Back to E-magazine
e magazine
17:59 | 22/12/2023
'Sứ mệnh' của Ngoại giao kinh tế

17:59 | 22/12/2023

Đồng hành với từng “nhịp đập”, “hơi thở của đất nước, ngành Ngoại giao thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác ngoại giao kinh tế, thích ứng với tình hình mới, nhằm tạo thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đồng hành với từng “nhịp đập”, “hơi thở của đất nước, ngành Ngoại giao thời gian qua đã chủ động, linh hoạt triển khai công tác ngoại giao kinh tế, thích ứng với tình hình mới, nhằm tạo thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

“Sứ mệnh” của Ngoại giao kinh tế

Đánh giá về quá trình hội nhập, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, chiến lược hội nhập của Việt Nam đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ từ giai đoạn Đổi mới, bắt đầu mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế cho tới giai đoạn hội nhập toàn diện, đánh dấu bằng sự ra đời của Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

“Những thành quả chúng ta đạt được, từ GDP đến đời sống người dân không thể tách rời quá trình hội nhập. Hội nhập mang lại sân chơi rộng lớn, giúp chúng ta nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu trước những biến động khó lường của thế giới. Trong đó, ‘cách chơi’ hội nhập của chúng ta gồm ba câu hỏi, ba chiều cạnh.

Một là, hội nhập để làm gì? Là để phát triển, học hỏi, vươn lên, đem lại lợi ích cho đất nước. Hai là, hội nhập bằng cách nào? Chúng ta hội nhập bằng luật, với việc tham gia rất nhiều hiệp định, cam kết; bên cạnh đó là bằng niềm tin, với rất nhiều đối tác chiến lược, cùng hợp tác, chia sẻ lợi ích. Ba là, hội nhập với ai? Việt Nam chủ trương làm bạn với tất cả, với những nước rất năng động trong khu vực, những thị trường lớn”, TS. Võ Trí Thành chỉ rõ.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, hội nhập không chỉ có “quả ngọt” mà còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thách thức đơn giản là sân chơi rộng thì không chỉ một mình chúng ta, mà phải cạnh tranh với nhiều người. Tiếp theo, các rủi ro không phải xuất phát từ chủ quan mà là những yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát.

Đó là những “cú sốc” bên ngoài, liên quan đến giá cả hàng hóa cơ bản, các chính sách vĩ mô của các nước (nhất là các nước phát triển), rủi ro về tài chính, những xung đột địa chính trị, quân sự…

Giữa bối cảnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị bài bản cả về nguồn lực, cách chơi, thể chế, cách phản ứng đối với các cú sốc bên ngoài. “Việc nâng cao sức mạnh nội sinh, nâng cao năng lực chống chịu không còn là câu chuyện ngắn hạn mà là câu chuyện dài hạn”, ông nói.

Nhận định về vai trò của công tác đối ngoại nói chung, công tác ngoại giao kinh tế nói riêng, TS. Võ Trí Thành khẳng định, việc đạt được những kết quả quan trọng trong công tác này góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi, ổn định cho phát triển kinh tế, thu hút các nguồn lực, được thể hiện rõ nét qua những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, thu hút đầu tư, sản xuất kinh doanh; đóng góp vào quá trình cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nguồn đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

“Hiện nay, Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc tham gia, thực thi các thoả thuận thương mại mà ngày càng chủ động hơn, cùng bắt tay với các nước thành viên xây dựng, thiết lập các luật chơi mới về thương mại quốc tế, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chất lượng cao…”, TS. Võ Trí Thành cho hay, đồng thời nhấn mạnh, Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, bắt đầu “chơi với những người chơi lớn” nên đòi hỏi “cách hành xử linh hoạt, phản ứng nhanh”, để không bị chậm, lỡ cơ hội. Có thể nói, ngành Ngoại giao đang phát huy vai trò quan trọng như một “người kết nối” Việt Nam với những “người chơi lớn”, nhà đầu tư lớn trên thế giới.

“Sứ mệnh” của Ngoại giao kinh tế

Thời gian qua, tại các diễn đàn, hội nghị, các Hiệp hội, đại diện các doanh nghiệp đều đánh giá cao vai trò của các Đại sứ quán, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và hoạt động ngoại giao kinh tế lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương là trung tâm phục vụ, thiết thực đóng góp vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Dựa trên những hiểu biết về thị trường, chính sách của thị trường các nước, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại mà còn giúp doanh nghiệp xử lý tranh chấp, đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại.

