Trong đó, 4 cuộc bắt đầu khai mạc trong ngày hôm nay bao gồm: Hội nghị mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC) do Bộ Ngoại giao chủ trì; Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) – Đối thoại chính sách thương mại về xác định các thành tố nhằm tạo thuận lợi cho thương mại số do Bộ Công thương chủ trì; Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) với Hội thảo về tăng cường Bảo trợ Xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì; Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) và Đào tạo quản lý dự án do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì.
Các cuộc họp, đối thoại tiếp theo các ngày làm việc trước bao gồm: Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) với Cuộc họp kỹ thuật của Diễn đàn quản lý rượu; Đối thoại về công nghiệp ô tô lần thứ 26 (AD26); Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC): Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm (FSCF); Mạng lưới Viện Đào tạo Đối tác (PTIN) – Hội nghị giới hạn dư tối đa; Tiểu ban về tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC) Diễn đàn hợp tác an toàn thực phẩm (FSCF); Mạng lưới Viện Đào tạo Đối tác (PTIN) – Họp ban chỉ đạo; Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG): Hội thảo về Kế hoạch hành động của Chiến lược giáo dục APEC; Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI).
Các cuộc họp, hội thảo, đối thoại đã thu hút sự tham gia của đông đảo chính khách, các nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phát triển thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC.
Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội nghị ASCC ngày 12/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phát triển mạng lưới nghiên cứu APEC
Tại phiên khai mạc Hội nghị ASCC, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, kể từ khi thành lập năm 1993, mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC luôn đóng một vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu trong khu vực. Đặc biệt, các học giả trong khu vực luôn tiên phong khởi xướng các ý tưởng mới, góp phần định hướng tầm nhìn và mục tiêu của APEC.
“Trong vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam mong muốn ASCC sẽ tiếp tục đóng góp tích cực và cụ thể hơn vào các kết quả lớn của APEC 2017, đặc biệt là việc định hình APEC hướng tới 2020 và tương lai”, Chủ tịch SOM APEC 2017 nhấn mạnh.
Cũng tại phiên khai mạc, Ông Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao, đã có bài phát biểu chào mừng các đại biểu đến tham dự Hội nghị, đề cao đóng góp thiết thực của 61 viện nghiên cứu thành viên của mạng lưới đối với hợp tác APEC, và bày tỏ mong muốn các thảo luận tại Hội nghị sẽ góp phần vào tăng trưởng bền vững, bao trùm và tự cường của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hội nghị ASCC sẽ tập trung vào 3 nội dung chính: Làm rõ các xu hướng đang nổi lên ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có tác động sâu sắc tới hợp tác APEC; Xác định những động lực để thúc đẩy hợp tác APEC và vai trò của Diễn đàn trong tình hình mới; Đề xuất các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, phát triển nguồn nhân lực và khuyến khích sáng tạo, làm sâu sắc hơn liên kết khu vực cũng như tăng cường năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Những khuyến nghị tại Hội nghị này là những đóng góp có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, vào thời điểm APEC đang hướng tới một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương trong đó người dân và doanh nghiệp có vai trò trung tâm.
Vì mục tiêu “Không ai bị để lại phía sau”
Tại Hội thảo về tăng cường Bảo trợ Xã hội, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang là xu thế lớn trên toàn cầu, với động lực là phát triển về khoa học – công nghệ. Trong bối cảnh đó, giáo dục, đào tạo kỹ năng và an sinh xã hội là những vấn đề thu hút sự quan tâm của tất cả các nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm ngày 12/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
“An sinh xã hội là một khoản đầu tư vào con người và vào phát triển kinh tế xã hội lâu dài. Với khẩu hiệu “Không ai bị để lại phía sau” được khẳng định tại Chương trình nghị sự về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc tới năm 2030, cần phải có một sự thống nhất giữa các nước châu Á - Thái Bình Dương để đảm bảo các quyền về an sinh xã hội trong các thể chế quốc gia và các khuôn khổ hợp tác khu vực”, ông Diệp khẳng định.
Với mục tiêu đó, Hội thảo nhằm thảo luận về những cơ hội và thách thức trong giáo dục và đào tạo nghề, an sinh xã hội trong bối cảnh số hoá và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ; tìm ra những hành động ưu tiên trong hợp tác của APEC nhằm giải quyết những thách thức này và thúc đẩy việc áp dụng các khung trình độ quốc gia, công nhận kỹ năng lẫn nhau cho lao động bậc trung và bậc cao cũng như các giải pháp an sinh phù hợp cho các nền kinh tế.
Tăng cường hiệu quả của thương mại số
Cuộc họp Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) – Đối thoại chính sách thương mại về xác định các thành tố nhằm tạo thuận lợi cho thương mại số thảo luận những chính sách phát triển thương mại số trong tương lai cũng như những thành tố nhằm tạo thuận lợi cho thương mại số trong khu vực APEC.
Phát biểu khai mạc phiên họp, ông Kenneth Schagrin, Trợ lý Đại diện Thương mại APEC của Mỹ đã nêu tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong thời đại thương mại số. Bước vào Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, công nghệ thông tin đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho việc quản lý thương mại, mà còn hỗ trợ nhiều ngành khác như môi trường và nông nghiệp...
Đoàn Chủ tịch tại Hội nghị ASCC ngày 12/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Phiên họp bắt đầu với cuộc thảo luận về bài nghiên cứu của Cơ quan hỗ trợ nghiên cứu chính sách (PSU) với chủ đề “Thúc đẩy thương mại số vì một tăng trưởng bao trùm”. Bài nghiên cứu của PSU nhấn mạnh các chính sách hiện nay có nguy cơ làm giảm hiệu quả của internet, vì vậy các nhà hoạch định chính sách của APEC cần phải đặc biệt lưu ý vấn đề này. Nghiên cứu đưa ra những cơ hội và thách thức mà thương mại số mang lại cũng như các yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế số. Theo đó, các yếu tố quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng, bao gồm cả vật chất, con người và thể chế. Sự tương tác của 3 yếu tố này có vai trò quan trọng, đặc biệt với các nền kinh tế đang phát triển trong APEC.
Từ ngày 9 - 21/5, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và các cuộc họp liên quan, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại APEC lần thứ 23 (MRT 23).
Các hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu nửa chặng đường của Năm APEC Việt Nam 2017, và có vai trò then chốt trong việc triển khai các sáng kiến cụ thể hóa các ưu tiên của Năm APEC 2017, đồng thời định hướng việc chuẩn bị nội dung và các văn kiện sẽ được trình lên Lãnh đạo các nền kinh tế và các Bộ trưởng APEC thông qua vào tháng 11 tới tại thành phố Đà Nẵng.