Nhà viết hài kịch và tiểu thuyết Marivaux. |
Marivaux (1688-1763) là nhà viết hài kịch và tiểu thuyết (phân tích tế nhị những bước đi của tình yêu).
Tác phẩm chính: Trò chơi của tình yêu và ngẫu nhiên (Le Jeu de l’Amour et du Hasard, 1730, kịch).
Trò chơi của tình yêu và ngẫu nhiên là vở hài kịch về tình yêu, tiêu biểu cho tài năng của Marivaux, nổi tiếng do ông đã kết hợp một cách tế nhị cái cười và rung cảm tâm hồn, cái đùa cợt và cái sâu sắc.
Marivaux đã tỏ ra hiểu biết rất rõ tình yêu, các bước đi của nó, những mâu thuẫn của nó, mặc dù chữ Marivaudage (lời tình tứ kiểu cách) có ý nghĩa đôi chút chê bai.
Câu chuyện của Trò chơi của tình yêu và ngẫu nhiên như sau: Nàng Sylvia sắp tiếp chàng Dorante đến xem mặt mình để hỏi làm vợ. Để thử lòng chàng, nàng đổi quần áo cho nữ tì Lisette. Chàng cũng nảy ra ý ấy, đóng vai đầy tớ và cho người hầu Arlequin đóng vai chủ.
Cặp tớ có cảm tình với nhau, cặp chủ cũng vậy. Tưởng là yêu không môn đăng hộ đối, cặp chủ bị giày vò day dứt. Nhưng nàng nắm được sự thật, cứ chơi trò đóng làm nữ tì.
Cặp tớ nói toạc cho nhau biết sự thật. Dorante cuối cùng đành tỏ tình với Sylvia, mặc dù vẫn tưởng nàng là nữ tì. Lúc đó, nàng mới nói rõ sự thật.
***
Nhà văn chuyên viết truyện ngắn Maupassant Guy de. |
Maupassant Guy de (1850-1893) là nhà văn chuyên viết truyện ngắn.
Tác phẩm chính: Một cuộc đời (Une Vie, 1883, tiểu thuyết), Anh bạn điển trai (Bel Ami, 1885, truyện vừa), Viên mỡ bò (Boule de suif, 1880).
Một cuộc đời là tiểu thuyết hiện thực (nghiên cứu tâm lý rất chặt chẽ, khách quan , tác giả không bao giờ lên tiếng, không có ý kiến gì về mặt đạo lý, chỉ trình bày số phận bi đát của những tâm hồn nhạy cảm và những tấm lòng tốt).
Sau khi học hành xong, cô tiểu thư mơ mộng và ngoan ngoãn Jeanne về sống một thời gian thoải mái, sung sướng với cha mẹ (là Nam tước) ở ấp nhà. Cô gặp và yêu tử tước Julien cùng ở trong vùng.
Đám cưới đối với cô đẹp như giấc mơ. Nhưng Jeanne bị vỡ mộng khi cô biết Julien tính toán lấy cô ta để có của vì gia đình anh ta bị phá sản. Hơn nữa, chồng lại còn đi lại với em gái cùng một vú nuôi của cô ngay khi đính hôn với cô và có con hoang.
Rồi Julien đi lăng nhăng, bị một người chồng khác giết mất. Jeanne chỉ còn tìm nguồn yên ủi ở con trai là Paul và với cha; nhưng do ông và mẹ nuông chiều, Paul hư hỏng.
Mới 18 tuổi, hắn bỏ nhà sang Anh, luôn luôn tiêu tiền, khiến mẹ hết của. Khi cha chết, Jeanne phát điên, chỉ còn có cái vui nuôi đứa cháu đích tôn. Cô em gái nuôi kết luận: “Chị thấy đấy, cuộc đời không bao giờ quá tốt hay quá xấu như ta tưởng”.
Anh bạn điển trai là tiểu thuyết hiện thực miêu tả giới báo chí, xã hội chính trị và thượng lưu Paris, miêu tả sự thành công bẩn thỉu của một cuộc đời làm báo. Georges Duroy, xuất thân và học hành tầm thường, rất xinh trai, lên thủ đô với nhiều tham vọng.
Duroy được bạn đồng ngũ là Forestier, làm nhà báo, đưa vào nghề báo. Do xinh trai, Duroy được các bà các cô tranh nhau bắt nhân tình hoặc muốn lấy. Anh lại học được các mánh khóe gian hùng làm báo và làm chính trị, tính toán mưu mô, không ngại lừa thầy phản bạn. Cuối cùng, anh cưới một đám giàu kếch xù, và trở thành một tổng biên tập thần thế.
Viên mỡ bò là truyện vừa, được coi là một trong những tác phẩm ra mắt của trường phái tự nhiên chủ nghĩa. Do tính hài hước cay độc và cách kể truyện tài tình, tác phẩm này tuy rất hiện thực, có giá trị sâu sắc hơn là minh họa cho một trào lưu. Câu chuyện xảy ra sau khi nước Pháp thua và bị quân Phổ chiếm đóng (1870). Dân thành phố Rouen cũng không có vẻ “ái quốc” gì ghê gớm.
Cuộc sống trở lại bình thường. Một chiếc xe ngựa chở khách đi Le Havre. Khách đi trên xe có hai cặp quý tộc tài chính, một tay buôn rượu vang ma quái và mụ vợ nghiệt ngã, hai bà tu sĩ luôn luôn lần tràng hạt, một chính khách và cô gái đĩ đẫy đà được mệnh danh là Viên mỡ bò.
Đi đường, mọi người đều đói. Một mình cô mang đồ ăn đi, cô chia cho mọi người; ai nấy vốn khinh cô, từ chối lấy lệ, nhưng sau đều nhận cả. Tới chỗ nghỉ, một sĩ quan Phổ giữ xe lại không cho đi trừ khi cô gái ở lại với hắn. Cô không thèm dính đến tên xâm lược ấy.
Mọi người mới đầu kinh ngạc và đôi chút mến phục cô. Nhưng rồi ai cũng muốn đi cho được việc, nên thuyết phục cô hy sinh ở lại để xe được phép đi. Các khách bắt đầu ăn những thứ mới mua được, và dè bỉu cô gái khóc lóc ở lại.
Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 31] |