“Không chỉ góp phần xây dựng chính sách, cải thiện thể chế, tạo môi trường phát triển hoà bình, ổn định, thuận lợi, ngành Ngoại giao cần làm tốt vai trò kết nối, từ kết nối những con người cụ thể đến kết nối với những người chơi, nhà đầu tư lớn trên thế giới, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường, gia tăng đan xen lợi ích, phục vụ phát triển”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

“Sứ mệnh” của Ngoại giao kinh tế

“Sứ mệnh” của Ngoại giao kinh tế

Chia sẻ với TG&VN về những đánh giá về đóng góp của ngành Ngoại giao trong thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong năm 2023, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Các nhân tố gây ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế thế giới và hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm xung đột quân sự ở nhiều khu vực, cạnh tranh địa chính trị giữa các nền kinh tế lớn, áp lực lạm phát và ưu tiên thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát cao ở nhiều quốc gia dẫn tới giảm nhu cầu nhập khẩu (kể cả hàng Việt Nam), cùng với tác động nghiêm trọng và khó lường của biến đổi khí hậu…

Trong bối cảnh ấy, ngành Ngoại giao đã chủ động theo dõi tình hình kinh tế trong nước và thế giới để kịp thời kiến nghị các hoạt động đối ngoại cấp cao và các cấp phù hợp, cần thiết nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Cụ thể, ngành Ngoại giao đã tích cực tham mưu nâng cấp quan hệ với một số nước (Hoa Kỳ, Nhật Bản…), đồng thời làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác (Trung Quốc…), đa dạng hóa các quan hệ (phát triển quan hệ với các nước vùng Vịnh, các nước Mỹ Latinh…).

Ngành đã tham mưu Lãnh đạo cấp cao đóng góp tích cực, hiệu quả vào các diễn đàn lớn như ASEAN, APEC. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề xuất đăng cai APEC 2027; các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đánh giá cao và ủng hộ mạnh mẽ đề xuất của Việt Nam và nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11.

Chính phủ tiếp tục thúc đẩy tham gia và thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mới (ký kết FTA với Israel, đẩy nhanh đàm phán FTA với UAE…), tham gia thảo luận các sáng kiến mới trong đó có Khung khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), đàm phán các nội dung liên quan đến nâng cấp một số FTA của ASEAN. Lãnh đạo Chính phủ đã tham dự và đóng góp tại nhiều sự kiện, diễn đàn quốc tế quan trọng, qua đó góp phần củng cố hình ảnh tích cực về đất nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển năng động gắn với cải cách kinh tế sâu rộng.

Nhờ đó, hoạt động hợp tác quốc tế tiếp tục mở rộng và có chất lượng cao hơn, góp phần củng cố vị thế và uy tín quốc tế của đất nước. “Đặc biệt, ngành Ngoại giao đóng góp hiệu quả vào việc tìm kiếm thị trường và nguồn lực, trong đó có hỗ trợ cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đất nước. Hoạt động của ngành góp phần đẩy mạnh, nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả gắn với củng cố, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia hiệu quả, có chọn lọc các liên kết kinh tế quốc tế”, chuyên gia Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Ông Dương nhận định, những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2023 sẽ là nền tảng, động lực cho ngành Ngoại giao thực hiện tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới. Theo đó, ở góc độ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển, ngành Ngoại giao cần tập trung vào một số nội dung:

Thứ nhất, ngành cần làm tốt vai trò thông tin ở cả hai chiều: thông tin về Việt Nam đến bạn bè, đối tác trên thế giới; và thông tin cho các cơ quan, tổ chức trong nước về các xu hướng, diễn biến chính sách ở các nước đối tác có thể ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và thương mại của Việt Nam.

Trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục có những động thái chính sách có tác động nhanh, mạnh và lâu dài đối với đầu tư, chuỗi cung ứng, thì việc làm tốt công tác thông tin sẽ mang lại những lợi thế, cơ hội không nhỏ cho phát triển kinh tế nói chung và hợp tác về công nghệ, chuỗi cung ứng nói riêng của đất nước.

“Sứ mệnh” của Ngoại giao kinh tế

Thứ hai, ngành cần thực hiện tích cực hơn vai trò kết nối các cơ quan, tổ chức Việt Nam với các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.

Hoạt động kết nối, phối hợp thúc đẩy kết nối không chỉ giới hạn ở các hoạt động có liên quan mật thiết đến xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mà còn phải gắn với thúc đẩy hợp tác về khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa để phát triển không gian sống, không gian làm việc cho các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Đồng thời, ngành Ngoại giao cần gắn kết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, để mỗi người Việt Nam ở nước ngoài đều trở thành một “đại sứ” cho hàng hóa, thương hiệu Việt Nam.

Thứ ba, ngành cần thúc đẩy vai trò, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế. Hệ thống thương mại đa phương, hợp tác thương mại - đầu tư trong các khung khổ APEC, ASEAN… đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, bất định.

