Nhà toán học, nhà tư tưởng, nhà văn Pascal Blaise. |
Pascal Blaise (1623-1662) là nhà toán học, nhà tư tưởng, nhà văn (biện minh cho công giáo).
Tác phẩm chính: Những bức thư viết cho người tỉnh nhỏ (Les Provinciales, 1656-1657), Suy nghĩ (Pensées, 1669).
Những bức thư viết cho người tỉnh nhỏ là tác phẩm bút chiến vừa hùng hồn, vừa mỉa mai, bảo vệ giáo lý chặt chẽ của giáo phái Janséniste. Cuộc tranh luận thần học xoay quanh vấn đề “Ân Chúa” và những vấn đề đạo đức gây ra bởi khoa phán quyết (Casuistique) áp dụng bừa bãi.
Tác giả chế giễu Dòng Tên một cách khéo léo. Ông làm bộ như không biết gì về thần học, đi hỏi các vị tiến sĩ thần học Dòng Tên. Mấy ông này ngụy biện, tìm sách trích dẫn, tự mâu thuẫn, lúng túng đến nực cười.
Sau khi làm độc giả ngoài đời thấy hay hay, chú ý đến vấn đề thần học, lúc đó Pascal mới tranh luận thẳng với các tu sĩ Dòng Tên với thái độ công phẫn và phong cách hùng hồn.
Suy nghĩ là những ghi chép được tập hợp năm 1670, san khi Pascal chết. Đây là những đoạn và tư liệu làm sườn cho một cuốn sách (biện minh cho đạo Ki tô) được chuẩn bị từ năm 1657, nhằm thuyết phục những người bàng quan, không tin đạo.
Sau một cơn khủng hoảng có tính chất thần bí, Pascal - nhà bác học và nhà văn xuất sắc, đã nguyện đem cả tâm sức ra sáng tác vì đạo. Ông theo giáo phái Jansen thuộc đạo Thiên Chúa, một giáo phái khắt khe và thần bí.
Bố cục cuốn Suy nghĩ có lẽ có hai phần: nỗi cơ cực của con người không có Thượng đế và hạnh phúc tuyệt vời của con người có Thượng đế. Những người vô thần tự do tư tưởng (libertin) thường dựa vào lập luận của Montaigne. Pascal cũng dựa vào đó để phân tích tâm lý con người và kết luận đi đến một điều bí ẩn. Một mặt, con người yếu đuối, giác quan và lý trí bất lực không nắm được chân lý.
Mặt khác, con người vẫn có những hoài bão lớn lao. Tại sao lại có những mâu thuẫn ấy? Các nhà triết học (chia thành hai loại) đều không trả lời được (loại hoài nghi kiểu Montaigne chỉ nhìn thấy mặt kém, mặt yếu đuối, hoài nghi; loại khắc kỷ chỉ thấy mặt lớn lao).
Chỉ có Kinh Thánh giải đáp được sự mâu thuẫn ấy bằng giáo điều về sự sa ngã và nguyên tội của con người, con người bị tội mà lại nhớ đến thời huy hoàng trước đó, sẽ được Chúa cứu vớt. Suy nghĩ, tuy chưa hoàn thành, nhưng đã là một kiệt tác (văn bút chiến lôi cuốn, hùng hồn, hình ảnh có chất thơ).
Một số luận điểm của Pascal: Đánh cuộc (Pari de Pascal) – “Các người có thể được tất cả và không mất gì, nếu tin vào Thượng đế. Vì nếu được (nếu Thượng đế có) thì các người được tất cả, nếu thua (Thượng đế không có) thì các người cũng chẳng mất gì cả”.
Con người trong vũ trụ - đối với cái vô cùng lớn, hẳn là hư vô; đối với cái vô cùng bé, hẳn là khổng lồ. Nó là một bí ẩn. Giải trí (Divertissement), theo nghĩa của Pascal là tất cả những gì làm cho người ta quên khổ cực của thân phận như: đánh bạc, chiến tranh, danh vọng, phụ nữ... nhưng chẳng qua là tạm thời; dứt ra là lại nghĩ đến nỗi khổ cực, cái chết...
