Nhà viết kịch cổ điển Racin Jean. |
Racin Jean (1639-1669) là nhà viết kịch cổ điển (dục vọng - những giằng xé bi đát trước định mệnh).
Tác phẩm chính: Andromaque (1667), Britannicus (1669), Bérénice (1670), Bajazet (1672); Mithridate (1673), Iphigénie (1674), Phèdre (1667), Estherm (1689), Athalié (1691), Những người sính kiện cáo (Les Plaideurs, 1668, hài kịch).
Andromaque là bi kịch cổ điển bằng thơ năm màn, cải biên một truyền thuyết cổ Hy Lạp về tình mẹ con và những mối tình đam mê bị trở ngại. Chiến tranh thành Troie kết thúc, vua Pyrhus trở về, bắt mang theo Andromaque và con nhỏ Astyanax. Pyrhus đã đính hôn với Hermione, nhưng mê Andromaque và muốn lấy nàng. Nàng không chịu, Pyrhus dọa sẽ giết con nàng theo yêu cầu của liên quân Hy Lạp. Oreste, đang yêu tha thiết Hermione mà không được yêu, được cử đến gặp Pyrhus đòi thi hành bản án ấy. Oreste thầm mong Andromaque bằng lòng lấy Pyrhus để cứu con và như vậy mình lấy được Hermione.
Mới đầu, Pyrhus không chịu giao đứa bé cho sứ giả Oreste, nhưng thấy Andromaque vẫn không chịu lấy mình, Pyrhus đổi quyết định và sẽ lấy Hermione. Andromaque van xin Pyrhus mãi không được, đành nhận lấy Pyrhus để cứu con mình (định sẽ tự tử sau đám cưới). Được tin ấy, Hermione ghen tức, mượn tay Oreste giết Pyrhus. Nhưng sau đó, nàng tự tử bên thây Pyrhus. Oreste phát điên. Mẹ con Andromaque thoát nạn.
Vở Andromaque mang vinh quang cho Racine và cũng mang lại nhiều cái mới cho sân khấu cổ điển Pháp. Ông đã tái tạo được tính chất bị động xuất phát từ cảm giác chứng kiến sự bất lực của con người (các vai chính) trước sự cay nghiệt của Định mệnh (các dục vọng đẩy họ lao một cách mù quáng xuống vực thẳm).
Người xem hồi hộp do theo dõi diễn biến nội tâm, chứ không do sự việc bên ngoài. Con người được miêu tả là sinh linh yếu đuối, tội nghiệp (ngược với những nhân vật của Corneille). Văn phong thích hợp với hiện thực tâm lý, câu chữ rất tự nhiên, thích hợp vô cùng với từng hoàn cảnh.
Britannicus là vở bi kịch cổ điển, lấy đề tài trong lịch sử cổ La Mã. Hoàng đế Claude có con riêng là Britannicus, ông lấy Agrippine cũng có con riêng là Néron. Agrippine giết chồng rồi đưa con riêng lên chiếm ngôi của Britannicus. Hoàng hậu âm mưu như vậy để giữ lấy quyền thế, nhưng Néron cũng muốn có quyền thế thật sự. Néron đã cho bắt Junie, vợ chưa cưới của Britannicus và truất quyền mẹ.
Mẹ dọa con sẽ ủng hộ cho Britannicus là hoàng tử hợp pháp lên ngôi. Con ác quỷ trong Néron (sau này trở thành bạo chúa khét tiếng) bắt đầu hình thành: hắn không nghe lời khuyên của người hiền Brutus mà nghe lời xúc xiểm của gian thần Narcisse. Hắn trù trừ đôi chút, rồi quyết tâm đánh thuốc độc giết Britannicus. Junie đi tu. Tác giả thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lý của Néron khi nhúng tay vào tội ác đầu tiên.
