TIN LIÊN QUAN | |
APEC 2017: Công tác y tế sẵn sàng phục vụ SOM 2 | |
Khởi động các cuộc họp đầu tiên của SOM 2 APEC 2017 |
Ngày 9/5, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (SOM 2) và các cuộc họp liên quan bước vào ngày làm việc đầu tiên. Bên lề hội nghị, đại diện đến từ các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung trên.
Các đại biểu tham dự cuộc họp Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Thúc đẩy vai trò của phụ nữ
Ông Fredrick Mahuru Tamarua, đại biểu đến từ Papua New Guinea cho rằng phụ nữ đóng vai trò quan trọng đối với tất cả nền kinh tế thành viên APEC. Sự tham gia của phụ nữ vào APEC là thực sự cần thiết cho tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như toàn cầu, đặc biệt là đối với việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Theo ông Tamarua, liên quan đến chính sách về phụ nữ và kinh tế, chủ nhà Việt Nam cần giải quyết vấn đề về phụ nữ và tăng trưởng bền vững cùng nhiều vấn đề khác nhằm thúc đẩy phụ nữ phát triển trong APEC.
Đại biểu Yong Shik Choi (Hàn Quốc) cho rằng vai trò của phụ nữ đối với phát triển đang được cải thiện mạnh mẽ tại châu Á cũng như các nền kinh tế thành viên APEC.
Ông Yong Sik Choi - đại biểu Hàn Quốc chia sẻ bên lề cuộc họp. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
"Hàn Quốc muốn chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy quyền, vai trò của phụ nữ trong xã hội với các quốc gia khác bởi Hàn Quốc là đất nước của công nghệ và sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nhiều công ty trong lĩnh vực công nghệ của Hàn Quốc đều dành vị trí lãnh đạo quan trọng cho phụ nữ," ông Choi cho hay.
Ông Yong Shik Choi bày tỏ phụ nữ Việt Nam sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn nữa vào sự phát triển kinh tế-xã hội. Hàn Quốc và Việt Nam là những đối tác quan trọng của nhau và có sự hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ. Bộ Bình đẳng giới và Gia đình của Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thành công từ hệ thống quản lý chính sách của mình với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam. Trong 5 năm qua, Hàn Quốc đã hỗ trợ 3 trung tâm đào tạo phụ nữ ở Việt Nam và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nghề...
Giảm thiểu rào cản trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
Theo ông Lê Anh Ngọc, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một trong những nội dung quan trọng mà Việt Nam trình bày trong khuôn khổ SOM 2 và các cuộc họp liên quan là tổng quan về xuất nhập khẩu, công tác quản lý nông, lâm, thủy sản.
Đề xuất của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam là các hội nghị sẽ đưa ra những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong khâu giấy tờ, chứng thư kèm theo các lô hàng đối với các đối tác là các nền kinh tế thành viên APEC cũng như giải pháp kèm theo. Cùng với đó, các bên cũng thảo luận với mục tiêu hỗ trợ tăng cường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp đối tác.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu thủy, hải sản lớn. Vì vậy, trong khuôn khổ các cuộc làm việc lần này, ông Ngọc cho biết Việt Nam mong muốn tìm được các đối tác cụ thể trong lĩnh vực thủy, hải sản nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung; các cơ quan có thẩm quyền để có thể trao đổi thuận lợi hơn, góp ý trực tiếp với các đối tác; có giải pháp xử lý, giảm thiểu các rào cản trong lĩnh vực xuất nhập khẩu một cách trực tiếp, nhanh chóng.
Các đại biểu tham dự các cuộc họp trong khuôn khổ SOM 2 sáng 9/5. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Hợp tác an toàn thực phẩm
Đối với vấn đề hợp tác an toàn thực phẩm được bàn luận tại Hội thảo Giấy chứng nhận xuất khẩu, ông Micheal Choi thuộc Ban Chính sách nông nghiệp, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong SOM 2 và các cuộc họp liên quan là nhằm thắt chặt hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường quan hệ thương mại, trong đó có lĩnh vực thực phẩm.
Theo ông Micheal Choi, điều quan trọng là các nền kinh tế thành viên APEC một mặt phải đảm bảo sự cân bằng giữa việc tạo thuận lợi, thông thoáng trong các hoạt động thương mại, các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; mặt khác phải bảo vệ sức khỏe con người và động, thực vật. Nhiều quốc gia có quy định rất chặt chẽ về nhập khẩu thực phẩm để đảm bảo sức khỏe của người dân.
Vì thế, muốn thâm nhập vào các thị trường khó tính, các nền kinh tế thành viên APEC cần vượt qua nhiều hàng rào thương mại. "Trên thực tế, mỗi quốc gia đều có quy định riêng về giấy chứng nhận xuất khẩu. Thực phẩm được xuất khẩu sang thị trường nào đều phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể của thị trường đó. Hiện nay, xuất khẩu thực phẩm đang có xu hướng gia tăng trên toàn cầu. Các nền kinh tế thành viên APEC cũng cần một môi trường kinh doanh công bằng, cởi mở đối với tất cả các nền kinh tế trong khu vực APEC", ông Micheal Choi cho hay.
Tại Hội thảo Giấy chứng nhận xuất khẩu do Tiểu ban về Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC), Diễn đàn Hợp tác An toàn thực phẩm (FSCF) và Mạng lưới hợp tác các viện đào tạo (PTIN) đồng tổ chức, các đại biểu đã tập trung thảo luận vấn đề giấy chứng nhận xuất khẩu và vai trò của giấy chứng nhận xuất khẩu trong việc thúc đẩy buôn bán thực phẩm an toàn trong khu vực APEC.
Các đại biểu nhất trí đề cập đến những đánh giá và báo cáo của các nền kinh tế thành viên trong việc thực hiện các nguyên tắc cấp giấy chứng nhận được Ủy ban kiểm tra xuất nhập khẩu thực phẩm và hệ thống chứng nhận đề ra; xác định các thiếu sót và thách thức trong việc thực hiện các nguyên tắc của Ủy ban; tiếp tục đối thoại về việc sử dụng các sáng kiến nhằm cải thiện công tác thông tin tuyên truyền liên quan đến giấy chứng nhận xuất khẩu.
APEC 2017 thúc đẩy phân bổ đồng đều lợi ích toàn cầu hóa Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bản tin APEC, khi nói về vấn đề giảm thiểu các thách thức đang nổi lên trong quá trình ... |
49 cuộc họp trong khuôn khổ SOM2 APEC 2017 Từ 9 – 21/5, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị lần thứ 2 các quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM2) và các ... |