📞

'Siêu tình báo' Liên Xô và con đường trở thành Đại sứ của Costa Rica

Lê Ngọc 14:05 | 26/02/2020
TGVN. Yuri Andropov - Chủ tịch KGB, về sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (năm 1982) đã nhận định về Joseph Grigulevich, sĩ quan tình báo Liên Xô rằng: “Đây là đỉnh cao của tình báo Xô Viết, mà chỉ những người được Chúa đánh dấu và chọn mới có khả năng đạt đến”.   
Joseph Grigulevich - Đặc vụ có một không hai của Liên Xô. (Nguồn: Russian7)

Con đường đến với nghề tình báo Liên Xô...

Joseph Grigulevich tên thật là Juozas Grigulyavichus, sinh năm 1913 tại Litva trong một gia đình mà tất cả mọi người đều nói tiếng Nga, tuy họ biết cả tiếng Ba Lan. Mặc dù tình hình tài chính của cha mẹ Juozas không thực sự khá giả, họ vẫn quyết định để con trai được học tại trường gymnasium (trường dành cho học sinh giỏi) Panevezys.

Theo Yuri Paporov - một trong những tác giả của ấn phẩm “Huyền thoại của GRU” - chính trong các bức tường của ngôi trường này, cậu bé Joseph Grigulevich 13 tuổi đã trở thành thành viên của tổ chức thanh niên cộng sản, một tổ chức được cho là bất hợp pháp. Vì vậy, Joseph Grigulevich đã bị đuổi khỏi trường. Về sau, Joseph Grigulevich tốt nghiệp một trường gymnasium khác, nhưng không từ bỏ quan điểm của mình.

Đầu những năm 1930, Joseph Grigulevich gia nhập Đảng Cộng sản Ba Lan, và sau đó, trở thành thành viên của Văn phòng Litva của Đảng Cộng sản Tây Belarus. Theo Vladimir Antonov - tác giả cuốn sách “Tình báo đối ngoại - Lịch sử, con người, số liệu”, năm 1932, Joseph Grigulevich bị bắt, bị kết án hai năm tù, và bị trục xuất khỏi đất nước. Sau đó, ông sống ở Pháp, Argentina, Tây Ban Nha.

Joseph Grigulevich từng làm phiên dịch cho Đại sứ quán Liên Xô tại Madrid, và trong thời gian chiến tranh, ông được bổ nhiệm làm Trợ lý Tham mưu trưởng Mặt trận Madrid. Trong một chuyến đi đến Tây Ban Nha, Tướng Alexander Orlov của Bộ Nội vụ Liên Xô đã để ý đến Joseph Grigulevich. Từ năm 1937, Joseph Grigulevich đã hợp tác với tình báo Liên Xô.

Năm 1940, Joseph Grigulevich được chuyển đến Mỹ Latin và có những hoạt động tình báo tích cực ở Brazil, Chile và một số quốc gia khác. Theo Vladimir Chirkov, tác giả cuốn “Siêu đặc vụ của Stalin - 13 cuộc đời của 1 đặc vụ bất hợp pháp”, ở tất cả mọi nơi, người ta đều coi Joseph Grigulevich là người của mình.

Điều này được tạo nên không chỉ bởi vẻ ngoài đặc biệt của Joseph Grigulevich, mà còn bởi tài năng không thể nghi ngờ của ông để vào vai với bất kỳ cương vị nào. Joseph Grigulevich biết lôi kéo mọi người, là người sáng tạo, có cái đầu lạnh và thận trọng. Tất cả những phẩm chất này đã giúp Joseph Grigulevich trong Thế chiến II, khi được giao một nhiệm vụ quan trọng.

Theo Mikhail Lyubimov - tác giả của cuốn “Cách người ta giết Bandera”, là đặc vụ Liên Xô duy nhất ở Argentina, Joseph Grigulevich đã tổ chức cả một nhóm gây ra nhiều vụ nổ tàu Đức, phương tiện vận chuyển diêm tiêu, vonfram và các nguyên liệu thô khác cần thiết cho ngành công nghiệp quân sự.

Nhờ hành động này, việc cung cấp hàng hóa Argentina cho Đức gần như đã bị chấm dứt. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều nhà sử học coi đóng góp để đánh bại của chủ nghĩa phát xít của Joseph Grigulevich không hề thua kém so với những người lính Liên Xô ở mặt trận.

... và Đại sứ Costa Rica

Sau Thế chiến II, công việc của Joseph Grigulevich không giảm, và thành công của ông của cũng nhiều thêm. Năm 1949, với sự giúp đỡ của Joaquín Gutiérrez - một nhà văn người Costa Rica có thiện cảm với Liên Xô, người đang làm việc trong ngoại giao đoàn của Costa Rica, Joseph Grigulevich đã có được một hộ chiếu giả dưới cái tên Teodoro Castro Bonefil, định cư tại Rome (Italy).

Joseph Grigulevich đóng vai con trai ngoài giá thú của một nhà sản xuất cà phê giàu có người Costa Rica. Ông đã thành lập một doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Rome và có các mối liên hệ cá nhân rộng rãi với các doanh nhân và linh mục của nhà thờ Công giáo. Ở Italy, “Castro” đã thể hiện một tài năng khác - một cây bút xuất sắc. Các bài báo trước bầu cử của Joseph Grigulevich đã giúp đưa Jose Figueres lên chức Tổng thống Costa Rica.

Ông cũng đã trở thành một người bạn và đối tác kinh doanh của Tổng thống Jose Figueres và vào năm 1951, Joseph Grigulevich, với cái tên vỏ bọc là Teodoro Castro, được bổ nhiệm làm Đại biện lâm thời Costa Rica tại Rome. Năm 1952, Teodoro Castro được bổ nhiệm làm Đại sứ Costa Rica ở cả Italy, Vatican và Nam Tư.

Cũng trong thời gian này, Joseph Grigulevich được bí mật trao quốc tịch Liên Xô và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô. Cho đến nay, đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử, một tình báo đã trở thành Đại sứ. Khó có thể đoán bao nhiêu thông tin quan trọng Joseph Grigulevich thu được nhờ chức vụ này. Không những thế, trong vỏ bọc hoàn hảo, Joseph Grigulevich được chính Giáo hoàng Pius XII tin tưởng. Trước ông, không ai có thể làm được điều này.

Theo nhà làm phim tài liệu Vilen Wizilter trong cuốn hồi ký “Tiếng vọng của kỷ nguyên”, Giáo hoàng Pius XII thậm chí còn trao tặng cho Joseph Grigulevich huân chương “Thánh giá Malta”. Trong 17 năm hoạt động, Joseph Grigulevich chưa bao giờ bị lộ tung tích và đích thân tuyển dụng khoảng khoảng 200 đặc tình. Các chi tiết về vai trò của đặc vụ Liên Xô Joseph Grigulevich chỉ được công khai sau khi khi Liên Xô tan rã, đặc biệt là việc phát hành cái gọi là "lưu trữ Mitrokhin" vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Yuri Andropov, Chủ tịch KGB, về sau là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô gọi Joseph Grigulevich là "đỉnh cao của tình báo Liên Xô".

(theo Russian 7)