Nhỏ Bình thường Lớn

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 34]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà viết hài kịch cổ điển Molière.
Nhà viết hài kịch cổ điển Molière.

Molière (1622-1673) là nhà viết hài kịch cổ điển lớn.

Tác phẩm chính: Những ả kiểu cách rởm (Les Précieuses Ridicules, 1659), Trường học làm chồng (L’Ecole des Maris, 1661), Trường học làm vợ (L’Ecole des Femmes, 1662), Tartuffe (1664-1669), Don Juan (1665), Người ghét đời (Le Misanthrope, 1666), Lão keo kiệt (L’Avare, 1668), Trưởng giả học làm sang (Le Bougeois Gentilhomme, 1670), Những bà thông thái (Les Femme Savantes, 1672), Người bệnh tưởng (Le Malade Imaginaire, 1673).

Những ả kiểu cách rởm là vở hài kịch một màn, mở đầu hài kịch phong tục Pháp, là tác phẩm đầu tay của Molière, đấu tranh cho con người sống một cách tự nhiên, phù hợp với tự nhiên.

Khuynh hướng “kiểu cách” (préciosité) xuất hiện ở Pháp vào đầu thế kỷ XVII, nhằm chống lại tác phong thô lỗ, cẩu thả ở triều đình Henri IV; các nhà quý tộc ưa tao nhã phản ứng lại bằng cách tập hợp nhau ở các khách thính (salon) để đàm đạo, hưởng thụ văn chương, yêu đương...

Khuynh hướng này dẫn đến những sự thái quá nực cười mà Molière chế giễu. Ông Gorgibus, thị dân khá giả, có một cô con gái là Magdelon và một cô cháu gái là Cathos đã học đòi “kiểu cách”.

Hai chàng quý tộc là La Grange và Du Croisy đến hỏi họ làm vợ, nhưng bị gạt đi vì bị coi là chưa được phong nhã. Để trả thù, hai chàng sai hai tên hầu là Mascarille và Jodelet trá hình làm quý tộc văn nhân đến tán hai cô.

Hai cô mê ngay. Lúc đó hai cậu chủ xuất hiện và bắt hai người hầu cởi quần áo quý tộc ra. Các cô xấu hổ quá, Gorgibus nguyền rủa “thơ” và “tiểu thuyết” đã tác hại đến các cô “kiểu cách rởm”.

Tartuffe là vở hài kịch thơ năm màn, là tác phẩm táo bạo nhất của Molière, vì trong một thời đại tin đạo, tác giả đã dám chỉ trích kịch liệt những bọn đội lốt ngoan đạo và những con chiên ngu độn, cả tin bị chúng lừa. Qua đó, người xem cảm thấy triết lý vô thần của Molière.

Vì vậy mà vở kịch bị cấm sau khi diễn năm 1664, được diễn lại năm 1667, rồi lại bị cấm. Mãi đến 1669 mới được diễn lại theo lệnh của vua Louis XIV. Tartuffe là một vở kịch rất hoàn chỉnh.

Ông Orgon là một thị dân khá giả, có vợ trước (đã chết), một con trai là Damis và một con gái là Marianne. Ông lấy vợ sau là Elmire. Orgon là một người thông minh, can đảm, trung thành với vua. Vậy mà ông mù quáng đến mức tin hoàn toàn vào Tartuffe - một kẻ có vẻ ngoan đạo, nhưng lại rất nham hiểm, giả dạo đức. Ông cho hắn đến ở nhà, cho hắn biết nhiều bí mật riêng, thậm chí hứa gả con gái cho hắn.

Gia đình chia thành hai phe, phe ủng hộ Tartuffe và phe chống Tartuffe. Orgon không nghe em rể khuyên nên dè chừng Tartuffe, Orgon đuổi con trai Damis vì anh mách cha là đã thấy Tartuffe tỏ tình với vợ sau của ông là Elmire. Ông lại còn viết di chúc để hết gia tài cho Tartuffe. Elmire bày mưu giả chấp nhận mối tình của Tartuffe và hẹn gặp hắn. Tartuffe tự lật mặt nạ thì Orgon nấp ở dưới gầm bàn xuất hiện và đuổi Tartuffe đi.

Nhưng Tartuffe đã nắm được di chúc, gia tài của Orgon thuộc về hắn; hắn còn nắm cả cái hộp đựng giấy tờ của một người bạn Orgon, bị phát vãng gửi. Hắn đã tố cáo Orgon. Cũng may mà nhà vua sáng suốt đã nhìn rõ sự thật và cho bắt Tartuffe.

Don Juan là vở hài kịch xuất phát từ truyền thống Tây Ban Nha. Don Juan là nhà quý tộc quyến rũ phụ nữ, thông minh nhưng vô luân, vô thần. Y bỏ vợ là Elvire để lấy một cô gái đã đính hôn với người khác. Một cơn bão đưa Don Juan và tên hầu Sganarelle dạt vào bờ biển; họ được nông dân giúp đỡ. Don Juan liền tán tỉnh ngay hai cô gái nông thôn.

Trong khi đó, y bị em Elvire là Don Carlos truy tìm. Nhưng Don Carlos lại buông tha cho Don Juan vì tình cờ được Don Juan giải thoát khỏi bọn cướp. Don Juan đến mộ một hiệp sĩ bị y giết. Y nhạo báng mời người chết đi ăn tiệc. Bức tượng gật đầu, đến ăn tối với Don Juan, và sau đó, mời Don Juan đến ăn. Don Juan đến nơi hẹn. Đất nứt ra, lửa bốc lên và Don Juan bị lôi xuống âm phủ.

Người ghét đời là vở hài kịch thơ năm màn, được coi là kiệt tác của Molière, tuy lúc mới diễn thái độ công chúng hơi dè dặt. Giá trị tác phẩm ở nhiều mặt: phản ánh sinh hoạt giới thượng lưu đương thời, bên ngoài hào nhoáng mà bên trong thì tầm thường và giả đạo đức; - một tấn bi kịch về tình yêu đi đến tan vỡ, một vở “kịch tính cách” hoàn hảo, mỗi nhân vật được miêu tả với tính cách phức tạp của con người.

Mỗi thế hệ hưởng thụ tác phẩm theo góc độ của mình: nếu khán giả đương thời nhạy bén với cái kỳ cục, nực cười của Alceste, thì ngày nay lại cảm thông với cái đau khổ và cao thượng của Alceste. Chàng Alceste ghét tất cả mọi người vì cho là họ thiếu chân thật, sống bằng những ước lệ giả đạo đức. Bạn chàng là Philinthe thì chấp nhận con người với bản chất như vậy.

Trớ trêu là chàng lại đi yêu Célimène, một ả góa chồng làm đỏm và hay nói xấu người khác. Alceste đến nhà Célimène để bắt Célimène phải nói dứt khoát có lấy chàng hay không, nhưng ả vẫn cứ lằng nhằng. Cuối cùng, tất cả những người tình mà ả viết thư hứa hẹn đều làm cho ả bẽ mặt. Chỉ một mình Alceste là người hào hiệp, nhận vẫn lấy ả, nếu ả chịu rời nơi phồn hoa. Célimène từ chối, Alceste đi ở ẩn một mình.

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 33]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 33]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 32]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 32]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...