📞

Sức sống ở miền đất thiêng

14:10 | 09/05/2014
Hơn nửa thế kỷ sau ngày tái lập, Điện Biên - mảnh đất thiêng liêng ở cực Tây Tổ quốc, đang vững vàng vượt qua khó khăn, thử thách và vươn tới tương lai. Mảnh đất từng oằn mình vì bom đạn giờ trở thành khu vực phát triển kinh tế, xã hội năng động, là đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc.
Đua xe đạp tại TP. Điện Biên.

Mảnh đất Điện Biên không chỉ đi vào lịch sử với chiến thắng vĩ đại năm 1954, tạo cảm hứng cho nhiều áng thơ văn bất hủ đương đại ra đời mà còn thực sự gây ấn tượng bởi sức vươn lên mãnh liệt của con người, của vạn vật ngay trên những chết chóc, đau thương do chiến tranh để lại. Thật khó để kể hết những thành tựu quan trọng mà Điện Biên đã đạt được trong sáu thập niên qua.

"Cứ điểm" vững chãi

Có lịch sử hình thành từ rất lâu đời nhưng phải đến năm 1841, tên gọi Điện Biên mới ra đời do vua Thiệu Trị đặt từ châu Ninh Biên: Điện nghĩa là vững chãi, Biên nghĩa là vùng biên ải. Điện Biên tức là miền biên cương vững chãi của Tổ quốc. Phủ Điện Biên (tức Điện Biên phủ) thời Thiệu Trị gồm ba châu: Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu. Tên gọi Điện Biên hay Điện Biên Phủ xuất hiện từ đó.

Có thể nguyên do mà Vua Thiệu Trị đặt tên gọi đẹp đẽ, uy phong dường ấy cho đất Điện Biên bởi một lẽ: Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, mảnh đất này luôn trải qua những biến động lớn của thời cuộc, đổi tên, chia tách không biết bao lần nhưng đất và người nơi đây vẫn luôn bền bỉ sức sống, xây dựng và bảo vệ miền biên cương này trở thành "cứ điểm" cực Tây vững chãi ngàn đời của Tổ quốc.

Một nhà văn từng ví Điện Biên là nơi "sự sống nảy mầm từ cái chết" trong những năm 60 của thế kỷ trước khi chứng kiến màu xanh của hoa màu lấn dần cỏ dại, đất hoang sau khi bom đạn cày xéo. Ngày nay, đến với Điện Biên, nội lực phát triển mạnh mẽ ấy đã làm địa phương này thay da, đổi thịt từng ngày. Không chỉ có màu xanh của hoa màu, cây cối mà chất lượng sống của con người Điện Biên được nâng cao.

Sáu thập kỷ sau chiến thắng, những cựu chiến binh chẳng còn nhận ra Điện Biên nát nhừ vì hố bom khi xưa nếu không nhìn thấy những cầu Mường Thanh, sân bay Mường Thanh, hố bộc phá trên đồi A1, trận địa pháo trên đèo Phiêng Lơi, cứ điểm trên đồi Bản Kéo hay hầm De Castries… vẫn được chính quyền và người dân nơi đây gìn giữ vẹn nguyên như thuở nào. Những chứng tích biết nói của chiến tranh ở Điện Biên không chỉ thể hiện niềm tự hào của quân, dân Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng mà còn mãi mãi khẳng định chân lý: Chiến tranh xâm lược nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc nhất định thành công.

Chiến công trong thời kỳ mới

Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập địa giới và phân cấp hành chính tỉnh, ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa X đã phê chuẩn việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu mới và Điện Biên.

Một thập kỷ sau ngày tách tỉnh, Điện Biên đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế như GDP bình quân đầu người các năm đều tăng, riêng năm 2013 tăng 8,55%, ước đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm.

Một trong những thành tựu lớn nhất, cụ thể nhất và đáng biểu dương nhất của Điện Biên là sản xuất nông nghiệp. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng lúa ruộng, lúa nương và ngô toàn Tỉnh là trên 77.000ha với tổng sản lượng lương thực 234,617 ngàn tấn, tăng 5,75% so với năm 2010, đạt 99% mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh với bình quân lương thực đầu người đạt 445kg/năm. Nếu như cách đây mười năm, nguồn thu ngân sách của Tỉnh chỉ đạt 80 tỷ đồng/năm thì năm 2013 đã đạt 513 tỷ đồng. Tỉnh đang phấn đấu năm 2014 đạt khoảng 550 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn Tỉnh, chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai ở 98/98 xã, 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm, gần 73% dân cư nông thôn có nước sạch và gần 90% dân cư thành thị có nước sạch hợp vệ sinh. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên đang ngày càng đi lên.

Tỉnh Điện Biên đã và đang chú trọng nhiều hơn trong đầu tư và khai thác tiềm năng, lợi thế về du lịch, nhất là loại hình du lịch văn hóa - lịch sử. Trên địa bàn Tỉnh hiện có bảy di tích cấp quốc gia, trong đó có một di tích cấp quốc gia đặc biệt, hai di tích cấp tỉnh và đang tiến hành các thủ tục công nhận và xếp hạng hai di tích cấp quốc gia và bốn di tích cấp tỉnh. Trong số đó, quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ có giá trị đặc biệt quan trọng cả về văn hóa, lịch sử, khoa học, quân sự và du lịch. Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên hiện có tám bản văn hóa đang lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Thái vùng Tây Bắc.

Du khách đến với Điện Biên có thể đón một, hai chuyến bay mỗi ngày của hãng Vietnam Airlines từ Hà Nội lên sân bay Mường Thanh (nay gọi là sân bay Điện Biên Phủ) hoặc đón những chuyến xe khách cao cấp từ Hà Nội rất thuận tiện.

Thần tốc trong phát triển kinh tế - xã hội, phong phú, đậm đà trong bản sắc văn hóa dân tộc và gìn giữ nguyên vẹn giá trị lịch sử…, những thế mạnh ấy chắc chắn sẽ trở thành vũ khí sắc bén để chính quyền và nhân dân Điện Biên tạo nên những chiến thắng mới trong thời kỳ mới. Điều kỳ diệu hiếm có chính là cùng với sự phát triển mãnh liệt của miền đất thiêng này, những thanh âm, ký ức hùng tráng thuở nào vẫn như còn hiện diện, văng vẳng và sống mãi.

Thiên Đức