Nhà làm phim, nhà văn Robbe Grillet Alain. |
Robbe Grillet Alain (1922-2008) là nhà làm phim, nhà văn sáng lập trào lưu Tiểu thuyết mới; đoạt Giải Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc nhất, Giải Hugo cho tác phẩm Chính kịch hóa xuất sắc nhất.
Tác phẩm chính: Những cái tẩy (Les Gommes, 1953), Những kẻ nhìn trộm cởi truồng (Les Voyeur, 1955), Ghen (La Jalousie, 1957), Tấm gương lộn lại (Le Miroir qui Revient, 1985).
Những cái tẩy là tiểu thuyết miêu tả một sự kiện chính xác, cụ thể, chủ yếu về cái chết của một người.
Một sự kiện có tính chất trinh thám, có nghĩa là có sát nhân, thám tử và nạn nhân. Theo một ý nghĩa nào đó, những vai trò của họ được tôn trọng: sát nhân bắn, thám tử giải quyết vấn đề bí mật, nạn nhân chết. Nhưng không có phân tích tâm lý minh bạch, không có sự việc diễn biến trong thời gian, không có câu chuyện theo kiểu tiểu thuyết truyền thống (như ở Balzac) khiến cho người đọc có cảm giác tình tiết trong truyện được sắp xếp rất logic. Robbe chú trọng nhất là miêu tả các “đồ vật” gần như chụp ảnh.
Tiểu thuyết hình thành ra một bản kiểm kê thế giới xung quanh bởi một cái nhìn được giải thoát khỏi ước lệ. Robbe có vẻ như chỉ chắp những bức tranh trước mắt độc giả: căn buồng, mái nhà, thành phố, đưa ra những khuôn mặt, cử chỉ “trung tính”; bản thân chúng không mang ý kiến, tình cảm gì của tác giả.
Bằng kỹ thuật đan những hình ảnh như vậy, Robbe muốn gợi lên sự cô đơn siêu hình của nhân vật, ý nghĩa sự việc, nhân vật dần dần xuất hiện tùy theo sự quan sát của độc giả.
* * *
Nhà viết tiểu thuyết, kịch, nhạc lý Rolland Romain. |
Rolland Romain (1866-1944) là nhà viết tiểu thuyết, kịch, nhạc lý (tư tưởng nhân đạo); Giải thưởng Nobel 1916.
Tác phẩm chính: Jean Christophe, 1903-1912), Tâm hồn hân hoan (1922-1933), Clérambault (1920), Danton (1900), Vie de Beethoven (1903).
Jean Christophe là bộ tiểu thuyết trường thiên (Roman fleuve) 10 tập về cuộc đời một nhạc sĩ thiên tài người Đức, coi Pháp như tổ quốc thứ hai, ca ngợi một cuộc sống mãnh liệt và sự thông cảm giữa các dân tộc, thể hiện quan điểm của Rolland về các vấn đề xã hội, âm nhạc, chính trị...
Câu chuyện nhạc sĩ Jean Christophe trải ra trong 10 tập. Tảng sáng: Jean Christophe người Đức, sinh ở một thành phố nhỏ ven bờ sông Rhine. Thời thơ ấu, Jean Christophe nếm mùi nghèo khổ, nhục nhã, nhưng đã thấy bừng lên trong tâm hồn ánh sáng của âm nhạc.
Buổi sáng: gia đình kiệt quệ. Năm 14 tuổi Jean Christophe đã phải dạy dương cầm để nuôi cả nhà. Cậu khát khao tự do. Cậu kết bạn rất thân với Otto; cậu yêu cô học trò Minna, nhưng không lấy được. Qua thử thách, cậu thấy cứng rắn hơn.
Thanh thiếu niên: Jean Christophe mê một thiếu phụ góa chết sớm, một cô gái bán hàng lừa dối anh. Nổi dậy: Jean Christophe khẳng định tài soạn nhạc, chống lại tính giả dối trong nghệ thuật Đức. Dính vào một việc ẩu đả, anh phải trốn ra nước ngoài.
Chợ ở quảng trường: đến Paris, Jean Christophe ngao ngán vì xã hội cá nhân chủ nghĩa hỗn loạn, âm nhạc cũ quá, văn học vô luân, chính trị ích kỷ và khắc nghiệt. Antoinette: Jean Christophe rất thích người bạn mới là Olivier, một trí thức đa cảm và dè dặt. Olivier sống với chị là Antoinette, chị hy sinh tất cả vì em.
Trong nhà: Jean Christophe ở với Olivier và khám phá ra một nước Pháp lao động và dũng cảm dưới bề ngoài hời hợt. Những bạn gái: Jean Christophe nổi tiếng. Anh buồn vì Olivier lấy vợ. Jean Christophe dan díu với một cô chơi dương cầm, rồi bắt nhân tình với một diễn viên. Vợ Olivier bỏ nhà ra đi.
Bụi rậm rực cháy: Olivier thất vọng, làm cách mạng và bị chết. Jean Christophe giết một cảnh sát trong cuộc bạo động, trốn sang Thụy Sỹ, ở nhà gia đình Braun. Vợ Braun, một tâm hồn nồng nhiệt, tự hiến thân cho anh. Jean Christophe hối hận, anh lại lao vào sáng tác.
Ngày mới: cuối một cuộc đời vì nhạc, Jean Christophe cảm thấy tâm hồn bình thản hơn. Jean Christophe chết, nhớ lại dòng sông Rhine quê hương của thời thơ ấu. Tác phẩm Jean Christophe là một thông điệp gửi cho thế hệ sau chống lại lòng ham muốn vật chất. Tác giả đề cao lý tưởng nhân văn. Nhưng có nhiều khía cạnh đã lỗi thời: tính trữ tình lãng mạn hơi cổ, tính lý tưởng tự phát không phù hợp với thực tế.
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 41] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 40] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 39] Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
| UNESCO ghi danh Di sản văn hóa Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam Lễ đón nhận bằng ghi danh Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi ... |
| 'Cô bé ngón tay' và câu chuyện nhân văn trong kỷ nguyên kỹ thuật số Ngày 12/5, trong khuôn khổ Những ngày văn học châu Âu 2022, Viện Pháp tại Hà Nội đã tổ chức tọa đàm 'Cô bé ngón ... |