Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua:
Mỹ-Anh–Australia thành lập liên minh AUKUS
Ngày 16/9, ba nước Mỹ, Anh và Australia tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác an ninh mới có tên AUKUS. Ba bên đều cam kết hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, cơ sở công nghiệp và chuỗi cung ứng liên quan đến an ninh và quốc phòng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson giới thiệu quan hệ đối tác an ninh, được gọi là AUKUS, ngày 15/ 9. (Nguồn: AP) |
Việc thiết lập AUKUS là một nỗ lực của Australia, Mỹ và Anh nhằm duy trì khả năng can dự và răn đe ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các cặp quan hệ song phương giữa ba nước với Trung Quốc vốn ở mức thấp trong thời gian qua.
Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định hợp tác quốc phòng AUKUS sẽ không đe dọa sự ổn định của khu vực.
Australia cho biết sẽ tìm cách phát triển 8 tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ quan hệ AUKUS. Theo đó, Australia sẽ là quốc gia thứ hai được Mỹ chia sẻ công nghệ chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Giới quan sát nhận định AUKUS được cho là nhằm đối phó các động thái mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tổng thống Joe Biden từ khi nhậm chức đã coi việc đối phó Trung Quốc là một trong những trọng tâm đối ngoại của Washington, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng có dấu hiệu leo thang.
Việc thành lập AUKUS nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ các nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, AUKUS sẽ làm tổn hại hòa bình khu vực, thúc đẩy chạy đua vũ trang và phá hoại Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Chỉ trích AUKUS, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho rằng Mỹ, Anh và Australia nên “từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh và định kiến về ý thức hệ”.
Trong khi đó, Pháp lên án Australia vì hủy bỏ thoả thuận đóng tàu ngầm với nước này. Sự ra đời của liên minh đã chấm dứt hợp đồng đóng tàu ngầm trị giá khoảng 65 tỷ USD mà Pháp ký với Australia từ năm 2016.
Malaysia và Indonesia cũng bày tỏ quan ngại rằng kế hoạch phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân của Australia có thể kích động chạy đua vũ trang trong khu vực.
New Zealand hoan nghênh việc tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới của Australia sẽ không được phép hoạt động trong vùng lãnh hải của nước này.
Pháp triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia
Ngày 17/9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Yves Le Drian thông báo nước này ngay lập tức triệu hồi các đại sứ để phản đối thỏa thuận AUKUS, trong đó có trao công nghệ tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Australia.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian. |
Ông Le Drian cho biết, mục đích của việc triệu hồi đại sứ là tham vấn và có lý do chính đáng vì Pháp thấy được “mức độ nghiêm trọng đặc biệt của các thông báo được đưa ra vào ngày 15/9 của Australia và Mỹ".
Một quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với CNBC, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thảo luận với những người đồng cấp Pháp về vấn đề triệu hồi Đại sứ Pháp tại Mỹ Philippe Etienne.
“Chúng tôi lấy làm tiếc vì họ đã thực hiện động thái này nhưng hai bên sẽ tiếp tục trao đổi trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt của chúng tôi, như đã làm ở những điểm khác trong suốt liên minh lâu dài của mình” quan chức này cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Pháp “là đối tác sống còn và là đồng minh lâu đời nhất” của Mỹ, và rằng Washington “đặt giá trị cao nhất cho mối quan hệ này”.
Washington hy vọng sẽ thảo luận với Pháp về vấn đề gây căng thẳng hiện nay ở cấp cao trong những ngày tới, kể cả trong thời gian diễn ra phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào tuần tới.
Ngày 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia nói rõ: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Pháp quyết định triệu hồi Đại sứ tại Australia. Australia coi trọng quan hệ với Pháp… Chúng tôi mong đợi tham dự với Pháp trong nhiều vấn đề cùng chung lợi ích và dựa trên những giá trị chung”.
Đại sứ quán Pháp tại Washington cũng đã hủy bỏ tiệc chiêu đãi kỷ niệm Trận chiến Virginia Capes năm 1781 của Pháp trước Anh, sự kiện góp phần giúp Mỹ giành độc lập.
