Sue Eugène (1804-1857) là nhà viết tiểu thuyết đăng tải. Tác phẩm chính: Những bí mật thành Paris (Les Mystères de Paris, 1842-1843).
Những bí mật thành Paris là tiểu thuyết mới đầu đăng tải trên báo, về sau xuất bản thành 10 tập. Fleur-de-Marie (Hoa của Marie), một cô bé bị bỏ rơi, sống với một mụ lăng loàn nuôi em, rồi bắt em làm đĩ khi em bắt đầu lớn lên. Cô vẫn giữ tấm lòng trong sạch.
Cô được Rodolphe, một hầu tước Đức trá hình làm công nhân che chở; ông này sống ở môi trường cặn bã Paris để cứu giúp người nghèo khổ, trả thù những tội ác, với mục đích chuộc lại lỗi cũ. Cô nhiều lần bị rơi vào tay bọn lưu manh, nhưng cuối cùng thoát nạn khi hầu tước nhận ra cô chính là con gái mình. Cô được đưa về sống nơi giàu sang.
Nhưng bị ám ảnh bởi dĩ vãng ô nhục, cô muốn sám hối. Cô từ chối lấy người cô yêu để đi tu. Sau đó ít lâu, cô chết. Câu chuyện này rất phù hợp với khuynh hướng từ thiện, đương thời (như George Sand), đạt tới đỉnh cao trong văn học với Những người khốn khổ (V. Hugo viết khoảng hai chục năm sau).
Sue là tác giả đầu tiên miêu tả một cách hiện thực những nỗi cơ cực của dân chúng, phê phán các thể chế theo trào lưu xã hội chủ nghĩa không tưởng. Có nhiều nhân vật nổi tiếng ngoài các nhân vật chính: cặp tội phạm Mụ Cú và lão Thầy Học, Le Chourineur sát nhân sám hối và hào hiệp, gã Ferrand cay nghiệt và hà tiện, anh công nhân Morel lương thiện... Truyện kể hồi hộp, độc giả xếp hàng ở tòa báo để xem hồi sau ra sao.
Tharaud Jérôme et Jean (Tharaud Jerome và Giăng, hai anh em. Anh, 1874-1953; Em, 1877-1952) viết tiểu thuyết và phóng sự (bảo thủ). Tác phẩm chính: Dingley, nhà văn nổi tiếng (Dingley, l’Illustre Écrivain,1902), Dưới bóng cây thập tự (L’Ombre de la Croix, 1917).
Dingley, nhà văn nổi tiếng là truyện được Giải thưởng Goncourt năm 1906. Nhà văn Anh Dingley định viết một cuốn tiểu thuyết đề cao lòng yêu nước. Ông muốn kể chuyện một người bị sa đọa, vào quân đội cốt lấy tiền thưởng, nhưng qua thành tích chiến đấu, nhân vật này đã tu tỉnh, trở về quê hương sống một cuộc đời lành mạnh.
Muốn có không khí cho tác phẩm mình viết, Dingley cùng vợ và con trai đi Nam Phi, Dingley ra tận tiền tuyến và thấy chiến tranh không giống như mình tưởng tượng, ở cả hai phía. Ông về đón vợ con thì được tin con chết vì thương hàn. Ông kết luận là cứ ở London, đọc tin tức mà miêu tả chiến tranh có lẽ lại hay hơn.
Tocqueville Clérel de (1805-1859) là nhà sử học, chính khách. Tác phẩm chính: Luận về dân chủ ở Mỹ (De la Démocratie en Amérique,1835-1840), Chế độ cũ và Cách mạng (L’Ancien Régime et la Révolution, 1856).
Luận về dân chủ ở Mỹ là tác phẩm sử học viết dưới góc độ triết học; đến nay, ngay cả ở Mỹ, vẫn được coi là một bản phân tích có tính chất tiên tri về văn minh Mỹ. Được cử sang Mỹ nghiên cứu về chế độ nhà tù, bá tước Tocqueville đã mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và viết tác phẩm này.