* * *
Linh mục Prévost D’exiles. |
Abbé Prévost D’exiles (Linh mục Prévost D’exiles, 1667-1763) là người viết tiểu thuyết phong tục và phiêu lưu.
Tác phẩm chính: Manon Lescaut (1731).
Manon Lescaut là cuốn tiểu thuyết phong tục nổi tiếng thế giới, đã được quay thành phim hàng chục lần ở Italy, Mỹ, Pháp, Đức... được phổ nhạc, đưa lên sân khấu. Mới đầu, sách thuộc bộ Hồi ký và truyện phiêu lưu của một nhà quý tộc sống ẩn dật (1728-1731) về sau tách ra in riêng.
Tiểu thuyết ít nhiều mang tính tự truyện, tác giả muốn rút ra bài học luân lý để độc giả thấy sức phá hoại con người, của những dục vọng qua cuộc đấu tranh giữa tình yêu và tìm vui thú.
Tác phẩm miêu tả rất hiện thực môi trường xã hội hư hỏng vì lý do sống duy nhất là có tiền để hưởng thú vui. Các nhân vật rất thật vì họ phức tạp, vì họ “sự pha trộn đạo đức và tội lỗi... (có một) sự đối lập thường xuyên giữa những tình cảm tốt và những hành động xấu”. Manon Lescaut là câu chuyện một mối tình say đắm và tác hại của nó. Học xong, chàng quý tộc Des Grieux, ngây thơ và hăng say, sắp về quê nhà thì gặp cô gái xinh đẹp Manon Lescaut.
Anh mê cô ngay và hai người trốn đi ở Paris. Manon Lescaut cũng yêu chàng, nhưng vì thích xa hoa, đi lại với nhân tình khác. Thất vọng, chàng vào học ở chủng viện để đi tu. Manon Lescaut đến thăm chàng và lôi cuốn chàng đi. Chàng bị em Manon Lescaut, một tên lưu manh, lừa lọc, rồi bị hỏa hoạn thiêu hết của cải.
Để có tiền cho Manon Lescaut, chàng đi vay mà đánh bạc, được bạc nhưng bị mất trộm. Manon Lescaut bàn với chàng lừa cụ G.M., chàng đóng giả làm anh Manon Lescaut, nhưng mưu bị lộ. Manon Lescaut bị giam với lũ gái giang hồ, chàng cũng bị tù. Chàng giết một người để vượt ngục và cứu Manon Lescaut ra.
Hai người trả thù cụ G.M. bằng cách để Manon Lescaut quyến rũ con cụ, họ lại bị bắt. Chàng được tha, còn Manon Lescaut bị đày sang châu Mỹ. Chàng định bắt cóc nàng nhưng không thành. Chàng theo Manon Lescaut sang Mỹ, vì nàng, chàng đấu gươm và đưa nàng trốn vào trong sa mạc. Manon Lescaut kiệt sức chết, nhưng tâm hồn được nâng lên vì đau khổ. Có một người bạn tốt đến tìm chàng lúc này đã kiệt quệ và đưa chàng sang Pháp.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 37] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 36] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| UNESCO ghi danh Di sản văn hóa Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam Lễ đón nhận bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi ... |
| Loạt sách thiếu nhi hấp dẫn làm quà tặng Trung thu 2022 Trung thu năm nay, Nhã Nam giới thiệu một loạt những cuốn sách hấp dẫn, thích hợp làm quà cho các em nhỏ. |
| Sắp phát hành sách ‘Những truyện kỳ thú về cọp chưa ai kể' Tập sách của tác giả Nguyễn Lam Điền kể 5 câu chuyện về cọp chưa từng ghi lại trên sách vở mà được truyền khẩu ... |