Ra đời từ năm 1985, sáng kiến Thủ đô văn hóa châu Âu là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy và quảng bá lịch sử văn hóa các nước châu Âu. Ý tưởng này cũng góp phần lớn vào sự phát triển của các thành phố và thu hút hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Có thể nhận thấy ở đây cả tình bạn hữu, sự chia sẻ các giá trị chung, thúc đẩy giao lưu giữa con người với con người, cũng như tầm nhìn về tương lai và hòa nhập...
“Cùng nhau” ở Plovdiv
Sau 12 năm gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2007, Bulgaria đã có thành phố đầu tiên được vinh danh là Thủ đô văn hóa của châu Âu. Nói về niềm tự hào này, Đại sứ Bulgaria tại Việt Nam Marinela Petkov cho biết, Plovdiv được bầu chọn sau nhiều nỗ lực và thành quả họ có được cũng không phải dễ dàng.
Đại sứ Italy Antonino Alessandro, Phó Ban hợp tác và phát triển Phái đoàn EU Tom Corrie và Đại sứ Bulgaria Marinela Petkov trong buổi nói chuyện mới đây tại Hà Nội. (Ảnh: An Bình) |
Plovdiv được chọn với lý do đại diện cho sự đa dạng về di sản của lịch sử châu Âu. Bởi đây là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới và chứng kiến sự đổi thay qua nhiều thời đại của lịch sử Bulgaria. “Plovdiv nổi tiếng không chỉ bởi di tích từ thời đế chế La Mã để lại, mà còn bởi không gian văn hóa sôi động và đầy tính nghệ thuật. Có nhiều điều khiến bất kỳ khách du lịch nào đến đây không thể nào quên, từ phố cổ với những kiến trúc đẹp như tranh vẽ, nhà hát cổ dành cho những khách quan tâm đến đến lịch sử cho đến những khu phố đầy cuốn hút của sự hào phóng đương đại”, Đại sứ Marinela Petkov miêu tả.
Với danh hiệu Thủ đô văn hóa của châu Âu, Plovdiv đánh thức những ngày hội nhạc vũ, triển lãm nghệ thuật, liên hoan phim, trình diễn thơ ca và nhiều sự kiện khác thể hiện văn hóa truyền thống Bulgaria. Hiện trung tâm của thành phố có rất nhiều khu trưng bày tranh, các cửa hàng thủ công mỹ nghệ cũng như cuộc sống sinh động về đêm.
Tuy nhiên, để có thể hiện diện với gương mặt mới này, Đại sứ Petkov cho biết, Plovdiv phải mất bốn năm để chuẩn bị cho các dự án nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ khắp châu Âu. Đặc biệt, thành phố đã sử dụng khẩu hiệu là “Together” (tạm dịch: Cùng nhau) nhằm tôn vinh sự đa dạng của văn hóa châu Âu, sự hợp nhất trong tôn trọng và thừa nhận lẫn nhau và sự thể hiện khác biệt thông qua sự biểu đạt của tính nghệ thuật. Bà Marinela Petkov nhấn mạnh các chương trình cho thấy tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống hằng ngày và ý nghĩa của việc phát huy tối đa các tiềm năng trong thành phố.
Matera - thức dậy từ một thành phố ma
Matera là thành phố lớn thứ hai của Basilicata - một vùng đất tuyệt vời ở miền Nam Italy. Nơi đây được biết đến là một thành phố ngầm dưới lòng đất với trung tâm lịch sử Sassi, nhà thờ và công viên nghệ thuật đá được UNESCO công nhận là Di sản thế giới từ năm 1993. Đây không phải lần đầu tiên một thành phố ở Italy được xướng danh Thủ đô văn hóa của châu Âu (trước đó là Firenze, Bologna, Genova), nhưng người dân Italy rất tự hào về Matera bởi sự đặc biệt của lịch sử thành phố.
Vẻ đẹp cổ tích của thành phố Matera. (Nguồn: Reporter Live) |
Đại sứ Italy Antonino Alessandro kể, Sassi ban đầu là một khu định cư thời tiền sử và được xem là một trong những khu định cư đầu tiên của có tập quán phổ biến là đào đá làm nơi cư ngụ. Một nghệ sĩ của Italy đã nhận xét: “Sassi giống như một miếng pho mát Thụy Sỹ với các đường hầm và hang động ẩn giấu. Những gì bạn muốn nhìn thấy trên bề mặt chỉ là 30%, còn 70% bị che giấu”.
