Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, TS Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo. |
Hội thảo nhằm đánh giá lại hiệu quả của việc đào tạo công tác xã hội tại Việt Nam, những kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời chỉ ra những vấn đề cần tiếp tục thúc đẩy, nhằm giúp xã hội có sự nhìn nhận đúng về công tác xã hội và những người làm công tác xã hội có được vị trí xứng đáng của mình.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, TS Doãn Mậu Diệp, công tác xã hội là một nghề, một hoạt động chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, với mục tiêu là thúc đẩy, phục hồi, duy trì và tăng cường chức năng của cá nhân, gia đình và cộng đồng thông qua hoạt động trợ giúp, xóa bỏ và phòng ngừa đói nghèo và các vấn đề xã hội. Đồng thời, công tác xã hội còn tham gia vào việc xây dựng, hoạch định và thực thi các chính sách xã hội, các chương trình, hệ thống dịch vụ xã hội. Ở Việt Nam, ngành nghề công tác xã hội mới chỉ được biết tới trong hơn 10 năm nay, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 32 về "Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020". Tuy nhiên, việc đào tạo nghề công tác xã hội của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do thiếu những kinh nghiệm đào tạo.
Từ năm 2010 - 2012, thông qua quan hệ hợp tác giữa Tổ chức Quốc tế Singapore (SIF) và Đại học Lao động - Xã hội (ULSA), đội ngũ 7 chuyên gia công tác xã hội của Singapore đã giúp tăng cường kỹ năng cho 40 giảng viên và cán bộ Việt Nam trong việc giảng dạy và thực hiện công tác xã hội ở Việt Nam. Những người tham gia tập huấn sẽ áp dụng những kiến thức và kỹ năng mới trong việc đào tạo hơn 1.000 sinh viên theo học ngành công tác xã hội ở Việt Nam.
Hầu hết các sinh viên này sẽ trở thành những người làm công tác xã hội với cộng đồng và các cá nhân, đặc biệt với nhóm đối tượng ở tầng thấp hơn của thang kinh tế - xã hội, những người phải thường xuyên đối mặt với khó khăn do thiếu tiếp cận đến các nguồn tài nguyên và dịch vụ.
Các cán bộ công tác xã hội được đào tạo sẽ tạo ra ảnh hưởng đến toàn bộ những cộng đồng này, giúp họ quản lý các thách thức nói trên để không bị tụt hậu trong bối cảnh tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Dự án này không chỉ kết nối các chuyên gia Singapore và Việt Nam trong việc chia sẻ kỹ năng, kiến thức và chuyên môn mà còn tạo điều kiện cho các giảng viên và cán bộ công tác xã hội ở Việt Nam cùng hợp tác để thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, đồng thời đem lại hiểu biết về công tác xã hội một cách toàn diện hơn. Dự án cũng là một quá trình học hỏi lẫn nhau của chuyên gia hai nước về văn hóa, phong cách làm việc và phương thức hoạt động của từng quốc gia.
Được biết, kể từ năm 1994, Tổ chức Quốc tế Singapore (SIF) đã cung cấp nhiều cơ hội cho người dân Singapore và Việt Nam xích lại gần nhau nhằm xây dựng lòng tin, tình hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau và cùng nhau tạo ra những tác động tốt đẹp cho xã hội. Công việc của SIF ở Việt Nam bao gồm các dự án phát triển cộng đồng và nâng cao năng lực, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, công tác xã hội, y tế, đồng thời tổ chức các chương trình trao đổi và tham quan tại Singapore cho các cán bộ nhà nước và sinh viên Việt Nam.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam, ngài Ng Teck Hean cho biết: "Bên cạnh các dự án được hỗ trợ bởi SIF, nhiều tổ chức, công ty và cá nhân khác của Singapore cũng đến Việt Nam để tham gia các hoạt động công tác xã hội. Chính những điều này đã tạo điều kiện thúc đẩy tình hữu nghị đáng quý và làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước."
Diễn Tú