📞

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 43]

HỮU NGỌC 09:00 | 23/10/2022
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà văn Romains Jules.

Romains Jules (1885-1972) là nhà văn (thuyết đồng cảm – Unanimisme).

Tác phẩm chính: Cuộc sống đồng cảm (La Vie Unanime, 1908, thơ), K’nốc (Knock, 1923, kịch), Những người thiện chí (Les Hommes de bonne Volonté, 1932-1947).

K’nốc là vở kịch trào phúng ba màn, có phụ đề là sự đắc thắng của y học, lên án sự đam mê làm giàu, một động cơ xã hội hiện đại, phê phán cay độc sự ngu dốt và cả tin, sự bóc lột nhân danh khoa học. Kịch có dáng dấp của Molière.

Knock mua lại phòng khám bệnh tồi tàn của một ông bác sĩ già hành nghề ở nông thôn. Nông dân khỏe mạnh, lại tiếc tiền, nên khách rất vắng. Knock nghĩ ra một mẹo, anh khám bệnh không lấy tiền, do đó người đến khám rất đông.

Với ai, anh cũng tìm ra bệnh, vì anh áp dụng phương châm: “Người khỏe mạnh nào cũng ốm mà không biết”. Từ đó Knock phát tài và được tín nhiệm đến mức ông bác sĩ cũ cũng xin anh chữa bệnh cho.

Những người thiện chí là bộ tiểu thuyết trường thiên gồm 27 tập, vẽ lên bức tranh hoành tráng về xã hội Pháp trong một phần tư thế kỷ, từ 1908 (chiến tranh đe dọa) đến 1933 (mấy tháng sau khi Hitler nắm chính quyền).

Minh họa “thuyết đồng cảm”, Romains không viết bộ tiểu thuyết tổng quát này theo kiểu Balzac (nhiều truyện lẻ chắp thành Tấn trò đời) hay kiểu Hugo (cuộc đời Valjean qua nhiều giai đoạn trong Những người khốn khổ). Romains viết về rất nhiều nhân vật, nhiều khi không biết nhau, nhiều hành động song song, nhiều khi không dính dáng gì đến nhau, đan vào nhau tạo thành mạch đời.

Romains đã mất gần mười năm để nghiên cứu, sưu tầm tài liệu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ cơ chế một công ty nhà đất đến một cuộc bầu viện sĩ hay một cuộc khủng hoảng nội các. Mỗi một tập tiểu thuyết tuy vậy nhấn mạnh một câu chuyện để gây tính đa dạng: độc giả có thể theo dõi việc làm ăn của một nhà tư sản kinh doanh (tập V), những công trình nghiên cứu của một nhà sinh vật học (tập XII), nguy cơ chiến tranh tăng dần (tập IX, X, XIV), diễn biến của trận Verdun (tập XV, XVI), một chuyện tình tươi mát trong hòa bình (tập XVIII).

Tất cả các tập đều xoay quanh hai nhân vật, coi như phản ánh ý nghĩ của tác giả: Jerphanion và Jallez, bạn học cùng khóa, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm, hai “người có thiện chí”. Ý lớn làm nền cho bộ tiểu thuyết là trên thế giới có khá nhiều “người có thiện chí”, vô hình trung họp thành một cộng đồng những người chân chất, mỗi người hoạt động trong lĩnh vực của mình để đóng góp cho sự nghiệp hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

* * *

Nhà thơ Rostand Edmon.

Rostand Edmon (1868-1918) là nhà thơ lãng mạn mới (đề cao tình cảm, tôn sùng cái tôi, tìm cách thoát ly trong mộng ảo, những miền xa lạ, cái đẹp hoang dại, dĩ vãng, trở về thời Trung cổ, huyền thoại dân tộc, truyền thống dân gian).

Tác phẩm chính: Cyrano de Bergerac (1897, kịch), Đại bàng con (L’Aiglon, 1900, kịch).

Cyrano de Bergerac là vở kịch thơ năm màn. Cyrano là một thanh niên quý tộc dũng cảm, chân thật, biết hài hước, chỉ phải cái xấu trai do mũi quá to.

Chàng thầm yêu cô em họ là Roxane. Cô này không biết, lại nhờ Cyrano che chở cho người mình yêu là Christian đẹp trai, nhưng thiếu linh hoạt. Vốn hòa hiệp, Cyrano nhận làm bạn thân của Christian. Cyrano lại bảo cho bạn những câu văn hoa để nói với người yêu ở ban công.

Chàng mời tu sĩ đến làm lễ cưới cho hai người. Bực tức vì không chiếm được trái tim Roxane, bá tước chỉ huy Christian cử chàng ra mặt trận chiến đấu. Hàng ngày, Cyrano thay cho Christian viết những bức thư tình nồng cháy gửi Roxane.

Nhưng rồi Christian tử trận do tên chỉ huy ám hại. Roxane tuyệt vọng đi tu. Cyrano đến thăm nàng hàng ngày. Mãi đến khi chàng bị ám sát hấp hối, nàng mới biết rõ sự thật. Nàng hiểu ra rằng nàng đã yêu tâm hồn Cyrano qua thể xác của Christian.

* * *

Nhà sinh vật học, nhà văn Rostand Jean.

Rostand Jean (1894-1977) là nhà sinh vật học, nhà văn.

Tác phẩm chính: Cuộc phiêu lưu của con người (L’Aventure Humaine, 1947), Suy nghĩ của một nhà sinh vật học (Pensées d’un Biologiste, 1939).

Cuộc phiêu lưu của con người là tác phẩm phổ biến khoa học được dịch sang nhiều ngữ. Tập hợp ba luận văn đã xuất bản trước.

Tập một: Từ mầm đến đứa trẻ sơ sinh: cuộc phiêu lưu của hai tế bào tách từ bố mẹ ra, trở thành phôi, rồi thành thai. Chín tháng trong bụng mẹ. Tiếng khóc chào đời.

Tập hai: Từ trẻ sơ sinh đến tuổi trưởng thành: những biến chuyển đến khi định hình. Ba thời kỳ: cho đến 14 tuổi, ba năm dậy thì cho đến trưởng thành.

Tập ba: Từ tuổi trưởng thành đến tuổi già: sự định hình tương đối, luôn luôn có thay đổi. “Mục đích nhân loại là đem lại cho mỗi cá nhân những may mắn nhất để vào đời sao cho tốt và thực hiện hoàn toàn cuộc phiêu lưu của mình”.