Trung Quốc xin gia nhập CPTPP
Ngày 16/9, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã gửi đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đến người đồng cấp New Zealand Damien O'Connor. Hai bên đã bàn về quy trình tiếp theo qua điện thoại. Các tài liệu liên quan cũng đã được gửi kèm với đơn đăng ký.
Trung Quốc đã chính thức xin gia nhập CPTPP. |
New Zealand đóng vai trò là bên lưu chiểu cho CPTPP và chính phủ nước này chịu trách nhiệm xử lý những công việc hành chính cho cơ chế, bao gồm đơn xin gia nhập.
Đây được xem là một bước đi quan trọng của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng trên quy mô quốc tế. Nếu Trung Quốc gia nhập Hiệp định, khối thành viên CPTPP sẽ chiếm khoảng 25,5% dân số thế giới, 30% GDP toàn cầu và 28,7% thương mại toàn cầu.
Trong trường hợp Anh và Trung Quốc cùng tham gia, toàn khối CPTPP sẽ chiếm khoảng 26,4% dân số thế giới, 33,3% GDP và 31,7% thương mại toàn cầu.
Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP khiến nhiều quốc gia nghi ngờ về sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc tuân thủ các điều khoản trong Hiệp định. Trung Quốc và một số thành viên CPTPP hiện đang có tranh chấp thương mại, trong đó bao gồm Australia.
Ngày 18/9, Bộ trưởng Thương mại Australia Dan Tehan tuyên bố nước này sẽ phản đối việc Trung Quốc gia nhập CPTPP. Trung Quốc sẽ không thể tham gia cho đến khi Bắc Kinh thuyết phục được các thành viên rằng nước này sẽ tuân thủ đầy đủ các hiệp định thương mại đang có hiệu lực và đưa ra cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Triều Tiên và Hàn Quốc bắn thử tên lửa đạn đạo trong cùng một ngày
Ngày 15/9, cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều bắn thử tên lửa đạn đạo khiến căng thẳng trong khu vực leo thang.
Phía Bình Nhưỡng đã bắn những tên lửa đầu tiên vào ngày 15/9. Hai tên lửa được bắn vào vùng biển ngoài khơi phía Đông của Bán đảo Triều Tiên, mỗi quả được khai hỏa cách nhau 5 phút.
Hàn Quốc và Triều Tiên đồng loạt thử tên lửa trong một ngày. (Nguồn: KCNA) |
Chưa đầy ba giờ sau vụ thử, Seoul đã bắn một quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) từ tàu ngầm 3.700 tấn ROKS Dosan Ahn Changho.
Phía Hàn Quốc cho biết tên lửa đã bắn trúng mục tiêu, nhưng không công bố thêm chi tiết. Tên lửa được phóng khi tàu ngầm ở dưới mặt nước, bay theo lộ trình vạch sẵn và đánh trúng mục tiêu chính xác. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng có mặt trong cuộc thử nghiệm.
Sau lần thử này, Hàn Quốc trở thành nước thứ 7 trên thế giới có khả năng phóng SLBM từ tàu ngầm tự sản xuất, đồng thời là nước không sở hữu vũ khí hạt nhân đầu tiên làm được điều này.
Truyền thông Hàn Quốc cho biết mẫu SLBM của nước này được đặt tên là Hyunmoo 4-4, phát triển từ dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật Hyunmoo-2B và có tầm bắn khoảng 500 km.
Việc Hàn Quốc và Triều Tiên đồng loạt tiến hành các vụ thử nghiệm tên lửa có khả năng liên quan đến các cuộc hội đàm giữa quan chức trong khu vực về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các vụ thử tên lửa diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Hàn Quốc và các quan chức cấp cao có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Seoul.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide kịch liệt lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, gọi đây là “hành động thái quá” và là mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đã triệu tập cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia sau vụ phóng trên.
