📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 28]

HỮU NGỌC 09:00 | 11/06/2022
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà thơ ngụ ngôn cổ điển La Fontaine Jean de.

La Fontaine Jean de (1621-1695) là nhà thơ ngụ ngôn cổ điển.

Tác phẩm chính: Truyện thơ (Contes et Nouvelles en Vers, 1665-1685), Thơ ngụ ngôn (Fables, 1668-1694).

Thơ ngụ ngôn là tuyển tập thơ nổi tiếng thế giới, gồm 12 tập, 240 bài thơ ngắn. Đề tài lấy ở nhiều nguồn (truyện ngụ ngôn cổ Hy Lạp, Ấn Độ, văn học dân gian cổ điển, truyện đương thời).

La Fontaine sử dụng thơ tự do (thời đó ít dùng) và ngôn ngữ dân gian để xây dựng những đoạn kịch phản ánh một cách trào phúng xã hội Pháp thế kỷ XVII với những sự bất công, những thói chuyên quyền áp bức; đồng thời, tác phẩm cũng phản ánh thói hư tật xấu của con người muôn thuở.

Tư tưởng triết lý của La Fontaine có hướng duy vật. Luân lý trần tục, thực tế, mang tính nhân dân sâu sắc, nhưng phần nào bị hạn chế bởi cái nhìn giai cấp (trung lưu) của La Fontaine. Lạc quan, yêu cái lành mạnh, thiên nhiên, La Fontaine thông cảm với nỗi đau khổ của kẻ yếu hèn.

La Fontaine tạo ra một thế giới riêng (loài vật và cỏ cây biết nói, hành động như người, người được miêu tả như loài vật, cỏ cây). Thơ ngắn, gọn, chính xác, kết hợp nhiều thể loại (bi kịch, hài kịch, trữ tình, nghị luận, triết lý). Trẻ con và người lớn đều thích đọc thơ ngụ ngôn của La Fontaine.

***

Nhà thơ lãng mạn Lamartine Alphonse de.

Lamartine Alphonse de (1790-1869) là nhà thơ lãng mạn.

Tác phẩm chính: Thơ trầm tư (Les Méditations Poétique, 1820), Hòa thanh thơ và tôn giáo (Les Harmonies Poétique et Religieuses, 1830), Jocelyn (1836), Sự sa ngã của một thiên thần (La Chute d’un Ange, 1838).

Trong lĩnh vực môn văn học so sánh, có một sự kiện lý thú là tập Thơ trầm tư của Lamartine mở đầu phong trào lãng mạn Pháp; vào năm 1820, hơn 100 năm sau ở Việt Nam, cuốn tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời (1925), mở đầu phong trào lãng mạn Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc phong trào lãng mạn Pháp.

Thơ trầm tư là tập thơ trữ tình mang lại vinh quang cho Lamartine và đặt ông vào vị trí tiên phong trong trào lưu văn học lãng mạn Pháp.

Khi ra đời, tác phẩm rất được hoan nghênh vì tả đúng tâm trạng buồn chán, thích mơ mộng của một thế hệ hoang mang, thất vọng trước thời cuộc (thời huy hoàng của Napoléon đã hết: khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo).

Thơ trầm tư thể hiện một sự đổi mới thi ca do cảm hứng chân thật và âm điệu du dương. Nhà thơ khóc than người yêu đã mất. L’Isolement (cô đơn): tìm an ủi trong thiên nhiên được coi như người bạn tâm tình. Le Vallon (thung lũng nhỏ), Trở lại hồ xưa (Le lac): là nơi tình tự, ông đau xót về thời gian trôi đi quá nhanh, vạn vật không thay đổi mà vắng bóng người yêu.

Ông có những băn khoăn tôn giáo và tin vào vĩnh cửu (Immortalité: Bất tử).

***

Nhà xã hội học, dân tộc học Lévi-Strauss Claude.

Lévi-Strauss Claude (1908-2009) là nhà xã hội học, dân tộc học (thuyết cấu trúc, thần thoại), ngôn ngữ.

Tác phẩm chính: Nhân loại học cấu trúc (Anthropologie Structurale, 1958), Vùng nhiệt đới buồn thảm (Tristes Tropiques, 1955), Tư duy người hoang dã (La Pensée Sauvage, 1962), Sống và chín (Le Cru et le Cuit, 1964), Từ mật ong đến tro (Du Miel aux Cendres, 1967).

Vùng nhiệt đới buồn thảm là tác phẩm tự truyện kể lại diễn biến tinh thần của một nhà dân tộc học. Ông kể lại những công trình thực địa ở Brazil, miêu tả phong tục người da đỏ.

Ông cũng đề ra những chủ đề tư duy bao quát hơn về con người xã hội; xuất phát từ công việc nghiên cứu dân tộc học về đời sống của người sống trong thế kỷ XX, từng đi nhiều lục địa và chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng trên thế giới.

Sống và chín là tác phẩm nghiên cứu 127 huyền thoại Nam Mỹ. Tên các Chương đều dùng thuật ngữ âm nhạc, vì Lévi-Strauss cho là âm nhạc và huyền thoại giống nhau về tổ chức nội tại.

Các huyền thoại mà Lévi-Strauss nghiên cứu xoay quanh chủ đề chủ yếu “bếp núc”, vì con người qua “bếp núc” mà chuyển từ tự nhiên (man rợ) sang văn hóa.

Chủ đề chủ yếu này tập hợp những huyền thoại về nguồn gốc lửa. Gắn với chủ đề bếp núc và lửa là chủ đề cuộc đời ngắn ngủi. Trong tư duy thổ dân Nam Mỹ, chủ đề cuộc đời ngắn ngủi không bao giờ tách khỏi chủ đề văn minh xuất phát từ lửa, bếp núc và trồng cây dinh dưỡng.

Bếp núc ở đây đóng vai trò trung gian giữa đất và trời, tránh hai cực điểm (trời-đất tách nhau ra gây sự thối rữa; trời-đất nhập vào nhau gây sự thiêu hủy).

Lévi-Strauss ít đi vào nội dung các huyền thoại hơn là chức năng logic những yếu tố của chúng. Khớp các huyền thoại với nhau, Lévi-Strauss tìm ra được hệ mã của mỗi giác quan (thị giác quan trọng nhất vì gắn với vũ trụ bao la, thiên văn, tính mùa sao). Lévi-Strauss cũng nghiên cứu chủ đề tiếng ầm và yên lặng.

Yên lặng trong bếp núc cần cho trung gian trời-đất; tiếng ầm có chức năng bộc lộ cái lạc điệu, cắt đứt (ngay cả trong xã hội ngày nay).

Tác phẩm của Lévi-Strauss cũng giới thiệu cả thực vật học, động vật học, thiên văn học Nam Mỹ.