Nói về sự đặc biệt của Matera, Đại sứ Antonino Alessandro gợi ý những người chưa có cơ hội đến thành phố này có thể đến rạp chiếu phim hoặc ngồi trên ghế sofa để chiêm ngưỡng bởi đã có rất nhiều đạo diễn lựa chọn Matera và khu vực lân cận làm bối cảnh phim. Nổi bật nhất chính là những cảnh phim sinh động trong The passion of The Christ của đạo diễn Mel Gibson từng được đề cử ba giải Oscar năm 2004, The star maker của đạo diễn Tornatore năm 1995 được đề cử cho giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất...
Thế nhưng, điều gì đặc biệt hơn khiến Matera trở thành Thủ đô văn hóa của châu Âu? Đại sứ Italy cho rằng, bí mật ấy được nằm chi tiết trong cuốn sách Chúa cứu thế dừng chân tại Eboli của Carlo Levi – một bác sĩ, nghệ sĩ và trí thức chống chủ nghĩa phát xít và bị đày lưu vong ở Matera vào năm 1935.
“Carlo Levi đã khắc họa một thế giới nông thôn bị lãng quên kể từ khi Italy thống nhất vào năm 1870 và chìm đắm trong nghèo nàn tuyệt vọng sau Thế chiến II. Cuốn sách của ông đã gây chấn động ở Italy thời hậu chiến. Sau chuyến thăm 1950, Thủ tướng Italy Alcide De Gasperi đã đề ra một kế hoạch hà khắc là di dời toàn bộ dân Sassi sang một khu phát triển nhà ở mới. Vì vậy, những ngôi nhà công cộng đã được thiết kế với một tầm nhìn sai lầm”, Đại sứ Italy nói.
Cũng theo lời kể của ông Antonino Alessandro, vài năm sau đó, Sassi đã bị bỏ hoang như một thành phố ma. Một số nhà chức trách Matera đề nghị rằng cần phải xây tường bao quanh toàn bộ khu vực này và phải bị lãng quên. Nhưng ngược lại, Sassi lại biến thành nơi tập trung của những kẻ buôn bán ma túy, trộm cắp và buôn lậu. Bên cạnh đó, những cư dân cũ của Sassi gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với chỗ ở mới.
Bước ngoặt chính là vào những năm 1980 khi những nhà khảo cổ đầu tiên của chính phủ đã đến đây nhờ nguồn tài trợ công và mở ra một tương lai mới cho thành phố này. Chính quyền thành phố Matera bắt đầu cung cấp hợp đồng cho thuê 30 năm với mức phí danh nghĩa cho những người thuê nhà cải tạo các hang động trước sự giám sát của các chuyên gia bảo tồn.
Kể từ đó, Matera đã bắt đầu một cuộc sống mới và tích cực đầu tư vào công trình văn hóa. Năm 1993, UNESCO đã ghi danh trung tâm Sassi là Di sản thế giới và gọi nơi đây là một ví dụ nổi bật nhất, nguyên vẹn nhất về một khu định cư của cư dân hang động ở khu vực Địa Trung Hải, thích nghi hoàn toàn với địa hình và hệ sinh thái xung quanh.
Câu chuyện cho Việt Nam và ASEAN
Nếu Plovdiv đã có nhiều năm miệt mài để tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo và độc đáo, thì Matera là sự thay đổi kỳ diệu, đáng kinh ngạc dành tặng cho những con người mạnh mẽ và kiên cường. Câu chuyện mà Đại sứ Bulgaria và Đại sứ Italy chia sẻ về thành phố của họ cũng gợi lên những suy nghĩ tích cực cho hướng phát triển của các thành phố khác.
Ông Tom Corrie – Phó Ban hợp tác và phát triển, Phái đoàn EU chia sẻ: “Cho đến nay đã có hơn 60 thành phố được vinh danh, đặc biệt các thành phố đều được lựa chọn trước 5 năm nên có đủ thời gian để chuẩn bị chương trình và đầu tư vào cơ hở hạ tầng. Ví dụ như thành phố Marseille khi được vinh danh đã đón được số lượng kỷ lục là 11 triệu lượt khách du lịch, còn thành phố Mons (Bỉ) được vinh danh theo ước tính cứ mỗi 1 Euro đầu tư đã tạo ra từ 5,5 - 6 Euro đóng góp cho nền kinh tế địa phương”.
Các đại sứ đều cho rằng đây là một mô hình tuyệt vời để thúc đẩy, phát triển du lịch văn hóa và có thể truyền cảm hứng cho các thành phố ở Việt Nam và rộng hơn nữa là khu vực ASEAN.
Bởi theo họ, văn hóa chính là phương tiện để mọi người gắn kết với nhau hơn. Việc kết hợp giữa du lịch và văn hóa không chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia đó mà còn thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và làm mạnh mẽ hơn những di sản chung.