Nhà viết tiểu thuyết Prévost Marcel. |
Prévost Marcel (1862-1941) là nhà viết tiểu thuyết (phụ nữ thượng lưu).
Tác phẩm chính: Những trinh nữ nửa vời (Les Demi-Vỉerges, 1894), Thư gửi Françoise (Lettres à Françoise, 1902-1924).
Những trinh nữ nửa vời là cuốn tiểu thuyết về phong hóa suy đồi trong giới thượng lưu Paris.
Prévost thường đi sâu vào tâm lý phụ nữ các tầng lớp tư sản thượng lưu và nữ trí thức với các chủ đề: ngoại tình, giải phóng phụ nữ.
Ông chủ trương một hệ thống giáo dục tư sản hiện đại, nhưng khá bảo thủ.
Những trinh nữ nửa vời là những cô gái hư đốn, tính toán cưới xin hơn thiệt, nhưng cố gắng tạo ra một bề ngoài đoan trang.
Maud là một thiếu nữ thông minh và có nghị lực, kiêu ngạo và thích xa hoa, muốn lấy một người chồng giàu có vì cha phung phí hết của cải. Cô đã quyến rũ được một nhà quý tộc nông thôn có của là Maxime, chỉ còn đợi cưới.
Nhưng tình nhân của cô, Julien là một công tử ăn chơi, đánh bạc, lại thực sự yêu cô. Anh ta cho Maxime biết quan hệ giữa anh và cô, sau đó anh tự tử. Maxime rất đau khổ. Trong khi đó, em gái ngây thơ của Maxime đã tìm thấy hạnh phúc với một thanh niên Paris, ngán sự suy đồi của giới thượng lưu thủ đô nên về nông thôn tỉnh nhỏ lấy vợ.
* * *
Nhà văn Marcel Proust. |
Proust Marcel (1871-1922) là nhà viết tiểu thuyết (làm sống dĩ vãng trong hiện tại qua gợi nhớ: cạnh khía vĩnh cửu của nghệ thuật).
Tác phẩm chính: Bộ tiểu thuyết Tìm lại thời gian đã mất (A la Recherche du Temps Perdu, 1913-1927).
Tìm lại thời gian đã mất là bộ tiểu thuyết có ảnh hưởng lớn đến văn học phương Tây, đặc biệt về quan niệm tiểu thuyết hiện đại. Khi xuất bản ít ai để ý, trừ giới văn học sành sỏi. Nhưng số người thưởng thức không ngừng tăng.
Từ năm 1913-1987, khoảng sáu triệu bản tập đầu được phát hành. Đến những năm 1988-1989, toàn bộ được xuất bản dưới hình thức loại sách bỏ túi, là loại sách được sản xuất hàng loạt để phát hành đại chúng.
Từ năm 35 tuổi, bị suyễn nặng và buồn vì mẹ chết, Proust ngừng giao thiệp trong giới phong lưu, sống ẩn dật trong buồng bệnh ở nhà để toàn tâm toàn ý vào sáng tác. Proust phân tích tâm lý xã hội thượng lưu Paris cuối thế kỷ XIX. Ông chịu ảnh hưởng của Freud và Bergson (luận điểm “thời gian trực cảm” - durées). Ông tái tạo lại thời gian đã trôi đi, gợi lại kỷ niệm, đi sâu vào tiềm thức.
Ông nhớ lại đời mình rất tỉ mỉ, từ bé đến tuổi trung niên, nhắc lại nhiều người (200 chân dung), nhiều nơi, nhiều sự việc, dùng nghệ thuật biến dĩ vãng thành hiện thực sống mãi. Nghệ thuật trở thành phương tiện chống lại thời gian xói mòn tất cả, chống lại cái chết tiêu hủy mọi thứ.
Tiểu thuyết của Proust không còn chú trọng cốt truyện như tiểu thuyết cổ điển (kiểu Balzac) nữa, chất liệu của nó là sự kiện nội tâm.
Tìm lại thời gian đã mất gồm bảy tập: Về phía nhà Swann – Do liên tưởng, người kể chuyện sống lại một thời thơ ấu. Chàng đi về phía nhà ông Swann, người đã yêu đau khổ và lấy Odette có tính phù phiếm. Mấy năm sau, ở Paris, chàng gặp con gái Swann là Gilberte, bạn cũ của chàng và là đối tượng yêu đầu tiên.
Dưới bóng những thiếu nữ hoa niên – Gilberte xa dần người kể, chàng cũng quên cô. Ở bãi biển, chàng làm quen một số thiếu nữ và để ý đến Albertine. Về phía họ Guermantes - Ở Paris chàng ước ao được nữ công tước họ Guermantes tiếp mà không được. Bà nội chết, chàng quan hệ với Albertine và giao thiệp với quý tộc họ Guermantes. Sodome và Gomorrhe miêu tả một người em của nữ công tước Guermantes, tính nết kỳ quặc, vừa độc ác vừa tốt, thô bạo mà tế nhị. Người kể đi lại nhiều khách thính, gặp lại Albertine, ghen và yêu.
Nữ tù nhân (La Prisonière), Albertine biến mất (Albertine Disparue) – Albertine đến Paris với người kể. Chàng cố giữ nàng lại, nhưng một buổi sáng nàng ra đi, sau chết vì tai nạn. Chàng đau khổ vì nghĩ lại những lần nàng phụ tình. Thời gian tìm lại được – Thế chiến I bùng nổ, xã hội đổi thay. Chàng tìm ra chân lý, ghi lại dĩ vãng trong tác phẩm nghệ thuật là tìm lại được thời gian đã mất.
* * *
Nhà văn Queneau Raymond . |
Queneau Raymond (1903-1976) là nhà văn thể nghiệm ngôn ngữ qua sáng tác, đả phá ngôn ngữ văn chương và sử dụng ngôn ngữ nói.
Tác phẩm chính: Tiểu thuyết bạn Pierrot của tôi (Pierrot mon Ami, 1942) và Zaxie trong xe điện ngầm (Zaxie dans le Métro, 1959). Thơ Một trăm nghìn triệu bài thơ (Cent mille milliards de Poèmes, 1961) và Bài tập về văn phong (Exercices de Style, 1947).
Zaxie trong xe điện ngầm là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Queneau.
Ông phá vỡ ngữ pháp, viết từ không theo chính tả, mà theo phát âm, sử dụng ngôn ngữ dân gian, tiếng lóng - bịa ra từ mới, coi văn học như một thứ trò ba lơn mà vẫn thể hiện được cái hài hước và cái nên thơ.
Zaxie trong xe điện ngầm miêu tả cái vô lý, kệch cỡm và thiếu nhân bản của thành phố hiện đại. Zazie là một cô gái nhỏ, mẹ bận việc, gửi người bạn. Zaxie dạo chơi phố phường Paris, gặp rất nhiều người ngồ ngộ.
| Đêm hòa nhạc kết nối văn hóa Việt Nam và Tây Ban Nha Ngày 30/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra đêm hoà nhạc “Melodia de Espana Concerto - Giai điệu Tây Ban Nha” do Học viện Âm ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 38] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 37] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 36] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| UNESCO ghi danh Di sản văn hóa Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam Lễ đón nhận bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi ... |