Bérénice là bi kịch cổ điển về một cuộc chia ly đau khổ và cương quyết, lấy đề tài trong lịch sử cổ La Mã. Hoàng đế La Mã Titus định lấy nữ hoàng Bérénice xứ Palestine, nhưng còn ngần ngừ vì Thượng viện không tán thành. Antiochus vua nước Camogène thú thật với nữ hoàng là mình đã yêu nàng thầm lặng năm năm rồi nhưng nàng dửng dưng.
Vì quyền lợi quốc gia, Tutus đau khổ báo cho Bérénice quyết định cắt đứt của mình. Antiochus cũng kiềm chế mối tình vô vọng của mình và ra đi. Bérénice cảm kích về hai tấm gương hào hiệp, từ bỏ ý đồ tự tử. Cả ba rứt ruột ra đi theo số mệnh riêng của mình. Cốt truyện rất đơn giản: tất cả hành động đều ở trong nội tâm. Đó là tài của Racine.
Phèdre là bi kịch cổ điển thơ năm màn. Phèdre, vợ vua Thésée, tưởng là chồng chết. Phèdre thầm yêu con riêng của chồng là Hippolyte đã lâu, bèn tỏ tình với Hyppolyte. Không ngờ chồng Phèdre không chết, lại sắp về. Vì hối hận, nàng định sẽ thú thật với chồng. Rồi nàng biết là Hippolyte yêu Aricie, do đó cơn ghen nổi lên, nàng để cho vú nuôi tố cáo với Thésée là Hippolyte định tằng tịu với nàng.
Thésée nguyền rủa Hippolyte và kêu gọi thần biển Neptune trừng phạt đứa con bất hiếu Hippolyte. Một con quái vật làm cho ngựa của Hippolyte sợ hãi, gây ra cái chết của Hippolyte. Tuyệt vọng vì tội của mình, Phèdre uống thuốc độc tự tử và thú tội với chồng.
Phèdre là một vở kịch theo quan điểm cổ Hy Lạp (Định Mệnh cay nghiệt), nhưng đồng thời lại có nội dung Kitô giáo (Phèdre là vai nữ tội lỗi nhất của Racine biết day dứt, hối hận trong khi theo cái ác; ở đây có cả ảnh hưởng định mệnh cay nghiệt của giáo phái Jansen).
Estherm là vở bi kịch ba hồi, có đồng ca, không có tình yêu nam nữ, để các nữ sinh quý tộc một trường tu viện có thể đóng được. Đề tài lấy ở Kinh Thánh. Assuerus, vua Ba Tư, cưới Esther mà không biết nàng là người Do Thái.
Tể tướng là Aman đề nghị vua ký lệnh giết sạch người Do Thái sống ở Ba Tư. Theo lời khuyên của ông cậu, Esther thú nhận với vua gốc Do Thái của mình và xin vua tha cho những người đồng hương. Vua đồng ý và sai treo cổ Tể tướng.
Athalié là vở bi kịch năm màn bằng thơ, có đồng ca. Sau Esther, Racine lại viết vở này cho các nữ sinh quý tộc một trường tu viện.
Để tài lấy Kinh Thánh-Nữ hoàng Athalie sai giết hết cháu để giữ quyền hành. Nhưng đại pháp sư Joad và vợ cứu được đứa cháu nhỏ của bà Joas và bí mật nuôi trong đền thần. Joad bàn với vợ lật đổ nữ hoàng và đưa Joas lên ngôi. Nữ hoàng được báo mộng, vào đền hỏi chuyện đứa trẻ, định mang nó đi, nhưng không được. Joas được tôn lên làm vua. Athalie bị giết.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 40] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 39] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Đêm hòa nhạc kết nối văn hóa Việt Nam và Tây Ban Nha Ngày 30/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra đêm hoà nhạc “Melodia de Espana Concerto - Giai điệu Tây Ban Nha” do Học viện Âm ... |
| UNESCO ghi danh Di sản văn hóa Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam Lễ đón nhận bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi ... |
| 'Cô bé ngón tay' và câu chuyện nhân văn trong kỷ nguyên kỹ thuật số Ngày 12/5, trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2022, Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức tọa đàm 'Cô bé ngón ... |