Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Josephine Teo (giữa, hàng sau) chụp ảnh lưu niệm với các học viên chương trình chuyển đổi tài năng công nghệ Step It Up ngày 26/1/2023. (Nguồn: Asiaone.com) |
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore, bà Josephine Teo khẳng định như trên và cho biết nước này sẽ tiếp tục đầu tư cho người dân bằng cách đào tạo lại và nâng cao kỹ năng để họ có cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Các lĩnh vực khác đang tăng cường tuyển dụng nhân tài công nghệ bao gồm ngành ngân hàng, hậu cần, kho vận và nhà ở.
Bà Teo đang xoa dịu những lo ngại về việc các cơ hội công nghệ đang giảm dần sau khi các hãng Microsoft và Amazon thông báo bắt đầu cắt giảm tổng cộng 28.000 việc làm trên toàn cầu, với lý do doanh số bán hàng chậm lại và suy thoái kinh tế có thể xảy ra.
Công ty mẹ của Google là Alphabet, chủ sở hữu của Facebook là Meta, và Twitter cũng đã tuyên bố cắt giảm nhân viên, điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của chính họ tại Singapore.
“Tất nhiên, câu hỏi trong đầu mọi người hiện nay là: Chúng ta có nên lo lắng về các cơ hội trong lĩnh vực công nghệ không?”, bà Teo nói tại buổi ra mắt chương trình chuyển đổi tài năng công nghệ, có tên là Step IT Up, ngày 26/1/2023.
“Việc cơ cấu lại quy mô lực lượng lao động cho phù hợp với các công ty công nghệ có thể gây tổn thương đối với những cá nhân bị mất việc và gia đình họ. Nhưng nếu không có cách tiếp cận chặt chẽ hơn đối với sự tăng trưởng số lượng nhân viên, các công ty công nghệ có nguy cơ trở nên cồng kềnh và kém linh hoạt hơn”, bà nói.
Từ không đến có
Khoảng 400 người chưa có kinh nghiệm về công nghệ, khi tham gia chương trình Step IT Up, sẽ được đào tạo để trở thành nhà phát triển phần mềm trong hai năm tới.
Với sự hỗ trợ từ công ty tư vấn công nghệ Temus tổ chức và được Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm (IMDA), chương trình Step IT Up dành riêng cho công dân Singapore không có kinh nghiệm nền tảng về công nghệ, với những khóa đào tạo đặc biệt cho các công việc công nghệ.
Mỗi nhóm sẽ trải qua một khóa đào tạo chuyên sâu kéo dài bốn tháng, được thiết kế riêng cho các công việc mà các học viên sẽ được nhận sau này, giúp họ làm quen với nơi làm việc và các phần mềm được sử dụng tại nơi đó.
Đợt đầu tiên gồm 22 học viên tốt nghiệp cuối năm 2022 sẽ được nhận vào công ty Temus làm nhân viên chính thức từ tháng 3/2023. Một phát ngôn viên của Temus cho biết rằng các học viên này đã được đào tạo viết mã trên nền tảng .net của Microsoft, sẵn sàng làm việc với các khách hàng thuộc cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Giám đốc điều hành công ty Temus, ông Yeoh Keat Chuan cho biết, trong đợt đầu tiên, chương trình đào tạo chủ yếu là những người chuyển đổi nghề nghiệp giữa chừng, những người từng làm ở các lĩnh vực không liên quan công nghệ, như giáo dục, y tế và ngành dịch vụ.
Ít nhất 800 ứng viên đã đăng ký trong đợt tuyển dụng năm 2022. Các học viên tốt nghiệp chương trình sẽ được làm việc tại Temus hoặc các đối tác của công ty này, hay được trao cho các cơ hội khác.
Với kế hoạch tăng lực lượng lao động của Temus lên năm lần, tới 1.000 người vào năm 2025, ông Yeoh cho biết việc đào tạo những người lao động không có kiến thức nền về công nghệ rất quan trọng trong thị trường ngày nay, nơi nguồn nhân lực về công nghệ còn hạn chế.
“Đó là cách để có được lợi thế cạnh tranh hiện nay. Với Step IT Up, chúng tôi đang đầu tư vào việc xây dựng các kỹ năng và đội ngũ nhân tài công nghệ, rất cần thiết cho Singapore và cả khu vực”, ông Yeoh nói.
Bộ trưởng Josephine Teo cho biết, cơ quan IMDA sẽ tiếp tục đầu tư vào các tài năng công nghệ tại chương trình Step IT Up.
Họ đã đưa hơn 13.000 cá nhân vào làm các công việc công nghệ từ năm 2016 theo chương trình TechSkills Accelerator và đào tạo 180.000 người khác về an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu.
Phát huy sáng kiến
Với quyết tâm đào tạo lại toàn bộ nguồn nhân lực trong nước, chính phủ đảo quốc sư tử chú trọng đặc biệt tới lĩnh vực công nghệ, để duy trì sức cạnh tranh và thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Chương trình tái trang bị kỹ năng của Singapore, có tên là SkillsFuture, hỗ trợ nâng cao kỹ năng và tái đào tạo cho hàng trăm ngàn người lao động mỗi năm.
SkillsFuture là sáng kiến nhằm khắc phục khủng hoảng thiếu hụt nhân tài, do dân số của Singapore đang suy giảm.
Chương trình bao gồm hơn 24.000 khóa học, từ công nghệ số hóa đến quản lý kinh doanh. Chính phủ trợ cấp 90% học phí các khóa học, ngoài ra còn cung cấp tín dụng 500 SGD cho những người từ 25 tuổi trở lên để họ trang trải phần chi phí học tập còn lại.
Chính phủ Singapore có nhiều chương trình hợp tác với các công ty trong và ngoài nước để phát triển các kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc. Microsoft, Siemens, PayPal và một số tập đoàn lớn khác là đối tác của SkillsFuture và các ngành liên quan của Singapore. Một chương trình hợp tác công tư để tái đào tạo lực lượng lao động như vậy được đánh giá là rất hiếm có trên thế giới.