“Tuy vậy, chính trong bối cảnh ấy, sức sáng tạo, sự linh hoạt và kiên trì đóng góp xây dựng quy tắc thương mại - đầu tư quốc tế của các cơ quan Việt Nam, trong đó có ngành Ngoại giao, sẽ có nhiều không gian để phát huy hơn nữa!”, ông Dương khẳng định.

“Sứ mệnh” của Ngoại giao kinh tế

Trao đổi với TG&VN, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã ghi dấu ấn tích cực và đậm nét, cụ thể và thực chất trong thành quả của ngành Ngoại giao Việt Nam.

Theo ThS. Nguyễn Trần Minh Trí, thực tiễn thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục chứng tỏ lợi ích kinh tế là “cốt vật chất” trong mọi mối quan hệ quốc gia và quốc tế các cấp độ. Bởi vậy, ngoại giao kinh tế ngày càng có vai trò trọng tâm ưu tiên của các quốc gia trên thế giới. Ngoại giao Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó.

Với đường lối ngoại giao Việt Nam hiện đại, ngoại giao kinh tế là một trong 4 trụ cột của ngành Ngoại giao, có vị trí trung tâm, vai trò tiên phong, là nhiệm vụ xuyên suốt và ngày càng được quan tâm, chú trọng thúc đẩy triển khai quyết liệt, toàn diện nhằm tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng lần đầu tiên đề ra định hướng xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm, đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, phát triển và nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Đánh giá về hiệu quả công tác ngoại giao kinh tế do Bộ Ngoại giao triển khai trong thời gian qua, ThS Nguyễn Trần Minh Trí nhận định, thời gian qua, công tác NGKT đã ghi dấu ấn tích cực và đậm nét, cụ thể và thực chất trong thành quả ngoại giao của Việt Nam.

Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, ngoại giao vaccine đạt kết quả vượt kỳ vọng, giúp Việt Nam đi sau, về trước trong tiêm chủng và tạo cơ sở quan trọng, có ý nghĩa quyết định để đất nước chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh và phục hồi kinh tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân, rút ngắn thời gian phong toả và giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cộng đồng doanh nghiệp và cả nước.

Cùng với những thành quả trước đây, công tác ngoại giao kinh tế đã giúp Việt Nam thiết lập các khuôn khổ hợp tác mới mang tính đột phá như: Đối tác kinh tế số - Kinh tế xanh với Singapore; ODA thế hệ mới với Nhật Bản; Đối tác chiến lược về tài chính xanh với Luxembourg, MOU hợp tác với WEF giai đoạn 2023-2026…Việt Nam ký kết Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với các nước G7 và châu Âu với nguồn đầu tư ban đầu trị giá 15,5 tỷ USD; thu hút thành công nhiều dự án đầu tư xanh và công nghệ cao; thiết lập các khuôn khổ hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế... Ngoại giao kinh tế góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước lên hơn 732,5 tỷ USD và lũy kế FDI còn hiệu lực đạt 438,7 tỷ USD vào năm 2022.

“Có thể nói, ngoại giao kinh tế thực sự trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn ngành Ngoại giao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Ngoại giao kinh tế đã và đang giúp các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp mở rộng không gian đa dạng để phát triển, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong các liên kết kinh tế khu vực và toàn cầu”, ông Trí nhìn nhận.

Trong bối cảnh biến động về địa chính trị, cách mạng công nghệ hiện nay, ThS. Nguyễn Trần Minh Trí khuyến nghị, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục triển khai theo các định hướng lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 21/NQ-CP về Chương trình hành động giai đoạn 2022-2026 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW.

Cụ thể, các sản phẩm của ngoại giao kinh tế trong thời gian tới cần tập trung và cụ thể hoá vào kết quả thu hút dòng FDI chất lượng cao vào các ngành công nghệ cao; gia tăng quy mô khách quốc tế vào Việt Nam; mở rộng và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, gia tăng đơn hàng xuất khẩu cho các ngành dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và rau củ quả, vừa bảo đảm lợi ích trước mắt, vừa tính đến lợi ích lâu dài; đẩy nhanh ký kết các FTA, củng cố thị phần hàng hóa Việt Nam trên các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường ngách, thị trường tiềm năng nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần sớm góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Hội đồng châu Âu (EC) đối với ngành thuỷ sản Việt Nam (IUU); giảm thiểu cả số lượng và thiệt hại từ các vụ kiện và tranh chấp thương mại quốc tế; tăng cường thông tin tích cực về hàng xuất khẩu và uy tín; cải thiện cán cân thương mại dịch vụ và thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ; mở rộng các kênh xuất khẩu lao động và duy trì dòng kiều hối của Việt Nam.