Iran gia nhập tổ chức an ninh do Nga và Trung Quốc đứng đầu
Ngày 17/9, Iran chính thức được công nhận là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong một tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 của tổ chức này tại Tajikistan.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Dushanbe, Tajikistan, ngày 17/9. (Nguồn: Reuters) |
Được thành lập vào năm 2001, SCO hiện có 9 thành viên bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan, Ấn Độ, Pakistan và mới đây nhất là Iran. Trước đó, Iran đã giữ vị trí quan sát viên của tổ chức này trong 15 năm.
Phát biểu trước các nhà lãnh đạo SCO tại Hội nghị vừa qua, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cho biết nước này mong muốn có được mối quan hệ chặt chẽ hơn với các láng giềng trong khu vực và chống lại “chủ nghĩa đơn phương”.
Ông cũng so sánh các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Tehran với hành vi khủng bố, và kêu gọi SCO tạo ra một cơ chế giúp Iran hạn chế tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt này.
Cũng theo Tổng thống Raisi, các lợi thế về địa chính trị, tài nguyên, nhân lực và văn hoá của Iran sẽ mang lại động lực lớn lao cho các kế hoạch phát triển tại khu vực, trong đó có Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Pháp tiêu diệt thủ lĩnh IS tại khu vực Sahara
Tổng thống Emmanuel Macron ngày 15/9 cho biết, các lực lượng quân đội Pháp đã tiêu diệt Adnan Abu Walid al-Sahrawi, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở vùng sa mạc Sahara.
Adnan Abu Walid al-Sahrawi, thủ lĩnh của IS ở Sahel, Tây Phi. (Nguồn: Australian) |
Al-Sahrawi là người đứng đầu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Đại sa mạc Sahara (ISGS), nhóm khủng bố đứng sau nhiều vụ tấn công đẫm máu tại Mali, Niger và Burkina Faso.
Vào tháng 8/2020, tên này đã ra lệnh sát hại 6 nhân viên thiện nguyện người Pháp và lái xe người Niger của nhóm này. Al-Sahrawi cũng từng chịu trách nhiệm cho vụ tấn công khiến 4 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ và 4 quân nhân Niger thiệt mạng vào năm 2017.
Theo Tổng thống Macron, đây là một thành công lớn của Pháp trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố ở khu vực Sahel tại Tây Phi.
Tháng 6 năm nay, Pháp đã thông báo sẽ giảm sự hiện diện quân sự của mình tại vùng Sahara để tập trung vào việc hỗ trợ cho các lực lượng địa phương.
Tòa Hình sự Quốc tế điều tra cuộc chiến chống ma túy của Philippines
Toà Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 15/9 đã chính thức cho phép mở cuộc điều tra toàn diện về cuộc chiến chống ma túy tại Philippines do Tổng thống Rodrigo Duterte khởi xướng.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. |
Được tiến hành ngay sau khi ông Duterte nhậm chức vào năm 2016, cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi này đang đứng trước những cáo buộc về tội ác chống lại nhân loại. Trong chiến dịch này, cảnh sát Philippines có toàn quyền nổ súng tiêu diệt các đối tượng tình nghi buôn bán ma túy bị cho là gây đe dọa đến tính mạng của họ.
Sau khi xem xét bằng chứng đến từ ít nhất 204 nạn nhân, ICC nhận định chiến dịch với cái tên “cuộc chiến chống ma túy” của Tổng thống Duterte không thể được xem là một hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp, mà là “cuộc tấn công có hệ thống nhằm vào dân thường".
Philippines đã rút khỏi ICC từ năm 2018. Tuy nhiên, quy định của cơ quan này vẫn cho phép các công tố viên có thẩm quyền điều tra những vụ việc ở Philippines từ năm 2016 đến 2019, thời điểm nước này còn là thành viên ICC.
Trong một thông báo vào ngày 16/9, ông Salvador Panelo, cố vấn pháp lý của Tổng thống Duterte, đã chỉ trích quyết định “can thiệp vào công việc nội bộ Philippines” của ICC và khẳng định Manila sẽ không hợp tác điều tra.