẹp. “Cái gì mới mẻ của ngày hôm nay chắc chắn sẽ trở thành cũ kỹ và lạc hậu vào ngày mai”. Đại sứ Nguyệt Nga cho rằng, những cán bộ ngoại giao trẻ phải không ngừng sáng tạo để vươn tới cái mới, biến những điều không thể thành có thể.

Có như vậy, những nhà ngoại giao trẻ mới có thể làm chủ được thời đại số, chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình quốc tế.

Những cán bộ ngoại giao trẻ đồng thời cũng là những công dân thế hệ Z - công dân đám mây, đa năng, cần phải làm chủ về công nghệ và đổi mới sáng tạo, đi đầu phát triển và ứng dụng công nghệ vào hoạt động đối ngoại.

Bốn là bản lĩnh vượt qua những thất bại, trở ngại và khó khăn. Chia sẻ về câu chuyện thực tế thời mới vào nghề, Đại sứ Nguyệt Nga khuyên các cán bộ trẻ phải biết học cách đứng lên sau những thất bại.

Đại sứ Nguyệt Nga nói: “Chúng ta được quyền khóc, được quyền nản nhưng không quá một đêm. Sau đó ta cần tìm được cái sai của mình và học theo cái thành công của người khác để rồi đi tiếp”.

Năm là phong thái. Một nhà ngoại giao hiện đại cần có phong thái tự tin, niềm nở, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, đồng thời gây thiện cảm với những người xung quanh.

Theo Đại sứ Nguyệt Nga, để có được phong thái “chuẩn ngoại giao” cũng là một quá trình học hỏi không ngừng. Một nhà ngoại giao ngoài vẻ đĩnh đạc, chỉn chu còn phải trau dồi kiến thức toàn diện trên nhiều lĩnh vực để có được sự tự tin trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Sáu là nhiệt huyết với nghề. Theo Đại sứ, những nhà ngoại giao trẻ cần luôn giữ cho mình “ngọn lửa” đam mê, tâm huyết với nghề, thấy rằng nghề ngoại giao là một nghề cao quý, một nghề có cơ hội chứng kiến những giây phút lịch sử.

Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh: “Có yêu nghề, hết lòng với nghề thì mới có động lực để rèn luyện, phấn đấu”.