Nhỏ Bình thường Lớn

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 48]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền văn học Pháp thời Trung cổ nổi tiếng.
Nhà triết học, nhà văn Sartre Jean-Paul.
Nhà triết học, nhà văn Sartre Jean-Paul.

Sartre Jean-Paul (1905-1980) là nhà triết học, nhà văn (hiện sinh).

Tác phẩm chính: Buồn nôn (La Nausée, 1938, tiểu thuyết), Bức tường (Le Mur, 1939, truyện), Ruồi (Les Mouches, 1943, kịch), Hữu thể và hư vô (L’Etre et Néant, 1943, triết), Những con đường của tự do (Les Chemins de la Liberté, 1945-1949, bộ tiểu thuyết),Vụ Henri Martin (L’Affaire Henri Martin, 1953, luận văn), Xử kín (Huis Clos, 1945, kịch), Tay bẩn (Les Mains Sales, 1948, kịch), Con điếm có lễ độ (La Putain Respectueuse, 1946, kịch), Từ (Les Mots, 1964, tự truyện - thời thơ ấu).

Ruồi là vở kịch ba hồi, viết khi Đức phát-xít chiếm đóng Pháp và có tiếng vang vì gần như là một lời kêu gọi chống chính quyền Đức và Pétain bóp nghẹt tự do (đặc biệt qua vai Oreste).

Chuyện dựa vào truyền thuyết cổ Hy Lạp, xảy ra ở Argos. Vua Agamemnon và Hoàng hậu Clytemnestre có một con trai là Oreste và một con gái là Electre. Egisthe, được Clytemnestre đồng lõa giết Agamemnon và chiếm ngôi. Oreste thoát chết, đi lưu vong, còn em gái là Electre thì sống như nô lệ. 15 năm trôi qua, dân chúng sống cơ cực trong đô thị hôi hám, đầy ruồi to như ong, họ sống tủi nhục để chuộc tội ác của vua mới.

Ruồi nhung nhúc hành hạ dân chúng – biểu tượng cho hối hận và trả thù, chúng là tay chân của vua thần Jupiter đầy uy quyền. Oreste trở về gặp lại em gái Electre và muốn đưa cô trốn khỏi nơi uế tạp và nguy hiểm. Nhưng Electre không chịu vì thù cha chưa báo. Oreste mới đầu không nghe em, sau suy nghĩ lại và quyết định ở lại. Chàng giết Egisthe, giết luôn cả mẹ, mặc em gái can ngăn.

Vua thần Jupiter bắt hai anh em phải sám hối. Electre kinh tởm anh đã giết mẹ, vâng lời thần và sám hối. Oreste nhất định không chịu sám hối, dù biết sẽ bị trừng phạt. Oreste là hiện thân chủ yếu của một triết học hiện sinh: con người có hoàn toàn tự do tạo ra một giá trị tinh thần được thể hiện bằng hành động; có vậy, con người mặc dù chịu phận cô đơn, mới thắng được phận người vô lý và mới mạnh hơn tất cả mọi thế lực, kể cả thần minh.

Những con đường của tự do là bộ tiểu thuyết ba cuốn nhằm thể hiện sự “dấn thân” của Sartre vào cuộc kháng chiến chống Đức phát-xít chiếm đóng Pháp. Nhân vật chính là giáo sư triết học Mathieu Delarue đã đoạn tuyệt với một cuộc đời cằn cỗi và tìm cách thực hiện cái tôi bằng hành động tự do lựa chọn. Cuốn đầu là Thời lớn khôn: năm 1938, Mathieu ở Paris nhận được những âm hưởng cuộc chiến tranh Tây Ban Nha.

So với những trận đánh ở nước láng giềng, ông thấy những sự phiền toái cá nhân của mình chẳng là gì cả. Hai cuốn sau là Án treo và Chết trong tâm hồn sử dụng kỹ thuật “đồng hiện” của nhà viết tiểu thuyết Mỹ Dos Passos.

