Chiếm lĩnh thị trường toàn cầu
Vượt qua những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc trực tuyến như Apple Music, Google Music, Tidal, Spotify hiện đang chiếm lĩnh thị trường với 71 triệu tài khoản. Nhưng ít ai biết rằng cách đây 12 năm, Spotify được "phôi thai" trong một căn phòng nhỏ tồi tàn tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển, khi hai chàng trai trẻ tuổi Daniel Ek và Martin Lorentzon nảy ra ý tưởng tạo nên một nền tảng phát nhạc trực tuyến hợp pháp với mức giá phải chăng.
Spotify là tên viết tắt của "spot" và "identify", ban đầu được thiết kế dành riêng cho máy tính để bàn, một năm sau đó dùng được trên Mac và năm 2008 đánh dấu sự ra đời của ứng dụng Spotify trên điện thoại.
Chính sự sáng tạo không ngừng, đam mê và nhạy bén với sự thay đổi của công nghệ, hai chàng trai Thụy Điển đã đưa một ứng dụng phát nhạc trực tuyến trả tiền vượt ra khỏi phạm vi của một nước Bắc Âu lạnh giá đến với các quốc gia khác.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP) |
Chưa đầy một năm sau, Mark Zuckerberg, ông chủ của đế chế mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, phải thốt lên trên trang cá nhân rằng "Spotify rất tuyệt". Quả nhiên, những nhận định của Zuckerberg không sai và sự lớn mạnh nhanh chóng của Spotify đã thôi thúc cha đẻ Facebook mời Daniel và Martin đến vườn nhà để trao đổi về việc tích hợp hai sản phẩm này.
Cũng cần kể đến ở đây, tại thời điểm 2011, Facebook đã trở thành trang web được truy cập nhiều thứ 2 thế giới chỉ sau Google. Như hổ mọc thêm cánh, Spotify thâm nhập thị trường Mỹ và không ngạc nhiên khi số lượng người dùng trả phí đã tăng gấp 5 lần (từ 1 triệu lên 5 triệu) ngay sau đó. Hàng loạt gói hỗ trợ sinh viên, giảm giá gia đình và kết hợp với các dịch vụ như UBER đã đưa quỹ âm nhạc 30 triệu bài hát của Spotify đến mọi ngóc ngách của cuộc sống.
Vua nhạc trực tuyến Thụy Điển gây tranh cãi
Mặc dù phát triển mạnh mẽ và được ưa chuộng ở hầu khắp các quốc gia, Spotify từng bị các nghệ sĩ chỉ trích vì mức chia lợi nhuận không công bằng. Thay vì nhận tiền theo sản phẩm âm nhạc, các ca sĩ sẽ được trả theo lượt phát (trung bình khoảng 0,03 Euro). Công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift từng hủy hợp đồng và rút các bài hát của mình khỏi danh sách phát năm 2014, nhưng buộc phải quay lại sau 3 năm vì không muốn đánh mất lượng người nghe khổng lồ trên toàn cầu.
Ngoài ra, Spotify còn bị mang tiếng là chịu sự thao túng của chính người sáng lập. Daniel Ek nói rằng ứng dụng này muốn "dân chủ hóa" nền âm nhạc nhưng trên thực tế, thống kê cho thấy nội dung âm nhạc chủ yếu được lấy từ bốn nhãn hiệu âm nhạc hàng đầu thế giới. Giá trị công ty hiện tại đã lên đến mức 23 triệu USD, nhưng giới phân tích đều cảnh báo những nhà đầu tư đang "nhăm nhe" miếng mồi ngon hãy sẵn sàng cho một chuyến đi không mấy bằng phẳng trong tương lai.
Spotify sẽ phải cạnh tranh với các trang nghe nhạc trực tuyến miễn phí tại Việt Nam như Zing Mp3, Nhaccuatui... (Nguồn: canthotv) |
Không thể khẳng định trước thành công hay thất bại của Spotify tại thị trường Việt Nam, bởi bên cạnh việc chiếm được cảm tình và sự yêu mến, họ còn phải tiếp cận nhóm khách hàng chưa có thói quen nghe nhạc trả phí. Dự kiến mức giá hàng tháng cho một tài khoản tại Việt Nam sẽ là 59.000 VNĐ, cạnh tranh với những ứng dụng quen thuộc như Zing Mp3, Nhaccuatui và nhiều ứng dụng miễn phí khác.
Dù gây nhiều tranh cãi và những diễn biến không thể đoán trước được khi thâm nhập thị trường Việt Nam, Spotify vẫn đang ở thế thắng. Như lời của nhóm nhạc huyền thoại ABBA để nói về sản phẩm Thụy Điển đang chiếm lĩnh toàn cầu này "Winner takes it all"(tạm dịch: Người thắng sẽ lấy cả).