Dự kiến lạm phát tại Singapore sẽ giảm bớt vào năm 2023 khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ và những thách thức về nguồn cung được giải quyết. (Nguồn: Getty) |
Tăng trưởng giảm tốc
Ngày 19/7, Ravi Menon, Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm tới, do sự suy giảm của các đối tác thương mại lớn.
Trong cuộc họp báo sau khi MAS công bố báo cáo thường niên, ông Menon nói: “Lạm phát gia tăng chắc chắn đã làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp, nhưng chưa đến mức có thể dẫn đến suy thoái nghiêm trọng trong năm nay”.
Tuần trước, trong một động thái ngoài chu kỳ thường lệ, ngân hàng trung ương Singapore đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ, ngay sau khi Canada bất ngờ tăng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản và trước một đợt tăng lãi suất ngoài chu kỳ tại Philippines.
Theo ông Menon: “Việc hạ nhiệt lạm phát giống như cố gắng giảm tốc độ một chiếc xe đang chạy quá nhanh khi đang lao dốc”.
Trong báo cáo thường niên 2022, MAS cho biết, lạm phát dự kiến sẽ giảm bớt vào năm 2023 khi các ngân hàng trung ương nới lỏng chính sách tiền tệ và những thách thức về nguồn cung được giải quyết".
Trên toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với cuộc chiến chống lạm phát gia tăng, vốn càng trầm trọng hơn bởi những hạn chế về nguồn cung do xung đột Nga-Ukraine và đại dịch Covid-19 gây ra.
Đề cập Singapore, ông Menon nói: "Mức độ điều chỉnh tăng trưởng sẽ phụ thuộc một phần vào các kịch bản của nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, chúng tôi dự đoán sẽ không có suy thoái hay lạm phát đình trệ ở Singapore vào năm tới".
Singapore, trung tâm tài chính Đông Nam Á, được coi là điểm sáng tăng trưởng toàn cầu, đã nới lỏng hầu hết các hạn chế trong nước và du lịch liên quan đến đại dịch kể từ đầu tháng 4/2022.
Ngân hàng trung ương nhắc lại rằng, họ dự kiến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore sẽ ở mức thấp hơn dự báo 3-5% cho năm 2022, trong khi dự báo lạm phát cơ bản đã được điều chỉnh vào tuần trước lên 3-4%, cao hơn mức dự báo trước đó.
Đây là lần thứ 4 Singapore thắt chặt chính sách tiền tệ trong vòng 9 tháng qua.
Giám đốc điều hành MAS nói: "Tôi rất vui vì chúng tôi đã đi nhanh hơn, điều này đưa chúng tôi vào một vị trí tốt hơn. Nhưng không có nghĩa là chúng tôi đang ở ngoài thời cuộc, chúng tôi cũng đang đối mặt với vấn đề lạm phát".
SGD mạnh giúp hạ nhiệt lạm phát
Trong khi đó, theo giới chuyên gia, đồng đô la Singapore (SGD) mạnh hơn có thể chính xác là những gì nước này cần để chống lại lạm phát.
Trả lời phỏng vấn CNBC hôm 20/7, Brian Tan, nhà kinh tế cấp cao tại Công ty Dịch vụ tài chính Barclays (Anh) nhận định, nền kinh tế Singapore “chắc chắn đang hoạt động trên mức tiềm năng” vì tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu lao động do đại dịch và hoạt động sản xuất phục hồi mạnh mẽ.
Mặc dù SGD mạnh hơn có khả năng ảnh hưởng đến động lực xuất khẩu, chuyên gia Tan cho rằng, đây có thể “chính xác” là những gì đất nước cần để hạ nhiệt một số áp lực lạm phát đang gia tăng do nhu cầu tăng trên diện rộng, bao gồm cả xuất khẩu và sản xuất.
Tháng 6/2022, xuất khẩu nội địa không bao gồm dầu mỏ (NODX) của Singapore tăng tháng thứ 19 liên tiếp, với mức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Getty) |
Ông Tan nói thêm: “Nhiệm vụ của SGD lúc này chính xác là làm chậm xuất khẩu. SGD tăng giá so với biên độ chính sách và điều đó đương nhiên sẽ làm chậm phần còn lại của nền kinh tế”.
Sau khi MAS thông báo vào ngày 14/7 rằng sẽ thực hiện một "bước hiệu chỉnh hơn nữa" để thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm chống lạm phát, đồng tiền Singapore đã tăng gần 0,7% lên 1,3963 SGD đổi 1 USD. Các nhà kinh tế dự kiến MAS sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa vào tháng 10 tới.
Áp lực thiếu hụt lao động
Chuyên gia của Barclays nói, mặc dù mong muốn có một khu vực sản xuất mạnh, nhưng "hoạt động rất mạnh" đang góp phần tăng áp lực lạm phát của đất nước, trong khi việc thiếu lực lượng lao động đang khiến chi phí tiền lương tăng lên.
Singapore đã hoàn toàn mở cửa lại biên giới và đón dòng lao động nước ngoài nhập cảnh, nhưng dường như chưa đủ. Lĩnh vực du lịch và dịch vụ được cho là hấp thụ lao động nhiều nhất.
Tương tự, theo ông Tan, đại dịch Covid-19 cũng gây ra sự thiếu hụt lao động trong lĩnh vực sản xuất. Do đó, việc tìm kiếm và thuê nhân công trong lĩnh vực này đang diễn ra rất mạnh mẽ và có sự cạnh tranh gay gắt.
Bình luận của ông Tan được đưa ra sau khi Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (Enterprise Singapore) công bố dữ liệu cho thấy, tháng 6/2022, xuất khẩu nội địa không bao gồm dầu mỏ (NODX) của nước này tăng tháng thứ 19 liên tiếp, với mức tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, mặt hàng điện tử xuất khẩu tăng 4,1% trong tháng 6, giảm mạnh so với mức tăng 12,9% trong tháng 5, trong khi xuất khẩu phi điện tử tăng 10,6% trong tháng 6, sau mức tăng 11,7% của tháng trước.
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Singapore là Malaysia, Indonesia và Mỹ.
Chuyên gia Tan nói: “Sản xuất và xuất khẩu mạnh sẽ tốt cho nền kinh tế, nhưng Singapore không có đủ lao động để đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Có thể cần thận trọng khi làm chậm (hoạt động sản xuất và xuất khẩu) để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát cho đến khi nguồn cung có thể cải thiện trong tương lai”.
Ông cho biết, lạm phát ở Singapore sẽ là chỉ số chính cần được theo dõi trong nửa cuối năm nay.
Mặc dù việc mở cửa trở lại biên giới đã làm giảm bớt tình trạng thiếu lao động, nhưng theo ông Tan, sự phục hồi nguồn nhân lực sẽ chỉ diễn ra từ từ.
Do đó, chuyên gia của Barclays cho rằng, lạm phát tại quốc đảo này có thể sẽ vẫn “duy trì” trong nửa cuối năm nay và chỉ bắt đầu hạ nhiệt vào thời điểm kết thúc năm.
| ASEAN-Trung Quốc bắt tay nâng tầm hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới Hiện nay, Trung Quốc và ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Hợp tác thương mại điện tử giữa hai ... |
| RCEP mang lại lợi ích cho Trung Quốc và các nước ASEAN như thế nào? Bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng thương mại, một chuỗi cung ứng khu vực tích hợp hơn theo Hiệp định RCEP cũng mang lại ... |