TIN LIÊN QUAN | |
Máy bay quân sự của Nga bị trúng tên lửa của phòng không Syria | |
5 máy bay không người lái bị bắn hạ gần căn cứ quân sự Nga tại Syria |
Sau vụ máy bay Nga IL-20 bị bắn nhầm ở Địa Trung Hải hôm 17/9, theo RT, Nga quyết định cung cấp cho quân đội Syria những vũ khí và thiết bị hiện đại, “vốn chỉ dành cho các lực lượng vũ trang Nga”, trong đó có hệ thống tên lửa S-300, bất chấp các quan ngại của Mỹ và Israel rằng hệ thống này sẽ làm leo thang cuộc chiến tại Syria.
S-300 - Dấu ấn mới nhất
Trên kênh truyền hình Rossyia 24 TV ngày 2/10/2018, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố video cho thấy hệ thống tên lửa S-300 được vận chuyển đến thủ đô Damascus bằng máy bay vận tải quân sự lớn nhất thế giới của Nga Antonov An-124 Ruslan - được thiết kế có tải trọng 120 tấn. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo Nga đã hoàn thành việc cung cấp S-300 cho Syria, cũng như việc cung cấp các thiết bị khác để tăng cường an ninh của quân đội Nga.
Hệ thống tên lửa phòng không uy lực S-300 của Nga đang được gấp rút chuyển giao cho Syria sau sự cố Il-20 bị bắn rơi. (Ảnh Sputnik) |
Bên cạnh S-300 vừa được chuyển giao cho chính quyền Syria, theo Reuters, vũ khí và thiết bị quân sự Nga đáng lưu tâm ở Địa Trung Hải, về hải quân có 3 tàu hộ tống lớp Buyan-m, 4 tàu ngầm hạng Kilo và 1 tàu chiến tuần dương hạng Kirov; Về không quân có 14 chiếc TU-22M3 chiến lược, 12 máy bay chiến đấu Su-24M2 và 12 máy bay trực thăng tấn công Mi-24P/35m. |
Theo Bộ trưởng Shoigu, 4 thiết bị phóng và 49 thiết bị quân sự khác đã được cung cấp cho Syria, và tất cả sẽ được tích hợp để tạo thành một hệ thống kiểm soát phòng không thống nhất trước ngày 20/10. Việc huấn luyện quân đội Syria sử dụng các thiết bị này sẽ hoàn tất trong vòng 3 tháng.
Ông Vladimir Mikheev, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghệ Vô tuyến điện tử Nga, cho hay S-300 có khả năng giám sát mọi hoạt động của máy bay ở Israel, Saudi Arabia và châu Âu. Hệ thống này được sử dụng cả trong tấn công và phòng thủ.
Còn theo tạp chí Kommersant, với 4-8 hệ thống S-300, quân đội Syria thừa sức bảo vệ không phận bờ biển và các khu vực có chung đường biên giới với Israel, Jordan, Lebanon và Iraq. Nguồn tin cũng cho biết, Nga có thể chuyển giao đến 8 hệ thống S-300 cho Syria “tùy theo tình hình”.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà báo - nhà bình luận chính trị Trung Đông Marwa Osman cho rằng, việc chuyển giao S-300 cho Syria là một bước phát triển rất lớn trong việc bảo vệ quốc gia Cộng hòa Ảrập. Đây là một bước ngoặt trong việc thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực bởi vì nó đặt một “ranh giới đỏ” cho Israel, lần đầu tiên sau 7 năm. Theo ông Osman, việc Nga chuyển giao S-300 cho Syria là điều khiến Israel lo ngại nhất, vì hệ thống tên lửa này sẽ nâng cấp khả năng của Syria đối phó với các máy bay Israel tiếp cận không phận. Theo RT, Israel từng thừa nhận việc tiến hành hơn 250 cuộc không kích Syria, bất kể việc vi phạm không phận Syria hay nước láng giềng Lebanon trong suốt thời gian qua. Damascus đã mua S-300 của Nga vài năm trước. “Theo đề nghị của phía Israel, chúng tôi tạm dừng giao S-300 cho Syria. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi, và đó không phải là lỗi của chúng tôi” - tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Với S-300, từ nay các căn cứ quân sự của NATO ở Iraq, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải tính toán kỹ về các hoạt động của mình trước bất cứ hành động quân sự nào chống Syria.
