Nhà thơ Valéry Paul. |
Valéry Paul (1871 - 1945) là nhà thơ (trí tuệ). Tác phẩm chính: Buổi tối với ông Teste (La Soirée avec M.Teste, 1896-1926), Nàng Parque (La Jeune Parque, 1917), Thơ-Phù phép (Charmes, 1922).
Thơ-Phù phép là tuyển tập thơ cuối cùng của Valéry, nhà thơ trí tuệ chủ trương “thơ thuần túy”, Charmes nghĩa là phù phép, đồng thời theo nghĩa Latinh “Carmira” là “bài thơ”.
Thơ của Valéry không trực tiếp phản ánh hiện thực, những tình cảm và cảm xúc, mà để thanh lọc, diễn tả tổng hợp những cái đó, cả tâm hồn và trí tuệ; qua những bước đi của tư duy, Valéry phân tách diễn biến của sáng tạo.
Thơ Valéry rất súc tích, nên khó hiểu: sử dụng tất cả những vần, điệu, thể thơ và thủ pháp khó nhất, mài từng chữ, tìm âm điệu rất công phu, hình thức cổ điển, thi phẩm hoàn chỉnh trở thành một thứ “phù phép” đối với người đọc.
Thơ-Phù phép có thể hiểu như là một vở kịch mà vai chính là trí tuệ, với những bước đi của nó để cố gắng nhận thức, sáng tạo: những niềm hy vọng, sự đợi chờ, những cố gắng đáp lại sự hấp dẫn của khoa học, của đời sống – trầm tư, vượt lên thời gian trực cảm.
Trí tuệ hân hoan tiếp nhận trò chơi của những biểu tượng, ngạc nhiên phát hiện những từ ngữ tinh tế hay ngược dòng từ nguyên, bơi giữa trừu tượng và cụ thể. Nhưng thơ trí tuệ của Valéry tránh được cái khô khan của trừu tượng vì sự phân tích của trí tuệ lại quyện với thế giới muôn màu sắc bên ngoài và gắn với óc tưởng tượng phong phú của thị giác, thính giác, xúc giác ...
Thơ-Phù phép gồm 21 bài, trong đó có một số kiệt tác của Valéry: Những bước chân (Les Pas) miêu tả những giây phút hào hùng, thiêng liêng đợi chờ người yêu trở về, đợi chờ thi hứng; Thánh ca về những cột đền cổ đại (Cantique des Colonnes) ca ngợi cái đẹp tổng hợp và hài hòa của kiến trúc, nhạc, múa, thơ, toán học. Đoạn trích (trong Fragments du Narcisse) về những băn khoăn trong cố gắng nhận thức bản thân, chướng ngại giữa cái riêng và cái chung; Phác họa một con rắn (Ebauche d’un Serpent) về sức hấp dẫn của tri thức; Lá cọ (Palme) chờ đợi quả chín rụng, biểu tượng phần thưởng của tác phẩm với công phu lâu dài; Nghĩa địa bên biển cả (Le Cimetière Marin) tả biển cả và nghĩa địa thành phố quê hương Sète, sự biến động của biển và người, sự thất vọng và đau khổ, đối lập cái sống và cái chết, vận động và bất động, ánh sáng và bóng tối. Kết luận là: Gió đã nổi!... Cần cố thử sống (Le Vent se Léve!...Il Faut Tender de Vivre!).
Verne Jules (1828-1905) là nhà viết tiểu thuyết khoa học giả tưởng. Tác phẩm chính: Năm tuần trên khinh khí cầu (Cinq Semaines en Ballon, 1863), Từ Trái đất lên Mặt trăng (De la Terre à la Lune, 1865), Hai vạn dặm dưới biển (Vingt Mille lieues sous les Mers, 1870), Vòng quanh thế giới trong 80 ngày (Le Tour du Monde en 80 Jours, 1873), Michel Strogoff (1876).
Từ Trái đất lên Mặt trăng là cuốn tiểu thuyết phiêu lưu đượm màu hài hước. Một câu lạc bộ của pháo binh bắn lên Mặt trăng một viên đạn khổng lồ. Trong chiếc tàu vũ trụ có tiện nghi như toa xe lửa ấy, có ba nhà thám hiểm đi phiêu lưu.
Trong bốn ngày, họ gặp nhiều chuyện thú vị: khi vào quỹ đạo Mặt trăng, chai cốc nổi trong không khí do mất trọng lượng, một sao băng làm chệch đường bay, khiến cho viên đạn khổng lồ rơi xuống Thái Bình Dương. Các nhà du hành được một chiếc tàu quân sự vớt lên.
Nhà thơ Villon François. |
Villon François (khoảng 1431-sau 1463) là nhà thơ lớn cuối cùng của thơ ca Trung cổ Pháp, ông có cuộc đời giang hồ, đau khổ và hối hận.
Tác phẩm chính: Chúc thư nhỏ (Le Petit Testamant, 1456), Chúc thư lớn (Le Grand Testament, 1462).
Chúc thư lớn là tác phẩm thơ gồm 173 khúc, có lồng vào những bài thơ trữ tình, bài thể ballad... Thể thơ “Chúc thư” rất thịnh hành vào thời Villon.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Villon tiếp tục cuộc đời trác táng, du đãng, giết người, trộm cắp, nhiều lần ở tù, suýt bị treo cổ, được ân xá và bị đi đày. Chúc thư lớn là thơ luyến tiếc, tâm sự, lâm ly, nụ cười pha nước mắt. Villon nhìn lại cuộc đời uổng phí, suy nghĩ về cái chết.
Cuộc đời và thơ của Villon thể hiện một tâm hồn nhạy cảm, nhân đạo nhưng yếu đuối. Phần một của thi phẩm (khúc 1-70): gợi lại chuyện ở tù, thời thanh niên trác táng, thời gian trôi, cái chết không từ ai.
Nổi tiếng nhất có bài Ba-lat về những phụ nữ thuở trước, với điệp khúc “Tuyết năm xưa còn đâu?”
Trong phần hai, Villon để lại những bài thơ, giọng hài hước, có khi rợn người khi nói về cái chết. Thơ của Villon rất hay về tứ và âm điệu, đến nay vẫn sinh động, có ảnh hưởng đến thơ thế kỷ XIX-XX.