Nhà văn cổ điển La Rochefoucauld Duc de. |
La Rochefoucauld Duc de (1613-1680) là nhà văn cổ điển (yếm thế, không tin vào lòng tốt).
Tác phẩm chính: Cách ngôn (Maximes, 1665, tuyển tập).
Cách ngôn là tác phẩm phân tích tâm lý và đạo đức con người bằng những câu xúc tích, minh họa luận điểm bi quan của La Rochefoucauld (những tình cảm tốt đẹp nhất và những đức tính cao cả nhất đều xuất phát từ quyền lợi ích kỉ và tự ái, hoặc từ dục vọng phi lý tính).
Những câu điển hình là: “Những đức tính tan trong lợi ích như nước sông đổ vào biển”; “Yêu công lý chẳng qua là sợ bị bất công”; “Nếu chúng ta cưỡng lại được những dục vọng, ấy là vì chúng còn yếu, chứ không phải do chúng ta mạnh: “Từ chối lời khen là thích được khen gấp đôi.
***
Nhà viết tiểu thuyết Loti Pierre. |
Loti Pierre (1850-1923) là nhà viết tiểu thuyết (ít nhiều tự truyện – nơi xa lạ - lãng mạn).
Tác phẩm chính: Những thiếu nữ chán chường (Les Désenchantées, 1887), Dân chài Islande (Pécheur d’Islande, 1886).
Những thiếu nữ chán chường là cuốn tiểu thuyết miêu tả một cách thương cảm số phận buồn tủi của những phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là những người có học, bị sống giam cầm trong phòng khuê, ra ngoài là “mặt phải che mạng”.
André Lhêry là một nhà văn Pháp thường đi lại Thổ Nhĩ kỳ. Djéname, thiếu nữ Thổ, rất mê tác phẩm của chàng, viết thư cho chàng.
Khi chàng đến thủ đô Thổ, Djéname cùng hai em họ vượt nhiều khó khăn nguy hiểm đến gặp chàng. Họ hẹn hò nhau nhiều lần và gửi thư cho nhau.
Chàng hẹn sẽ viết một cuốn sách nói lên nỗi đau khổ của những tâm hồn chết mòn và những ước mơ không thực hiện được. Khi chàng về Pháp thì nhận được tin nàng đã chết vì ốm tương tư.
***
Nhà viết tiểu thuyết Mac Orlan. |
Mac Orlan (1882-1970) là nhà viết tiểu thuyết (nghệ sĩ lang thang, truyện phiêu lưu hàng ngày nơi xa lạ).
Tác phẩm chính: Bến sương mù (1927), La Bandera (1931).
Bến sương mù là cuốn tiểu thuyết đặt trong khung cảnh một môi trường nghèo khổ, chết chóc, lưu manh, gái điếm, những kẻ sống ngoài lề xã hội (vào khoảng 1910).
Có năm nhân vật thì chết đến ba (có thể là bốn), chỉ có một nữ là sống. Jean Rabe bị đạn bắn chết sau khi định hạ sát một viên đại úy.
Tên đồ tể Zabel muốn làm giàu, giết bạn, chặt xác ra, y bị kết án tử hình. Một anh lính bỏ quân đội thuộc địa để rồi lại vào đội lê-dương.
Một họa sĩ Đức treo cổ. Cô gái Nelly mơ nghề đánh máy chữ, làm báo, điêu khắc, cô xui đồng bọn giết người bao mình, cuối cùng làm đĩ.
***
Nhà thơ, nhà viết kịch và luận văn Bỉ Maeterlinck Maurice. |
Maeterlinck Maurice (1862-1949) là nhà thơ, nhà viết kịch và luận văn Bỉ, viết tiếng Pháp (tượng trưng chủ nghĩa, nhân đạo chung chung, định mệnh, cái chết ám ảnh).
Tác phẩm chính: Công chúa Maleine (La Princesse Maleine, 1889, kịch), Những người mù (Les Aveugles, 1890, kịch), Pelleas và Mélisande (Pelleas et Mélisande 1892), Con chim xanh (L’Oiseau Bleu, 1908, kịch), Vườn kính ấm áp (Serres Chaudes, 1889, thơ), Mười hai bài hát (Douze Chansons, 1986, thơ), Cái chết (La Mort, 1913, luận văn), Đời sống con ong (La Vie des Abeilles, 1901, khoa học), Sự thông minh của hoa (L’Intelligence des Fleurs, 1907, khoa học), Đời sống của kiến (La Vie des Fourmis, 1930, khoa học).
Pelleas và Mélisande là một vở kịch, có thể coi là tác phẩm kiệt xuất của Maeterlinck và của sân khấu tượng trưng chủ nghĩa Pháp. Một hôm, hoàng thân Golaud (Goolô), góa vợ, tóc đã bạc, đi trong rừng gặp thiếu nữ Mélisande đang khóc lóc.
Ông dỗ nàng đưa về lâu đài và lấy nàng làm vợ. Chẳng bao lâu, nàng và em chồng là Pelléas quyến luyến nhau. Mối tình lặng lẽ này không bộc lộ ra, mãi cho đến một buổi tối, sắp sửa đi xa, Pelléas hôn mớ tóc dài của Mélisande (cảnh này có nhiều chi tiết đặc trưng cho kịch tượng trưng chủ nghĩa: đối thoại ngây thơ là tiếng nói của vô thức, linh cảm, chim bồ câu biểu tượng...).
Galaud coi hai người tình còn là trẻ con, nhưng dần dần phát ghen và giết em, làm vợ bị thương nhẹ. Nhưng Mélisande sống không thiếu người yêu được. Nàng chết trước mặt chồng. Chồng phát hiện quá muộn là mối tình kia rất là trong trắng.
Con chim xanh là vở kịch thần tiên có sáu hồi, 12 cảnh, diễn lần đầu tiên ở Moskva (1908), rất được hoan nghênh ở các nước nói tiếng Anh. Trong tác phẩm này, Maeterlinck đã dứt bỏ triết lý bi quan của trường phái tượng trưng và thể hiện lòng tin vào cuộc đời, sự bình thản trước cái chết.
Một đêm Lễ Chúa Giáng sinh, hai đứa con một người kiếm củi nghèo, Tyltyl và Mytil đứng từ xa xem hội hè linh đình ở tòa lâu đài gần đấy. Sau đó, chúng về ngủ và nằm mơ. Một cô tiên dẫn chúng đi tìm con chim xanh, biểu tượng cho Hạnh phúc. Cô đưa cho các em một viên kim cương thần, cứ xoay nó đi một chút là nhìn thấy linh hồn đồ vật và loài vật. Xoay ngược chiều thì các linh hồn ấy lại biến mất.
Túp lều của các em trở nên rực rỡ. Linh hồn Chó, Mèo, Ánh sáng, Lửa, Nước, Bánh mì, Đường, Sữa theo hai em đi. Hai em đến xứ Kỷ niệm (gặp ông bà và các em chết rồi và đương ngủ), vào Lâu đài Đêm, Vườn Hạnh phúc, Vương quốc Tương lai (các trẻ chuẩn bị ra đời).
Buổi sáng, mẹ các em gọi các em dậy. Một bà láng giềng đến mượn con chim của các em để con bà bị ốm chơi. Các em nhận thấy con chim của mình chính là con chim xanh mà các em tìm mãi không thấy. Đứa bé chơi với chim và khỏi bệnh.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 28] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| 'Cô bé ngón tay' và câu chuyện nhân văn trong kỷ nguyên kỹ thuật số Ngày 12/5, trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2022, Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức tọa đàm 'Cô bé ngón ... |