Bước đi này của Nga cũng nhằm kiềm chế ảnh hưởng và tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Tây-Bắc Syria, buộc Ankara phải thực hiện nghiêm túc các cam kết trong thỏa thuận với Nga tại Sochi ngày 17/9/2018 về Idlib, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy Syria… Bộ trưởng Shoigu kết luận, việc chuyển giao S-300 cho Syria nhằm “giảm nhiệt những cái đầu nóng” và ngăn chặn hành động sai lầm gây rủi ro cho lực lượng Nga, theo RT.
Định vị lại nước Nga
Theo Sputnik, pháo tự hành 2S3 Akatsiya bắn đạn pháo thông minh cũng được Nga tăng cường cho quân đội Syria. 2S3 Akatsiya là hệ thống pháo tự hành cỡ 152mm. Đạn HEAT-FS 152mm của pháo tự hành 2S3 có thể xuyên qua thép 250mm từ cự ly 3km. Với trang bị này, 2S3 Akatsiya được coi là vũ khí chống tăng cực hiệu quả khi nó có thể xé nát bất cứ dòng tăng nào dù được bọc giáp tốt nhất. |
Theo tờ Daily Star, hơn 230 vũ khí mới đã được thử nghiệm ở Syria, và thể hiện xuất sắc hiệu năng trên chiến trường. Thành công này đã cho Tổng thống Putin cơ hội định vị lại Nga là một cường quốc lớn và thể hiện ấn tượng kho vũ khí của mình.
Sputnik cũng dẫn báo cáo ngày 22/8 của Bộ Quốc phòng Nga về kết quả chiến dịch quân sự ở Syria gần 3 năm qua, cho hay: “830 thủ lĩnh và hơn 86.000 phiến quân, trong đó có 4.500 tay súng đến từ Nga và các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, đã bị tiêu diệt”.
Nga bắt đầu phát động chiến dịch quân sự ở Syria từ tháng 10/2015 theo đề nghị của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nhằm chống lại các nhóm phiến quân, bao gồm cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự tham chiến của Nga trong gần 3 năm qua đã thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường, giúp quân đội Syria giành lại phần lớn lãnh thổ. Nga xác nhận đã thử nghiệm 231 mẫu vũ khí mới và hiện đại nhất trong cuộc xung đột tại Syria. “Tàu chiến và tàu ngầm của hải quân Nga đã thực hiện 100 cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào các mục tiêu khủng bố. Các máy bay Nga cũng tiến hành 66 đợt không kích nhằm vào 166 mục tiêu”, báo cáo nhấn mạnh.
Nga cũng triển khai 70 máy bay không người lái như Forpost và Orlan-10 thường xuyên tuần tra không phận Syria, tiến hành hơn 25.000 chuyến bay và phát hiện khoảng 47.500 mục tiêu địch. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã điều động, triển khai hơn 63.000 quân nhân, gồm 434 tướng và khoảng 26.000 sĩ quan, tham gia chiến dịch quân sự ở Syria.
“Về kết quả của chiến dịch, quân đội Syria được Nga hỗ trợ đã giải phóng hơn 1.400 khu dân cư. Hiện hơn 96% lãnh thổ Syria nằm dưới quyền kiểm soát của chính phủ và các đơn vị dân quân”, báo cáo cho biết.
