Nhà văn Henry de Montherlant. |
Henry de Montherlant (1896-1972) là nhà văn (lý tưởng; người hùng; phát triển cao độ cá nhân, danh dự, ngạo mạn).
Tác phẩm chính: Tiểu thuyết: Giấc mộng (Le Songe, 1922), Những người đấu thú (Les Bestiaires, 1926), Những người không vợ (Les Célibataires, 1934), Thiếu nữ (Les Jeunes Filles, 1936-1939), Hỗn mang và đêm tối (Le Chaos et la Nuit, 1963). Kịch lịch sử: Hoàng hậu chết (La Reine Mort, 1942), Giáo chủ dòng Santiago (Le Maitre de Santiago, 1947), Por’ Royal (Port Royal, 1954).
Hỗn mang và đêm tối là tiểu thuyết nổi trội nhất của Monthelant, một tác giả có lý tưởng kiêu kỳ, muốn thực hiện toàn vẹn cá tính, khi thì trắng trợn chạy theo thú vui, khi thì đề cao đức hy sinh, khinh miệt quần chúng và luân lý thông thường.
Hỗn mang và đêm tối miêu tả nỗi cay đắng và cô đơn của một chiến sĩ cách mạng Tây Ban Nha vô chính phủ. Celestino, là một người tiểu tư sản lạc vào hàng ngũ cộng sản chống quân phát-xít Franco, chỉ vì Celestino yêu tự do và ghét đạo. Celestino sống lưu vong ở Pháp đã 20 năm khi câu chuyện bắt đầu.
Ông ta đã có nhiều hành động lẩn thẩn, viết những bài báo cách mạng sôi nổi mà không báo nào đăng, nói chuyện dông dài với vài ba người bạn và con gái, giả đấu bò với các xe hơi qua đường...
Ông về Tây Ban Nha để lĩnh gia tài của chị để lại, ngán ngẩm vì thấy đất nước phục tùng một chế độ mà ông ghét; xem đấu bò cũng chẳng còn ra cái gì thế là đành chết mòn trong lưu vong. Ông làm cách mạng chẳng qua là để chống lại nỗi thất vọng trước cái chết và số phận con người, chống lại mọi áp bức. Nhưng quanh ông, sa mạc cô đơn càng mở rộng.
Hoàng hậu chết là vở bi kịch lịch sử ba màn, dựa vào một truyền thuyết. Vở được diễn nhiều nhất của Monthelant. Chuyện xảy ra ở Bồ Đào Nha. Vua Don Ferrante đã già, chán ngôi, ngán dân chúng và nhất là Thái tử Don Pedro mà ông coi là không có bản lĩnh. Trước khi từ bỏ cuộc đời, ông thu xếp việc nước cho yên.
Ông cho đưa công chúa Donna Bianca xứ Navarre, Tây Ban Nha, đến để cưới cho con mình; như vậy, có thể đảm bảo sự liên minh giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nhưng Thái tử lại không đoái hoài gì đến công chúa. Chàng đã yêu và bí mật lấy một tiểu thư con hoang là Dona Inès. Vua giận lắm, sai giam thái tử ở một lâu đài. Vua tìm cách hủy cuộc hôn nhân ấy.
Giáo Hoàng không chấp nhận. Dona Inès lại bảo cho vua biết là nàng đã có mang với thái tử. Vua cho giết chết nàng để bảo vệ sự thuần khiết của dòng giống. Việc giết này vô ích, nhưng vua hành động như vậy để tỏ ra là mình không yếu đuối, và vì ghét cuộc sống (nhà vua bị ám ảnh bởi cái chết muốn chấm dứt nguồn sống mà Dona Inès là hiện thân).
