📞

Sự tích Việt Nam trên sân khấu Đức

08:04 | 16/05/2014
Ngày 8-9/5 vừa qua, tại Bremen đã diễn ra sự kiện văn hóa độc đáo gây chú ý cho truyền thông Đức: Truyện cổ dân gian Việt Nam Sự tích quả dưa hấu được dàn nhạc giao hưởng Bremen dàn dựng và công diễn trong Đại nhạc hội Việt Nam.

Sau nhiều tháng chuẩn bị, vở ca nhạc vũ kịch Drachensohne, Feentochter (Con Rồng, Cháu Tiên) do nhạc sĩ Karsten Gundermann sáng tác dựa theo Sự tích quả dưa hấu và nữ đạo diễn Julia Haebler phụ trách dàn dựng đã gặt hái những thành công bất ngờ. Thành công này là kết quả của những nỗ lực hợp tác hoàn hảo giữa nhà hát nhạc giao hưởng Bremen và trường TH Bremen Ost trong vấn đề hội nhập.

Mỗi buổi biểu diễn có khoảng 160 nghệ sĩ, diễn viên trực tiếp đứng trên sân khấu. Ngoài các nhạc công chuyên nghiệp của dàn nhạc giao hưởng Bremen và thầy trò trường Trung học Bremen Ost còn có nhiều diễn viên, nhạc công dân tộc, ca sĩ Việt Nam được tuyển chọn tham gia sự kiện này.

Phần hát chính do hai ca sĩ gốc Việt là Nguyễn Hồng Uyên Khánh và Nguyễn Đan Thy đảm nhiệm và phần biểu diễn nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam do hai nghệ sĩ Trần Phương Hoa và Lê Mạnh Hùng đến từ Berlin chuyên trách. Nhạc trưởng Christoffer Nobin chỉ huy dàn giao hưởng và lãnh đạo toàn bộ chương trình.

Là người Việt Nam, không ai không biết đến câu chuyện về Mai An Tiêm, chàng trai tài ba, chịu khó bị Vua đày ra đảo hoang. Với hai bàn tay và đức tính cần cù, chăm chỉ anh đã chiến thắng thiên nhiên để cuối cùng được trở về đoàn tụ với vợ con. Qua những nốt nhạc và lời ca đặc trưng của thể loại opera, nhạc sĩ tài năng Karsten Gunderman đã truyền tải những nét đặc trưng, chiều sâu của văn hóa và xã hội Việt Nam đến với khán giả. Đặc biệt, âm nhạc cổ truyền Việt Nam được ngân lên tại đây dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Christoffer Nobin. Tiếng trống chầu, sáo trúc và đàn tranh của nhóm Lotus Ensembles hòa quyện với những âm thanh hoàn hảo của dàn nhạc Nhà hát nhạc giao hưởng Bremen.

Trước khi diễn ra sự kiện này, tại trường Trung học Bremen Ost, Việt Nam luôn là đề tài sôi động. Các thầy cô giáo và học sinh của trường còn phát động chương trình tham gia tìm hiểu về Việt Nam đã thu hút nhiều học sinh tham dự.

Học sinh trong trường cũng đã tham gia tự chế tạo một số nhạc cụ thô sơ của Việt Nam và học biểu diễn một số nhạc cụ dân tộc như đàn Đá, đàn Nhị, đàn T'rưng, đàn Bầu... Nhóm múa được tập các tiết mục múa, nhóm hát tập các bài hát Việt Nam. Nhóm tạo mẫu đã may, cắt nhiều trang phục Việt Nam phục vụ cho ngày biểu diễn.

Vở Con Rồng, Cháu Tiên được chọn diễn ở quận Osterholz -Tenever, nơi dân nhập cư của hơn 80 dân tộc cùng sinh sống. Trọng tâm của dự án độc đáo này là sự hợp tác nghệ thuật giữa các thế hệ và các quốc gia khác nhau, việc tìm hiểu các nền văn hóa khác cũng như việc tăng cường tính tự tin xã hội của một khu vực khó khăn trong thành phố. Thành công vang dội này cho thấy những nỗ lực to lớn của tất cả các bên tham gia đã được đền bù một cách xứng đáng. Dự án cũng đã được Đài truyền hình quốc gia ZDF và Đài phát thanh Đức Deutschlandradio quan tâm và đưa tin.

Trong hai đêm diễn, rạp hát khổng lồ với sức chứa hơn 1.000 khán giả không còn chỗ trống nào. Các diễn viên chuyên và không chuyên, thầy trò trường Trung học Bremen Ost cùng với dàn nhạc học sinh và dàn nhạc giao hưởng Bremen đã nhận được những tràng vỗ tay không ngừng của khán giả. Ông Albert Schmitt, Giám đốc điều hành của nhà hát nhạc giao hưởng Bremen chia sẻ: "Tôi được biết có những khán giả không quản đường sá xa xôi ngày hôm nay đến Bremen chỉ để được xem vở diễn sau đó thấy họ mãn nguyện, vui mừng về sự hợp tác tuyệt vời này. Tôi cảm thấy nỗ lực rất lớn của các bên tham gia đã được đền bù một cách xứng đáng".

Được biết, sau sự thành công ngoài mong đợi tại Bremen, Ban tổ chức dự kiến sẽ có những buổi diễn phục vụ nhiều cơ quan Chính phủ Đức và lưu diễn ở các thành phố khác.

Hà An (Berlin, CHLB Đức)