Câu chuyện xảy ra một lúc ở nhiều nơi (Anh, Pháp, Tiệp Khắc, Đức...) do đó gây được ấn tượng cả thế giới chuẩn bị và tham gia cuộc chiến tranh. Mathieu cảm thấy mình dấn thân vào cuộc (Án treo) và tự đặt cho mình trách nhiệm (Chết trong tâm hồn). Mathieu đã có một hành động dũng cảm vô ích, một hành động dấn thân mà Mathieu không bao giờ thật hiểu, nhưng do đó Mathieu gần đạt tới thứ “tự do triết học” mà mình từng mong muốn, nhưng Mathieu chỉ hưởng cảm giác đó có vài phút thì bị đạn bắn chết.

Tay bẩn là vở kịch đề cập đến sự mâu thuẫn giữa lý tưởng tốt đẹp và thực tế vô lý, có khi bất công, bẩn thỉu của hành động chính trị. Chuyện xảy ra năm 1943 ở một nước Trung Âu, chư hầu của Đức phát-xít. Quân đội Liên Xô tấn công vũ bão, quân Đức thua đến nơi. Viên nhiếp chính nước Trung Âu ấy vội câu kết với lãnh tụ Đảng Cộng sản hoạt động bí mật là Hoedorer. Hoedorer đồng ý có sự liên minh chiến thuật này, nhưng bị những người lãnh đạo khác lên án.

Hugo, một thanh niên mác-xít, thuộc giai cấp tư sản, xung phong nhận của Đảng nhiệm vụ làm thư ký cho Hoedorer để tìm cách giết ông. Hai người thảo luận về chủ trương chiến thuật: Hugo chỉ muốn giữ lý tưởng cộng sản trong sạch. Hoedorer tìm một hành động có hiệu quả, bẩn tay cũng được. Hugo nghe lập luận bị lung lay, nhưng do đố kỵ, vẫn cứ giết đồng chí, Hugo bị tù. Ở tù ra, anh được biết là chủ trương của Hoedorer cuối cùng được Đảng chấp nhận. Anh phản ứng lại và bị hạ sát.

Con điếm có lễ độ là vở kịch một màn hai cảnh. Ở một tỉnh nhỏ miền Nam nước Mỹ, hai người da đen bị vu là hiếp phụ nữ da trắng và bị truy lùng. Một người bị giết, người kia định trốn vào nhà một gái điếm là Lizzie, nhưng ả này không chịu. Fred là khách của Lizzie muốn cứu bạn hắn là Thomas, kẻ giết người da đen thứ nhất, xui Lizzie nhận mình bị hai người da đen định hiếp. Lizzie không chịu nói dối, mặc dù Fred hứa cho 500 USD. Lizzie bị hành hung.

Lizzie cưỡng lại cả hai tên cảnh sát bắt Lizzie ký vào biên bản là bị hiếp dâm. Nhưng bố Fred, một thượng nghị sĩ, dùng lời đường mật và giả đạo đức thuyết phục được Lizzie ký. Về sau, Lizzie biết mình bị lừa, Lizzie thấy người da đen đang trốn trong buồng mình khi một bọn người lên thang để lùng bắt. Lizzie đưa cho người da đen khẩu súng lục, nhưng anh không chịu cầm.

Fred vào định bắn, nhưng người da đen trốn được. Lizzie chĩa súng vào Fred, nhưng không dám bắn – Sartre miêu tả sự tha hóa của những người chấp nhận ngoan ngoãn cái trật tự bất công của xã hội.

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Tự hào đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới

Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh: Tự hào đưa âm nhạc dân tộc ra thế giới

Người sáng lập dàn nhạc dân tộc mang tên Sức Sống Mới, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh luôn mang theo khát khao rằng, cần phải ...

Hoa Kỳ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

Hoa Kỳ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam

Ngày 23/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và ...

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 47]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 47]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 46]

Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 46]

Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ...

Nhiều hoạt động văn hóa đậm chất Tây Nguyên tại Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya 2022

Nhiều hoạt động văn hóa đậm chất Tây Nguyên tại Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya 2022

Tối 11/11, tại sân nhà Rông làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, đã chính thức khai mạc Tuần ...