Nhà thơ Vigny Alfred de. |
Vigny Alfred de (1797-1863) là nhà thơ lãng mạn (sự cô đơn của thiên tài, chủ nghĩa khắc kỷ và kiêu kỳ).
Tác phẩm chính: Thơ cổ và kim (Poèmes Antiques et Modernes, 1816-1837), Những thần số mệnh (Les Destinées, 1864), Xanh Marx (Cinq-Mars, 1826, tiểu thuyết), Cái nhục và cái vinh của binh nghiệp (Servitude et Grandeur Militaires, 1835), Chatterton (1835).
Những thần số mệnh là tập thơ xuất bản sau khi Vigny chết, mang phụ đề là Thơ triết lý, gồm 11 bài. Tác phẩm sử dụng biểu tượng phản ánh tư tưởng bi quan khắc kỷ, tin tưởng vào tiến bộ và sự giải phóng ý thức và trí tuệ con người.
Có nhiều bài nổi tiếng. Tập thơ bắt đầu bằng bài Những thần số mệnh: Đức Chúa trời đã giải thoát cho con người khỏi những thần Số mệnh, nhưng con người vẫn bị chi phối bởi Ân Chúa nghiệt ngã; Nhà của người chăn chiên: nhà thơ rủ người yêu xa lánh nơi phồn hoa, đến cùng ở với mình trong chiếc nhà di động của người chăn chiên; người phụ nữ yếu đuối và đau khổ, phải được chăm sóc; thiên nhiên tuy đẹp nhưng dửng dưng.
Thơ phải ca ngợi những thành tựu của lý trí; Cơn giận của Samson: tình nhân cắt tóc của Samson trong khi chàng ngủ, khiến chàng mất hết sức lực và bị bắt. Samson giận dữ lay cột khiến ngôi đền sụp đổ chôn vùi tất cả mọi người; Cái chết của chó sói: chó sói bị đâm chết, không thèm kêu xin; Núi cây Oliver: đêm trước khi bị hành hình, Chúa Jésus băn khoăn hỏi Chúa Cha, nhưng không được trả lời; Cái chai ném xuống biển: người thuyền trưởng ghi vào nhật ký những điều khám phá ra được trước khi tàu đắm. Bài thơ kết thúc là Tinh thần thuần khiết.
Cinq-Mars là cuốn tiểu thuyết lịch sử, qua đó tác giả, một đại diện của quý tộc, nói lên tinh thần tự hào của giai cấp mình và thái độ bất khuất trước chính sách quân chủ chuyên chế, tước hết tự do và đặc quyền. Câu chuyện xảy ra ở triều đình Pháp và thế kỷ XVII. Hầu tước Cinq-Mars âm mưu lật đổ Tể tướng là Hồng y giáo chủ Richelieu.
Chàng cũng hy vọng làm việc đại nghĩa để có thể lấy được một tôn nữ họ vua là Marie. Chàng hy vọng dựa vào sự ủng hộ của Hoàng hậu và phe Tây Ban Nha để khởi sự, không ngờ, âm mưu bại lộ. Hoàng hậu rút lui, tôn nữ Marie phân vân trong tình yêu. Cinq-Mars tự nộp mình và bị xử tử cùng bạn là De Thou. Marie được tin ngất đi và sau lấy vua Ba Lan.
Cái nhục và cái vinh của binh nghiệp là tập truyện nói lên nỗi cực của người theo nghề binh, bị xã hội bạc đãi (cũng như nhà thơ). Chiến tranh là một tai họa, người lính phải tuân lệnh một cách mù quáng, nhiều khi phải tự đấu tranh để thi hành lệnh, đó là cái cao cả vinh quang.
Trong truyện Laurette hay Dấu ấn đỏ, một sĩ quan hải quân ra khơi mở thư đọc lệnh của chính phủ cách mạng: ông phải bắn một thanh niên trên tàu, rất dễ mến. Ông bắn xong, chăm sóc người vợ trẻ đi cùng chồng. Cuộc gặp mặt buổi tối ở Vincennes: một người đội già quá ư cẩn thận, đi kiểm tra từng viên đạn pháo trước khi ra quân; kho đạn nổ, bác chết.
Chiếc gậy bằng sậy hay cuộc sống và cái chết của đại úy Renaud: đại úy Renaud phục vụ qua nhiều chế độ, luôn luôn hoàn thành những nhiệm vụ nguy hiểm mà âm thầm (có lần bị Anh bắt, hứa danh dự là không trốn tù, do đó binh nghiệp bị đứt đoạn dài; có lần tấn công, ông giết một đứa trẻ 14 tuổi, ông chết ở bệnh viện, chán ngán, nhưng tâm hồn thanh thản).
* * *
Nhà văn Yourcenar Marguerite. |
Yourcenar Marguerite (1903-1987) gốc Bỉ, quốc tịch Mỹ, gia đình quý tộc đại tư sản, là nhà văn nữ đầu tiên được vào Viện Hàn lâm Pháp; hiểu biết uyên thâm về văn hóa cổ Hy Lạp-La Mã, bà lấy tâm tư suy nghĩ của mình thông cảm với người xưa, nói việc xưa để phản ánh việc nay và các vấn đề muôn thuở, do đó, tiểu thuyết vừa cổ điển vừa hiện đại, bố cục chặt chẽ, văn trong sáng, chính xác.
Tác phẩm chính: Hồi ký Hoàng đế d’Hadrien (Mémoires d’Hadrien, 1951), Giai đoạn cuối của luyện chất (L’eovre au Noir, 1968).
Hồi ký Hoàng đế d’Hadrien là cuốn tiểu thuyết lịch sử, tái tạo nhân vật Hoàng đế La Mã Hadrien, một người có văn hóa, thích nghệ thuật, chấp nhận trách nhiệm thần minh trao cho trị vì và chấp nhận cái chết, suy nghĩ về hưng phế của các nền văn minh.
Hoàng đế Hadrien rất thông minh và tỉnh táo, bỏ qua một phần những đất ruộng đã chiếm được nhưng khó giữ, sau khi ông hoàn thành chiến dịch châu Á cùng Hoàng đế trước là Trajan.
Ông đi kinh lý không mệt mỏi để củng cố Đế chế. Trị quốc giỏi, thạo về pháp luật, ông đã thiết lập và cải thiện cơ cấu kinh tế và luật pháp. Yourcenar thành công trong việc làm sống lại một cách sinh động một con người chết cách đây đã 18 thế kỷ.
Độc giả chú ý theo dõi, như qua lời tâm sự bên tai, những năm tháng thời thanh niên của Hadrien, lòng ham thích văn hiến Hy Lạp, tình bạn đối với Hoàng hậu Trajan, nhưng phân vân khi sắp lên ngôi, nỗi thất vọng khi một bầy tôi yêu quý tự tử... Khi Hadrien đã có tuổi, ông suy nghĩ nhiều về con người, đề cập đến nhiều vấn đề, văn phong buồn bã mà bình thản.