“Sứ mệnh” của Ngoại giao kinh tế

Đề xuất chính sách, giải pháp để triển khai công tác ngoại giao kinh tế hiệu quả hơn, vị chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế biến động hiện nay, chiến lược, chiến thuật NGKT phải thay đổi trên tinh thần khẩn trương, chủ động, kịp thời và hiệu quả.

Trước hết, cần nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai ngoại giao kinh tế, kết nối chặt chẽ giữa ngành Ngoại giao, các Cơ quan đại diện ở nước ngoài với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước để triển khai nhiệm vụ ngoại giao kinh tế; tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, qua đó củng cố vững chắc quan hệ với các đối tác.

Ngoại giao kinh tế cần hỗ trợ quá trình hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp và thị trường trong nước phù hợp với các cam kết và luật pháp quốc tế; phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại - đầu tư.

“Đặc biệt, nhiều dự báo quốc tế cập nhật đều cho rằng, kinh tế thế giới năm 2024 có mức tăng dao động từ 1,9-2,5% GDP, tức thấp hơn năm 2023 và lạm phát toàn cầu có thể giảm từ 6,8% năm 2023 xuống còn 5,2% năm 2024. Các hạn chế thương mại và bất ổn chính trị tiếp tục là các rào cản lớn nhất đối với sự phân luồng hàng hóa năng lượng và lương thực trên toàn cầu. Triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức nan giải, xen lẫn những bài toán mới liên tục xuất hiện.

Bởi vậy, ngoại giao kinh tế cần chú ý chủ động củng cố các khung hợp tác đa phương để đạt được tiến bộ trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu chung, nhằm tránh tình trạng phân mảnh kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn và bất lợi cho mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam; phục vụ đắc lực cho phục hồi và phát triển bền vững”, ông Trí khuyến nghị.

Thực hiện: Trần Anh | Đồ họa: Lim Dim | Ảnh: TG&VN, TTX...

Đọc thêm

75 năm MotoGP và hành trình 2024

75 năm MotoGP và hành trình 2024

Cuộc đua đầu tiên năm 2024 sẽ bắt đầu tại trường đua Lusail International ở Qatar từ ngày 8-10/3. Báo Thế giới & Việt Nam điểm qua tình hình nhân sự và việc chuẩn bị của các đội đua cho mùa giải kỷ niệm 75 năm MotoGP. Liệu các đội Aprila, KTM và Yamaha có lật đổ sự thống trị 2 năm liên tiếp của Ducati? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Chủ tịch Kocham: Cơ hội đã mở với Việt Nam!

Chủ tịch Kocham: Cơ hội đã mở với Việt Nam!

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) vui mừng chia sẻ với phóng viên TG&VN rằng, năm 2023, loạt nhà đầu tư lớn đình đám thế giới đã đến Việt Nam và cam kết “rót tiền” vào lĩnh vực công nghệ cao. Đầu tư vào công nghệ cao, chất bán dẫn cũng sẽ thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư của Hàn Quốc trong tương lai.
Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Chữ ký tươi đặc biệt của Thủ tướng và 'mệnh lệnh dẫn đại bàng' sải cánh tới Việt Nam

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn có mong muốn cháy bỏng đưa 'đại bàng' Mỹ tới Việt Nam để bứt tốc nền kinh tế.
Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải: Một Việt Nam không toan tính, chỉ là trái tim đủ lớn để… cho đi

Suốt cuộc trò chuyện, Đại sứ Đỗ Sơn Hải nhiều lần: Tôi nhấn mạnh, tôi khẳng định, tôi muốn nhắc lại… Đảng và Nhà nước khi cử hai đoàn cứu hộ sang giúp đỡ các bạn Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất hoàn toàn dựa trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi mà không có bất kỳ một mục đích chính trị nào.
Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Cởi bỏ tâm lý đối phó, hãy viết câu chuyện hấp dẫn về Việt Nam!

Một năm 2023 thành công của đối ngoại Việt Nam giúp Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cảm thấy an tâm về những thành quả của công tác thông tin đối ngoại. Tuy vậy, vẫn còn không ít bài toán cần tìm lời giải ở phía trước để những câu chuyện về Việt Nam đi sâu vào lòng người, chiếm trọn được trái tim của họ.
Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN và vấn đề quyền con người

Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội nói riêng vừa là mục tiêu vừa là điều kiện thuận lợi giúp các nước ASEAN thúc đẩy tăng cường khả năng bảo vệ con người, nâng cao trình độ nhân quyền cho các công dân ASEAN, tạo ra bản sắc riêng của ASEAN: một Cộng đồng, một vận mệnh, thống nhất trong đa dạng.