Nhà triết học Rousseau Jean - Jacque. |
Rousseau Jean - Jacque (1712-1778) là nhà triết học Ánh sáng (dân chủ tiểu tư sản, theo tự nhiên), nhà văn (báo hiệu chủ nghĩa lãng mạn).
Tác phẩm chính: Luận văn về khoa học nghệ thuật (1750), Luận văn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng giữa người và người (1755), Thư gửi cho d’Alembert về sân khấu (1758), Julie hay nàng Héloise mới (1761), Emile hay luận về giáo dục (1762), Khế ước xã hội (1762), Tâm sự (1781), Những ý miên man của người đi chơi một mình (1776-1778).
Luận văn về khoa học nghệ thuật là luận văn Rousseau viết năm 38 tuổi, khiến Rousseau nổi tiếng. Đây là công trình được giải thưởng, đáp lại câu hỏi của Viện Hàn lâm Dijon: “Sự tiến bộ của khoa học nghệ thuật có góp phần làm cho phong tục thuần khiết hay không?” Ngược lại với trào lưu Ánh sáng đương thời (tin vào sự tiến bộ của tri thức và đạo lý), Rousseau đã trả lời bằng một nghịch lý. Ông chứng minh là bản chất con người tốt, do văn minh mà hư hỏng.
Tác phẩm gồm phần đầu đưa ra những ví dụ lịch sử cổ và kim (người nguyên thủy tốt hơn người văn minh...) và phần hai giải thích quy luật lịch sử ấy.
Luận văn về nguồn gốc và cơ sở của sự bất bình đẳng giữa người và người là luận văn giải đáp một câu hỏi do Viện Hàn lâm Dijon đề ra. Rousseau bắt đầu miêu tả với óc tưởng tượng thơ mộng người nguyên thủy ở tình trạng tự nhiên, đơn giản, khỏe mạnh, theo bản năng, tự do và hạnh phúc.
Con người tụ tập nhau lại, lập gia đình, làm lều ở, nhận làm chủ mảnh đất mình trồng trọt. Do đó mà sinh ra đố kỵ, hiềm khích và hỗn loạn. Những kẻ khỏe nhất liên minh với nhau đàn áp người nghèo, người yếu. Sự bất bình đẳng tồn tại là do kéo dài trong thời gian, do tục lệ, danh lợi.
Julie hay nàng Héloise mới là cuốn tiểu thuyết viết dưới hình thức thư, còn có phụ đề là Thư từ của hai người tình ở một thành phố nhỏ, tại chân núi Alpes. Tiểu thư Julie yêu gia sư của mình là Saint-Preux, nhưng vì không môn đăng hộ đối, nên không thể lấy nhau.
Nàng đau khổ mà lấy nhà quý tộc De Volmar. Là một thiếu nữ có đạo đức, nàng chung thủy với chồng và tận tụy với con, tìm lại được sự thanh thản trong ấp là nơi nàng sống với chồng. Nàng thú thực mối tình cũ với chồng. Chồng là người cao thượng, cho mời Saint-Preux (đang đi du lịch để tiêu sầu) đến ở cùng với gia đình; ông muốn chứng tỏ là mình tin vợ và bạn. Nhưng nàng chết vì bệnh do cứu một đứa con khỏi chết đuối.
Tác phẩm ca ngợi tình yêu và thiên nhiên, mơ mộng, mở đường cho chủ nghĩa lãng mạn. Độc giả ngày nay còn cảm thấy cái đẹp của phong cảnh nhưng hơi xa lạ với tình cảm ủy mị, những lời bàn dông dài về chính trị, tôn giáo, từ thiện, giáo dục.
Emile hay luận về giáo dục là cuốn tiểu thuyết sư phạm xuất phát từ nhận định cơ bản là con người sinh ra tốt mà bị văn minh làm hư hỏng. Rousseau chủ trương cứu chữa xã hội từ gốc (giáo dục trẻ em).
Cuốn sách gồm năm phần: phần một, Emile sinh ra cho đến năm tuổi: mẹ phải nuôi dưỡng, bố phải dạy dỗ. Nhưng do bố chết, gia sư phải làm thay. Được nuôi ở nông thôn, Emile theo tự nhiên (tắm lạnh, không mặc quần áo lót, tránh cho trẻ thói quen xấu như sợ hãi, không bận tâm dạy nói).
Phần hai, từ 5-12 tuổi: giáo dục thân thể, các giác quan, bảo vệ trẻ khỏi bị tiêm nhiễm bởi cái xấu của xã hội. Học chơi, chạy, bơi, đi chân đất, đầu trần, không cần nằm đệm, ăn uống giản dị, ít thịt. Không lý luận với Emile, không dạy đạo đức, sách vở, dạy qua kinh nghiệm hàng ngày.
Phần ba, từ 12 -15 tuổi: giáo dục tri thức và kỹ thuật, ít học sách vở. Xuất phát từ những nhận xét về hiện thực, gia sư giúp Emile lập luận và tự trang bị tri thức cho mình như ngắm mặt trời mọc và lặn, từ đó học thiên văn... Emile học một nghề chân tay: thợ mộc.
Phần bốn, từ 15-20 tuổi: giáo dục đạo đức và tôn giáo, bồi dưỡng lòng thương, tìm hiểu xã hội và con người. Đứng trước cảnh núi Alpes hùng vĩ, một mục sư miền Savoie gợi lên tình cảm thiêng liêng về Thượng đế.
Phần năm, Sophia: cô gái này được nuôi dạy cũng theo những nguyên tắc trên. Sophia và Emile gặp nhau, yêu nhau và lấy nhau. Gia sư ở lại nhà để dạy các con họ. Rousseau phê phán giáo dục nhồi sọ và kìm hãm của phong kiến. Nhưng có những luận điểm không vững: trẻ em không phải chỉ có những bản năng thiện, gia sư không có khả năng làm chủ hoàn toàn một tâm hồn, phương pháp siêu hình tách rời xã hội.
Khế ước xã hội là tác phẩm triết học có bốn phần, trình bày quan điểm của Rousseau về nhà nước. Theo Rousseau, Nhà nước xây dựng trên ý muốn tự giác, cơ sở hiệp thương giữa mọi người, nhân dân có quyền nắm chính quyền. Mỗi con người sinh ra hoàn toàn tự do, cá nhân tự nguyện từ bỏ cái tự do ấy vì cộng đồng, do đó, cộng đồng phải đảm bảo tự do dân chủ cho cá nhân.
Đó là cơ sở của các thể chế chính trị gộp lại là Nhà nước. Quyền tối cao của nhân dân là một, không thể chuyển nhượng, chia cắt. Những người lập pháp có nhiệm vụ làm sáng tỏ và thể hiện ý chí chung của cộng đồng bằng những đạo luật phù hợp với quyền lợi của tất cả mọi người; sau đó, chính phủ thi hành cho đúng. Rousseau phân tích những chính thể và đề cao chính thể dân chủ.
Khế ước xã hội và Emile (xuất bản cùng một lúc) gắn chính trị, giáo dục, đạo đức và đặt cơ sở xây dựng một xã hội nhằm xây dựng con người chứ không làm hư hỏng nó. Tác phẩm có ảnh hưởng đến triết học và chính trị (Cách mạng Pháp 1789), nhất là nhóm Jacobins cực tả và dẫn đến hai cách diễn giải đối lập: đề cao dân chủ hoặc ngược lại - các chế độ cực quyền.