📞

Sử dụng trí tuệ nhân tạo làm 'sống lại' các thần tượng đã qua đời

Trung Hiếu 13:40 | 28/09/2022
Một nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hình dung những người nổi tiếng đã qua đời sẽ trông như thế nào nếu họ hiện nay vẫn còn sống.
Hình ảnh giả tưởng Công nương Diana và ca sĩ Michael Jackson do Alper Yesiltas dùng AI tạo nên. (Nguồn: Indiatimes)

Alper Yesiltas, một luật sư kiêm chuyên gia công nghệ thông tin người Thổ Nhĩ Kỳ, đã sử dụng công nghệ AI để tạo nên bộ hình ảnh của một số người nổi tiếng quá cố, bao gồm Công nương Diana, các ca sĩ Michael Jackson, Freddie Mercury, Amy Winehouse và những người khác.

Bộ hình ảnh này được đặt tên là “Như chưa có gì từng xảy ra”, bao gồm ảnh của các thần tượng mà anh Yesiltas hâm mộ nhất.

Chuyên gia công nghệ thông tin này đã trở nên nổi tiếng khi chia sẻ hình ảnh của Công nương Diana vài ngày sau khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời.

Hình ảnh cho thấy Công nương với mái tóc bạc và nhiều nếp nhăn, đang nhìn về phía máy ảnh với đôi mắt biểu cảm, mặc một chiếc áo sơ mi trắng đơn giản và cài kính râm trên đầu.

Công nương Diana đã qua đời ở tuổi 36 vào năm 1997, tức là 61 tuổi vào ngày nay nếu bà còn sống.

Bộ hình ảnh còn có Heath Ledger, nam diễn viên được biết đến với vai Joker trong phim Hiệp sĩ bóng tối của đạo diễn Christopher Nolan. Ledger qua đời ở tuổi 28 vào năm 2008, tức là ngày nay 43 tuổi. Hình ảnh giả tưởng trông rất chân thực, với các nếp nhăn và ánh sáng tự nhiên.

Để tạo ra những bức ảnh này, anh Yesiltas đã sử dụng một loạt phần mềm, như Remini tăng cường hình ảnh để có được độ lão hóa cần thiết cho hình ảnh nhân vật, Adobe Lightroom và VSCO để có được ánh sáng, màu sắc phù hợp.

Các thần tượng khác được kỹ sư người Thổ Nhĩ Kỳ tạo dựng hình ảnh bao gồm rapper Tupac Shakur và diễn viên Paul Walker của loạt phim Fast and Furious.

Trong danh sách này còn có các nhạc sĩ, ca sĩ huyền thoại như Freddie Mercury, John Lenon, Amy Winehouse và Michael Jackson.

Anh Yesiltas giải thích: “Khi tôi bắt đầu mày mò với công nghệ, tôi tự hỏi mình có thể làm gì và điều gì sẽ khiến tôi hạnh phúc nhất. Tôi muốn gặp một số người mà tôi đã không có cơ hội được gặp họ, và từ đó mà dự án này được thực hiện”.

“Phần khó nhất của quá trình sáng tạo đối với tôi là làm sao cho hình ảnh mang lại cảm giác chân thật. Tôi thích nhất là khi được thấy hình ảnh trước mặt tôi trông chân thực như thể nó được một nhiếp ảnh gia chụp.

Tôi sử dụng các chương trình phần mềm khác nhau. Thời gian để tôi tạo ra một bức ảnh hoàn chỉnh và mang lại cảm giác 'thật' cũng khác nhau", vị luật sư cho biết thêm.

(theo Indiatimes)