Ông xác định là những điều kiện địa lý và lịch sử đã khiến cho dân chủ xuất hiện ở nước này. Sau đó, ông phân tích những chế độ xã hội và chính trị là cơ sở ổn định chế độ. Sau cùng, ông vạch ra ảnh hưởng của dân chủ đối với cuộc sống và phong tục tập quán người Mỹ.
Ông xác định những điều kiện để cho một nền dân chủ lành mạnh có thể tồn tại: phổ thông đầu phiếu nhiều cấp, sự tồn tại của tình cảm tôn giáo ngăn những dục vọng sôi nổi của quần chúng... Tocqueville là tác giả nhiều người tìm đọc.
Triolet Elsa (1896-1970), nhà văn nữ, vợ Aragon, viết tiểu thuyết và truyện. Tác phẩm chính: Trở ngại đầu tiên tốn 200 quan (Le Premier Accroc coute 200f, 1944), Hoa hồng mua chịu (Rose à Crédit, 1959), Cái không bao giờ vĩ đại (Le Grand Jamais, 1965).
Cái không bao giờ vĩ đại là cuốn tiểu thuyết có nội dung triết học và tâm lý xã hội. Triolet đề cập những vấn đề rộng lớn như sự thật lịch sử, thời gian, tình yêu, cái chết. Bà chứng minh trong tác phẩm là hình ảnh, bản chất, sự nghiệp của mỗi người sau khi chết do xã hội nhào nặn. Nhà sử học kiêm nhà văn Régis - nhân vật chính, chết đang nằm trong áo quan, nhưng vẫn độc thoại được.
Sau khi chết, danh tiếng ông mới lừng lẫy. Mặc dù cô vợ trẻ của ông là Madeleine khẳng định nhiều điều về ông, nhưng các độc giả, đệ tử, người ngưỡng mộ, nhà phê bình nghiên cứu lại gạt đi và cho là cô không hiểu chồng.
Rút cuộc, những câu hỏi đặt ra không có câu trả lời dứt khoát: khi sống, ông có tin Chúa không? Ông có nhiều nhân tình không? Công trình lịch sử của ông phải chăng chỉ là tiểu thuyết? Ông có thật sự yêu vợ không? Một hình ảnh quy ước về ông được đưa ra. Như vậy là ông chết hai lần. Tác giả đã đề cập thời gian. Nhưng là thời gian gì?
Vauvenargues le Marquis de (Hầu tước Vauvenargues, 1715-1747) là nhà văn. Tác phẩm chính: Cách ngôn (Maximes, 1746).
Cách ngôn là tuyển tập của Vauvenargues, một người quý tộc muốn danh vọng trong chinh chiến, nhưng không gặp thời. Ốm đau, ông phải rút về nhà, sống cô đơn và suy nghĩ, viết Cách ngôn. Triết lý và đạo lý cơ bản là sự tin tưởng, lạc quan vào con người (ngược với Rochefoucauld).
Ông đề cao hành động, dục vọng, danh vọng; biết phát triển chúng theo hướng đúng; ông cho là tình cảm phải vượt lên lý tính, đồng thời chủ trương một đạo lý khắc kỷ. Ông không bài bác tôn giáo, nhưng khuyên đừng để tâm đến những vấn đề siêu hình (linh hồn có vĩnh cửu không...) mất thì giờ, mà sống đầy đủ cuộc đời trần thế.
|
Hoa Kỳ chung tay bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam
Ngày 23/11, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu và ... |
|
Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 48]
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
|
Sổ tay văn hóa Đông-Tây: Một thoáng văn học Pháp [Kỳ 49]
Chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc những tác phẩm tập thể hay vô danh (không xác định được tác giả) của nền ... |
|
Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc
Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV với chủ đề “Sắc màu văn hóa ... |
|
Chung tay hành động vì một xã hội Việt Nam già hóa chủ động
Vừa qua, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân Thọ Prudential Việt Nam (Prudential) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Aging Summit 2022 với chủ ... |