📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 26]

HỮU NGỌC 09:00 | 29/05/2022
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Những người khốn khổ là tiểu thuyết xã hội, tác phẩm được phổ biến rộng rãi nhất của Hugo.

Victor Hugo (1802-1885)

Những người khốn khổ là tiểu thuyết xã hội, tác phẩm được phổ biến rộng rãi nhất của Hugo.

Nhân vật trung tâm Jean Valjean thể hiện những ước mơ cao cả của Hugo. Những giai đoạn cải tà quy chính của Jean Valjean biểu tượng cho lòng tin của Hugo vào cái Thiện thắng cái Ác.

Thực sự thì bộ tiểu thuyết 10 tập này gồm nhiều truyện:

Jean Valjean và Đức giám mục - Sau một ngày lang thang mệt mỏi và bị hắt hủi, tên tù khổ sai mãn hạn Jean Valjean xin được ngủ trọ ở nhà Đức Cha Myriel. Hắn lén trốn đi vào lúc tảng sáng, sau khi ăn cắp bát đĩa và mấy cây đèn bằng bạc. Hắn bị cảnh sát bắt đưa về nhà Đức Cha Myriel; Đức Cha nói dối là đã cho hắn các thứ ấy, nên hắn thoát.

Ông Madeleine và Fantine - Cô công nhân Fantine bị quyến rũ, bị người tình bỏ với một con gái nhỏ là Cosette. Cô cãi nhau gây gổ, bị trùm cảnh sát Javert thẩm vấn gay gắt. Nhưng ông thị trưởng Madeleine cho lệnh thả Fantine ra. Sự bao dung lạ lùng ấy khiến cho Javert vốn đã ngờ từ trước, tin chắc ông Madeleine và Jean Valjean chỉ là một người.

Sau đó ít lâu, một người khốn khổ là Champmathieu bị bắt và bị nhận diện là Jean Valjean (Jean Valjean lại bị truy lùng). Đến phiên tòa, ông Madeleine tự nhận mình chính là Jean Valjean. Ông đến bên giường cô Fantine hấp hối, thề sẽ trông nom con cô là Cosette. Sau đó ông trốn đi Paris.

Cosette và vợ chồng lão Thénardier - Cosette còn nhỏ đã phải đi ở cho lão chủ quán lưu manh. Jean Valjean bị bắt lại, nhưng lại vượt ngục, mọi người cho là ông chết đuối. Ông đánh tháo được Cosette, đưa cô bé tới một nơi kín đáo ở Paris.

Cosette và Marius - Jean Valjean làm quen với một sinh viên quý tộc đi với Cách mạng là Marius. Marius yêu Cosette. Jean Valjean lại bị Javert bắt, ông trốn thoát. Năm 1832, nhân dân nổi dậy, đắp chiến lũy ở các phố. Jean Valjean tham gia chiến đấu cùng Marius và chú bé Gavroche, hình tượng của người dân Paris, đầu óc tự do, hay giễu cợt.

Tên trùm cảnh sát Javert bị tóm và bị giao cho Jean Valjean xử. Jean Valjean hào hiệp, tha cho hắn, và cứu Marius bị thương. Sau khi khỏi, Marius cưới Cosette. Jean Valjean giữ lời hứa với Fantine. Khi ông chết, người ta thắp bên giường ông những cây đèn cắm nến bằng bạc của Đức Cha cho Jean Valjean ngày trước.

Hugo bảo vệ những người khốn khổ mà xã hội khinh miệt, họ lại chính là nạn nhân của một trật tự xã hội bị Hugo lên án.

Hugo có tài miêu tả từng mảng lịch sử (năm 1817), làm sống lại những sự kiện lớn (Waterloo) thể hiện những cảnh độc đáo (Gavroche ở chiến lũy, cống ngầm ở Paris), vẽ những nhân vật sống động (Cosette). Nhược điểm của Hugo là có khi rườm rà, triết lý mung lung, đôi lúc ngây thơ (mỗi tính cách hoặc thiện hoàn toàn, hoặc ác hoàn toàn).

Năm “chín mươi ba” là tiểu thuyết lịch sử (khuynh hướng lãng mạn) và là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Hugo, viết khi Hugo đã ngoài bảy mươi tuổi, tài năng ở đỉnh cao. Tác phẩm ca ngợi Cách mạng Tư sản Pháp. Năm 1793 là năm Cách mạng phải đối phó với giặc ngoài và thù trong, đặc biệt sự nổi dậy của nông dân miền Vendée bảo hoàng.

Hầu tước Latenac người rất cương nghị, lén đi một chiếc tàu thủy Anh đổ bộ vào Vendée để chỉ huy nghĩa quân bảo hoàng. Ông phải đụng độ với Gauvain, cháu gọi ông bằng cậu, nhưng lại là con nuôi một lãnh tu Cách mạng, Cimourdain. Ba người đều quen nhau và tôn trọng nhau. Gauvain chỉ huy quân cách mạng ở Vendée. Hầu tước Latenac thua, bị bắt và bị kết án xử tử; ông trốn thoát, nhưng vì một nghĩa cử, ở lại và bị bắt lại. Gauvain giúp cậu mình.

Hầu tước Latenac trốn lần nữa. Cimourdain rất thương con nuôi, nhưng ra lệnh xử tử anh. Khi lưỡi dao máy chém chặt đầu Gauvain xong thì Cimourdain tự tử bằng súng ngắn. Cả ba vai chính đều hào hiệp và là những người của nhiệm vụ.

Ruy B’lax là kịch thơ lãng mạn chủ nghĩa, kịch có giá trị cao nhất của Hugo. Đề cao phẩm chất của quần chúng. Pha trộn cái cao cả và cái kệch cỡm, bi và hài. Câu chuyện xảy ra ở triều đình Tây Ban Nha, đầu thế kỷ XVII.

Bị thất sủng, đại thần Don Salluste định trả thù Hoàng hậu Marie de Neubourg. Không rủ được em họ là Don César (vai gây cười trong vở kịch) theo mình, Don Salluste đưa tên hầu của y là Ruy Blas vào âm mưu bỉ ổi của mình. Ruy Blas tuy là tôi tớ, nhưng lại có tâm hồn cao cả, ngược với chủ. Chàng yêu thầm Hoàng hậu; biết vậy, Don Salluste tống Don César đi lưu vong; sau đó, y cho Ruy Blas đóng giả là Don César và ra mắt Hoàng hậu.

Hoàng hậu đau khổ vì bị chồng bỏ rơi, thèm một tình yêu trong trắng. Ruy Blas có tài nên được phong làm Tể tướng; tính chàng cương trực, nên Hoàng hậu yêu chàng và tỏ tình. Don Salluste đánh lừa cho hoàng hậu giữa đêm đến nhà riêng bí mật của y để gặp tình nhân.

Hắn xuất hiện, bắt Hoàng hậu về viết ngay giấy từ ngôi và hắn nói rõ Ruy Blas là ai. Ruy Blas giết tên khốn nạn và xin Hoàng hậu xá tội, rồi chàng uống thuốc độc tự tử.