Đoàn kết là sức mạnh trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam. |
Trong hai năm dịch Covid-19 hoành hành, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống dịch. Điều này phần lớn là nhờ tình đại đoàn kết toàn dân in dấu trên mọi giai đoạn của cuộc chiến chống dịch như chống giặc.
Chủ trương của Đảng
Thấm nhuần bài học về tình đoàn kết toàn dân trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, đến nay, Đảng và Nhà nước luôn coi sự chung tay, góp sức của nhân dân là yếu tố hàng đầu quyết định thành công trong cuộc chiến trường kỳ với đại dịch Covid-19. Truyền thống đoàn kết của dân tộc được phát huy trong mọi chủ trương, chính sách đối phó với dịch bệnh của Đảng và Nhà nước trong thời gian vừa qua.
Khi làn sóng dịch Covid-19 đầu tiên tràn vào nước ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi toàn thể nhân dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước hướng về Tổ quốc thân yêu, hỗ trợ đất nước vượt qua đại dịch.
Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ kịp thời huy động mọi nguồn lực, mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia chống dịch qua hàng loạt các chủ trương, chính sách như kêu gọi đóng góp cho “Quỹ vaccine phòng, chống dịch Covid-19”, phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Để lời kêu gọi đạt được kết quả thực chất, toàn hệ thống chính trị đều tích cực, chủ động vào cuộc nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn của người dân. Cụ thể, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời, sát với tình hình thực tiễn dịch bệnh. Bộ Y tế luôn kiểm tra sát sao tình hình chống dịch ở các tỉnh, địa phương để kịp thời điều động nhân lực và vật lực. Bộ Ngoại giao đẩy mạnh “ngoại giao vaccine”, vận động chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine và thuốc điều trị Covid-19 từ các nước vào Việt Nam.
Đảng và Chính phủ luôn nhận thức rõ, nhân dân là nguồn động lực, cũng là nguồn sức mạnh lớn lao nhất giúp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tinh thần “Lấy dân làm gốc”, tích cực phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc đã, đang và sẽ là tôn chỉ để Đảng ra mọi chủ trương, quyết sách phù hợp với thực tiễn xã hội.
Hai triệu liều vaccine Covid-19 do Mỹ hỗ trợ thông qua Cơ chế COVAX về đến Việt Nam ngày 10/7. (Nguồn: UNICEF) |
Tình đồng bào trong “cơn bão” dịch bệnh
Đến nay, hành trình chống dịch của Việt Nam không có lúc nào không in đậm dấu ấn tình đoàn kết dân tộc. Nhân dân ta, bất kể tầng lớp, địa vị, hoàn cảnh đều ủng hộ cả về nhân lực lẫn vật lực, vật chất lẫn tinh thần cho cuộc chiến chống dịch trường kỳ của đất nước.
Với quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam đã huy động được nguồn nhân lực lớn từ các ngành y tế, quân đội, công an tham gia hỗ trợ tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành có nguy cơ lây nhiễm cao. Mặc dù luôn đối mặt với nhiều khó khăn, các y bác sĩ, bộ đội, lực lượng dân công vẫn luôn hăng hái, làm việc hết 100% công suất nơi tuyến đầu chống dịch.
Sự đồng tâm, đồng sức chống dịch của toàn dân tộc biểu hiện rõ nét nhất ở chính ý thức, hành động tuân thủ quy định phòng dịch của mỗi người dân. Không chỉ chấp hành nghiêm ngặt quy tắc 5K (Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) mà người dân còn góp phần phát hiện, báo cáo những trường hợp trốn cách ly hay nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến bất bình đẳng giàu - nghèo thêm trầm trọng, truyền thống “lá lành đùm lá rách” nghĩa tình của người Việt lại càng bùng lên mạnh mẽ. Dường như chỉ Việt Nam mới có những mô hình sáng tạo đậm tình đoàn kết như “ATM gạo” hay “Phiên chợ 0 đồng”.
Nguồn hỗ trợ kinh phí đến từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng là biểu hiện đáng quý của tình đoàn kết toàn dân. Tiêu biểu, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 của Việt Nam đã nhận được hơn 8.700 tỷ đồng từ nhiều người dân, tổ chức, doanh nghiệp sau 4 tháng phát động.
Cuộc chiến với đại dịch còn dài với nhiều khó khăn khó đoán định. Thế nhưng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân sẽ là thành trì vững chắc nhất bảo vệ đất nước vượt qua “cơn bão” mang tên Covid-19, cũng như mọi thách thức trong tương lai.
| Kết luận 12 và chủ trương đại đoàn kết dân tộc Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kết luận 12 của Bộ Chính trị là “tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức ... |
| Phương thức cầm quyền để ‘không ai bị bỏ lại phía sau’ trong đại dịch Covid-19 Bốn đợt dịch Covid-19 là bốn đợt cuồng phong, đại hồng thủy càn quét thế giới, gây khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng. Trong ... |