Giáo chủ dòng Santiago là vở kịch lịch sử ba màn về chủ đề: con người và Ân Chúa. Câu chuyện xảy ra ở Avila (Tây Ban Nha), năm 1519. Don Alvaro Dabo, giáo chủ dòng Santiago, sống thanh bạch với con gái là Mariana. Sau khi đã chiến đấu để làm rạng danh Chúa, ông cất kiếm đi và chỉ còn một nguyện vọng là sống hết mình cho lòng tin thuần khiết. Những hiệp sĩ của dòng mời ông đi với họ sang châu Mỹ (mới tìm ra) để giữ một nhiệm vụ quan trọng.
Ông rất phân vân: nên đi hay nên ở, vì nếu đi thì sẽ có tiền làm của hồi môn cho con gái yêu (Mariana đang yêu một chàng quý tộc). Để thuyết phục ông, các hiệp sĩ và con gái ông nói dối là chính Đức Vua muốn ông đi. Ông sắp xiêu lòng, thì chính con gái ông đến nói rõ sự thật. Nàng hy sinh hạnh phúc của mình để cho cha giữ được phẩm tiết, không dính vào một việc khả ố. Ông vui sướng và đau khổ nhận thấy giọt máu của mình cao cả, ông ôm con và cùng phủ với nàng chiếc áo khoác lớn dòng Santiago: hai cha con cùng đi tu.
Por’ Royal là vở kịch một màn, phản ánh những diễn biến tâm hồn của một vài nữ tu sĩ tu viện Port Royal chống lại cường quyền và sự bất công (thế kỷ XVIII). Port Royal ở Paris là một trung tâm của giáo phái Janséniste, một giáo phái Thiên Chúa khe khắt và thần bí.
Năm 1664, nhà cầm quyền bắt các nữ tu sĩ phải ký tên vào bản lên án giáo điều của phái Janséniste. Các nữ tu sĩ không chịu ký. Họ bị trừng phạt.
* * *
Nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn Morand Paul. |
Morand Paul (1888-1976) là nhà viết tiểu thuyết, truyện ngắn (các chân trời xa, đời sống hiện đại).
Tác phẩm chính: Mở ban đêm (Ouvert la Nuit, 1922), Phật sống (Bouddha Vivant, 1927).
Mở ban đêm là tập truyện vừa, tiếp sau có một tập gồm bốn truyện vừa, lấy tên là Đóng ban đêm (Fermé la Nuit, 1923).
Tập Mở ban đêm gồm: Đêm Roma, Đêm Hungary, Đêm của sáu ngày, Đêm Thổ Nhĩ Kỳ (có tính chất bi đát, một phụ nữ Nga lưu vong), Đêm Catalan (một nữ chiến sĩ cách mạng hăng say, thích nguy hiểm), Đêm Putney (câu chuyện một người dân Cận Đông).
Phật sống là tập truyện vừa, một trong bốn tác phẩm tập hợp thành bộ Ký sự thế kỷ XX (Chroniques du 20e siècle), dựa vào khối tài liệu mà Morand thu thập trong những chuyến đi khắp thế giới.
Phật sống kể về một người phương Đông được giải thoát khỏi những dị đoan châu Á.
Anh đi qua nhiều nước văn minh tiên tiến, nhưng ngán ngẩm chủ nghĩa vật chất phương Tây. Cuối cùng, trở về với những truyền thống tổ tiên.
| Loạt sách thiếu nhi hấp dẫn làm quà tặng Trung thu 2022 Trung thu năm nay, Nhã Nam giới thiệu một loạt những cuốn sách hấp dẫn, thích hợp làm quà cho các em nhỏ. |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 35] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 34] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| 'Cô bé ngón tay' và câu chuyện nhân văn trong kỷ nguyên kỹ thuật số Ngày 12/5, trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2022, Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức tọa đàm 'Cô bé ngón ... |
| ‘Hít thở’ văn hóa Hungary qua các tác phẩm văn học đặc sắc Khám phá văn hóa Hungary thông qua những cuốn sách tiêu biểu của nền văn học Hungary là trải nghiệm thú vị của những người ... |