Nhà văn Sand George. |
Sand George (1804-1876) là nhà văn nữ viết tiểu thuyết (chủ nghĩa lãng mạn).
Tác phẩm chính: Indiana (1832), Consuelo, (1842-1843), Người thợ xay ở Angibault (Le Meunier d’Angibault, 1845), Cái ao có ma (La Mare au Diable, 1846), François, đứa trẻ nhặt được (François le Champi, 1847-1848), Cô bé Fadette (La Pettite Fadette, 1962).
Người thợ xay ở Angibault là tiểu thuyết viết trong giai đoạn Sand George chịu ảnh hưởng chủ nghĩa xã hội Thiên Chúa giáo. Nữ bá tước De Blanchemont xinh đẹp đau khổ vì chồng lăng nhăng; chồng chết, bà muốn lấy Henri, một thanh niên nghèo; Henri không đáp lại mối tình vì anh theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Anh sẽ đi làm thợ xay ở Angibault.
Nữ bá tước nhận thấy tiền làm hư hỏng con người. Bà để ý đến trường hợp lão phú nông Bricolin lão làm khổ con gái vì tiền, không cho các con cưới xin vì tình. Con gái đầu vì thế bị điên. Con thứ hai là Rose đành âm thầm yêu một người thợ xay là Louis Lớn.
Bà bá tước giúp đỡ đôi trai gái, bà bán rẻ lâu đài của mình cho Bricolin với điều kiện là Rose được lấy Louis Lớn. Bà cho hết của cải, sống với người nghèo để xứng đáng mối tình của bản thân. Khi Rose lấy Louis Lớn thì bà cũng lấy Henri.
François, đứa trẻ nhặt được là cuốn tiểu thuyết có thể gộp với Cô bé Fadette và Cái ao có ma thành bộ ba tiểu thuyết nông thôn của Sand George. Mụ Zabelle nuôi François, hy vọng sau này có người sai. François lớn lên xinh trai và hiền lành. François được cảm tình của Madelein, con dâu của hai vợ chồng chủ nhà xay.
Chồng Madelein có nhân tình là Sévère rất độc ác. Sévère quyến rũ François không được, xui chồng Madelein đuổi François đi. François không hiểu tại sao bị gạt ra, đi làm nơi khác, vẫn quyến luyến Madelein. Sau khi chồng Madelein chết, François trở lại làm việc ở nhà xay và gặp lại Madelein.
Tiếng đồn về mối tình của hai người khiến cho chính họ nhận thức được là họ yêu nhau thật. Mới đầu François xấu hổ bỏ đi, nhưng rồi trở lại lấy Madelein.
Cô bé Fadette là cuốn tiểu thuyết nông thôn. Sau giai đoạn sáng tác lãng mạn và từ thiện xã hội chủ nghĩa Thiên Chúa giáo, Sand George về quê và viết tiểu thuyết về nông thôn. Sylvinet và Landry là hai anh em sinh đôi, cùng lớn lên trong một gia đình nông dân. Landry đi làm thuê trong một trang trại; anh là Sylvinet ở nhà buồn nhớ cũng bỏ đi. Em lo lắng đi tìm được anh nhờ sự giúp đỡ của Fanchon, tức là Fadette, một cô gái đen và gầy như que củi. Fadette bắt Landry đền công: anh phải khiêu vũ với cô vào ngày hội sắp tới.
Tới ngày đó, Landry vốn đang dan díu với con gái ông chủ, Madelon, nên đành khiêu vũ gượng gạo. Nhưng không ngờ, càng ngày anh càng có thiện cảm với Fadette, trong khi Fadette ăn phải đũa yêu đương đẹp hẳn lên. Landry tỏ tình với Fadette, Sylvinet buồn tủi, âm thầm đau khổ. Madelon ghen, theo rình Fadette, Fadette phải bỏ quê ra đi.
Về sau, Fadette trở về để nhận gia tài của bà. Cô có lấy Landry không? Sylvinet buồn tủi vẫn ngăn cản việc cưới xin. Fadette chăm sóc Sylvinet, thuyết phục phải trái, Sylvinet đành phải tự rút lui. Một tháng sau khi Landry lấy Fadette, Sylvinet tòng quân ra trận.
Nhà văn Sarraute Nathalie. |
Sarraute Nathalie (1900-1999) là nhà văn nữ theo trào lưu “Tiểu thuyết mới”.
Tác phẩm chính: Hướng động (Tropismes, 1939), Chân dung một người lạ mặt (Portrait d’un Inconnu, 1948), Nhà hành tinh (Le Planéterium, 1959), Quả vàng (Les Fruits d’Or, 1963).
Hướng động là tác phẩm đầu tiên của Sarraute, một nữ tác giả đi tiên phong trong trào lưu Tiểu thuyết mới Pháp. Sarraute không kể chuyện theo quan niệm tiểu thuyết cổ điển (kiểu Balzac), mà chỉ tả những hiện tượng tâm lý không rõ rệt, mới sơ bộ biến diễn theo chiều hướng nào đó như kiểu những Hướng động.
Trong sinh học, hướng động là sự phát triển trong không gian của thực vật do ảnh hưởng một tác nhân bên ngoài, như ánh sáng, nước... Sarraute tìm cách thể hiện những cảm giác đương hình thành, do đó phê phán ngôn ngữ (do nhu cầu thực tế xã hội tạo ra) và sự tồn tại của “Chủ thể tự có”.
Theo Sarraute, Hướng động là “những vận động không thể định nghĩa được, lướt rất nhanh ở rìa ý thức; đó là gốc của những cử chỉ, lời nói, tình cảm mà chúng ta thể hiện...”. Sarraute đưa ra 24 cảnh chuyển động nội tâm, hầu như không cảm giác được, nhưng biểu lộ qua những cái xảy ra hàng ngày.
24 truyện nhỏ không có nhân vật cụ thể tên tuổi, các nhân vật trao đổi những câu rỗng tuếch hay cay độc vô thức. Tư duy và tình cảm mập mờ, có khi đang hình thành thì đã tiêu tan, do đó đưa lại những hành động dường như vô lý.