Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva phát biểu trong phiên họp của G20. (Nguồn: Reuters) |
Thế giới đang biến động phức tạp với các cuộc xung đột và bất ổn địa chính trị căng thẳng. Trong khi đó, các thể chế toàn cầu thì lại trong tình trạng mà như Tổng thống Brazil Lula da Silva than phiền là “không đủ mạnh để ngăn chặn”. Chính vì thế, cải cách các thể chế quản trị toàn cầu như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Thương mại thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế được dư luận rất quan tâm.
Đặc biệt, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ quan bị chỉ trích nhiều vì không đủ khả năng giải quyết các cuộc xung đột hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an phải bị bãi bỏ và các thành viên của Hội đồng phải là “những tác nhân theo chủ nghĩa hòa bình chứ không phải chiến tranh”.
Với quy mô chiếm khoảng 85% GDP và 75% thương mại toàn cầu, 2/3 dân số thế giới, đóng góp tới 80% tăng trưởng kinh tế toàn cầu và thương mại quốc tế…, G20 đủ sức giải quyết các vấn đề vĩ mô có ảnh hưởng tới nhân loại trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, dù thừa uy tín và tiềm lực để trở thành “đầu tàu” dẫn dắt các cải cách thể chế toàn cầu, G20 không dễ dàng trong sứ mệnh khó khăn này. Vấn đề là bởi nội bộ của nhóm đầy chia rẽ, nhất là giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga trong cuộc cạnh tranh địa chính trị.
Thêm vào đó, không dễ để hóa giải bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển trong G20 mà người ta gọi là mâu thuẫn Bắc - Nam. Nhiều nước phương Nam không muốn bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh theo khối như thời Chiến tranh Lạnh.
Trong bối cảnh đó, tham vọng cải cách toàn cầu của G20 mới chỉ là chủ đề bàn thảo chứ chưa sớm trở thành kế hoạch hành động.