Thực tế, khi nội chiến nổ ra hồi năm 2011, quân đội chính phủ Syria hứng chịu thiệt hại nặng nề vì tình trạng đào ngũ và tinh thần chiến đấu kém, liên tiếp để mất các mục tiêu trọng yếu vào tay lực lượng nổi dậy và phiến quân Hồi giáo. Đến năm 2015, Tổng thống Syria Bashar al-Assad thừa nhận quân đội nước này buộc phải co cụm về Damascus để bảo vệ thủ đô. Tuy nhiên, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga đã thay đổi cục diện chiến trường. Không chỉ hỗ trợ về mặt hoả lực, Moscow còn cung cấp nhiều vũ khí trang bị cho Damascus, đồng thời triển khai lực lượng cố vấn huấn luyện cho binh sĩ nước này.
Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria dần xốc lại đội hình và liên tiếp mở các chiến dịch phản công giành lại lãnh thổ. Đến nay, họ đã kiểm soát phần lớn diện tích Syria, đẩy phiến quân IS co cụm ở khu vực sa mạc phía Tây Nam, còn quân nổi dậy phải rút về Đông Bắc.
Với bản thân nước Nga, Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Nga Viktor Bondarev đã nói với TASS rằng, Nga tổn thất 112 quân nhân sau 3 năm tham gia chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Thiệt hại vật chất gồm 8 máy bay, 7 trực thăng, trong đó có chiếc An-26 và Il-20, 1 hoặc 2 xe ô tô bọc thép và xe mô tô bọc thép. Trong khi đó, “Chúng ta hãy so sánh với ‘phương Tây tiến bộ’. Trong 3 năm chiến tranh Iraq (2003-2006), liên quân do Mỹ dẫn đầu tổn thất 2.515 người, trong đó có 2.309 quân nhân Mỹ, 10-12 xe tăng Abram, hàng chục xe bọc thép, ít nhất 50 xe chiến đấu Bradley, 15 máy bay và 80 trực thăng” - TASS dẫn lời ông Bondarev cho biết.
Theo ông Bondarev, lợi ích địa chính trị của Nga từ hoạt động chống khủng bố đã giúp Nga tăng cường vai trò và vị thế ở Trung Đông, thể hiện sức mạnh quân sự hùng hậu.
Vì vậy, có thể nói, nếu việc Nga mở chiến dịch quân sự tại Syria ngày 30/9/2015 đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng tại chiến trường Syria và cứu chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad khỏi bị sụp đổ, thì việc Nga triển khai các vũ khí và thiết bị quân sự tối tân tại Syria hiện nay đã khẳng định tình hình Syria là không thể đảo ngược, và vai trò không thể thiếu được của Moscow trong việc tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Syria.
Vostok-2018, cuộc tập trận lớn nhất của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh, diễn ra từ ngày 11-17/9/2018 tại vùng Viễn Đông của Nga và tại vùng biển tiếp giáp trên Thái Bình Dương, đã cho thấy sức mạnh vượt trội của quân đội nước này. Tham gia tập trận Vostok-2018 có khoảng 300.000 quân; 36.000 xe tăng, phương tiện bọc thép và các loại xe quân sự, cùng 80 tàu các loại; hơn 1.000 máy bay, trực thăng và máy bay không người lái. Phát biểu tại thao trường Tsugol, Tổng thống Putin khẳng định Nga là quốc gia “hòa bình” và không có kế hoạch gây hấn với nước nào. Song theo Reuters, Tổng thống Putin cũng nói rằng thông qua tập trận, quân đội Nga đã thể hiện được năng lực đối phó với bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào. |
Trung Quốc là khách nước ngoài đầu tiên nhận tên lửa S-400 của Nga Một nguồn tin ngoại giao quân sự ngày 26/7 cho biết, Trung Quốc đã nhận lô hàng tên lửa S-400 Triumph đầu tiên do Nga ... |
Đường dây nóng quân sự Nga - Mỹ vẫn hoạt động Ngày 23/6, Người phát ngôn liên quân do Mỹ đứng đầu ở Syria, Đại tá Ryan Dillon cho biết giới chức quân sự Mỹ và ... |
Rơi máy bay quân sự Nga: Chưa tìm thấy nạn nhân sống sót Biến mất khỏi màn hình radar khoảng 20 phút sau khi cất cánh, các mảnh vỡ của chiếc máy bay quân sự Tu-154 được lực ... |