TIN LIÊN QUAN | |
Mừng thọ, mừng Xuân các cán bộ hưu trí ngoại giao | |
Trân trọng, tôn vinh đóng góp của các cán bộ hưu trí | |
Đại hội Câu Lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2015-2018 |
Khác với các địa danh từng đến qua nhiều lần xuyên Việt, khác với các đảo Phú Quốc, Côn Đảo hoặc Cát Bà…, huyện đảo nhỏ Lý Sơn chỉ vỏn vẹn 10,3 km2 với 22.000 dân, nhưng là điểm đến đầy cuốn hút.
Rời Hà Nội vào ngày đầu của đợt rét Nàng Bân, chúng tôi đến Lý Sơn cát trắng vào một ngày chang chang nắng, khi dân đảo đang gấp rút chuẩn bị mở Lễ Khao lề Thế lính thường tổ chức vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm.
Đoàn Câu lạc bộ hưu trí Bộ Ngoại giao chụp ảnh kỷ niệm bên tượng Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. |
Lần đầu đến Lý Sơn, nhưng huyện đảo này, và rộng ra là biển đảo quê hương, là Hoàng Sa, Trường Sa vẫn in đậm trong tim chúng tôi qua các hoạt động thường ngày trên mặt trận ngoại giao, trên bàn hội nghị, trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình và pháp lý. Năm 2009, Bộ Ngoại giao đã trao tặng bằng khen cho đại diện họ Đặng ở xã An Hải vì đã hiến tặng tờ lệnh quý về Hoàng Sa còn nguyên vẹn sau 6 đời gìn giữ.
Chúng tôi đã đến xem các hiện vật và tư liệu về Hoàng Sa, nghe giới thiệu tình hình huyện đảo, thăm cột cờ chủ quyền, tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải… và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác. Tại cuộc gặp gỡ với Chủ tịch huyện đảo Nguyễn Thanh, đoàn đã trao quà riêng cho các cháu ở một trường tiểu học. Không quản đường xa, sức yếu, đoàn đã tham gia hội lửa trại giao lưu văn nghệ. Nhiều bài ca đã vang lên giữa biển trời hải đảo.
Khó mà diễn tả hết nỗi niềm qua hai ngày thăm đảo, người viết bài này xin mượn mấy vần ghi nhanh tặng nhân dân Lý Sơn.
Lý Sơn: Một tượng đài
Ai bảo ngày xưa biển không có cát
Sao dã tràng xe cát biển Đông?
Ai bảo biển mình cả đời ca hát
Sao đậm những câu ca tan nát cõi lòng:
Biển lặng rồi, trời rất xanh
“Cá chuồn đã vãn, sao anh chưa về” (1)
Mỗi năm một lễ khao lề (2)
“Người đi thì có, người về thì không” (1)
Chiếu, đòn tre, mộ gió vẫn còn đây (2)
Ai dám chắc đảo mình bình yên mãi
Bao thế hệ binh phu nằm lại
Để Lý Sơn sừng sững một tượng đài
Ôi, Lý Sơn - tiêu điểm của thời nay
Mọi kính thời gian hội tụ ở nơi này
Bao đại lượng, phạm trù ta học
Đo sao mất mát chất đầy
Lý Sơn là máu của máu nước tôi
Là thịt của giang sơn vạn đại
Mất mát, thương đau, tần tảo bao đời
Tương tự kiếp người, đến tỏi cũng mồ côi (3)
Có nơi đâu như huyện đảo này
Sống giữa thời bình vẫn lắm đắng cay
Hải tặc ngang nhiên phá thuyền cắt lưới
Để hận thù xưa muôn thuở lại cao dày…
Lý Sơn nay, đang rộn rã tiếng cười
Điện lưới về tiếp sức đảo sinh sôi
Nước biển chát đã thành dòng nước ngọt…
Ra-đa không ngừng quay - như nhắc nhở mỗi con người…
Chào các em thơ vẫn đều đặn đến trường
Những nghiệp đoàn mang cờ chủ quyền đến biển đảo rất xa
Những công dân xe cát làm đường,
Những anh lính hải quân can trường canh giữ biển…
Chúng tôi,
Như hạt cát ắt trở về với cát
Cầu mong cho biển hát đến vô cùng
Lý Sơn - đảo nhỏ anh hùng
Hi sinh, hiển hách, kiên trung xây đời
Chia tay nói chẳng nên lời
Vững tin huyện đảo thêm tươi từng ngày…
----
(1) Câu ca lưu truyền nhiều đời ở Lý Sơn (2) Hàng năm cứ đến ngày 16/3 âm lịch, dân Lý Sơn lại tổ chức lễ Khao lề Thế lính để tế sống những binh phu được cử ra đảo Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Họ mang theo 7 đòn tre, 7 thẻ bài và chiếu phòng khi chết để mai táng thả trôi trên biển. Trên đảo vẫn xây mộ, khắc tên nhưng không có hài cốt, chỉ có hình nộm bằng đất nên gọi là mộ gió. (3) Tỏi mồ côi là đặc sản của Lý Sơn trồng trên đất cát chỉ có một nhánh nên còn gọi là tỏi cô đơn.
Xây dựng hồ sơ công viên địa chất Lý Sơn - Bình Châu Đó là quyết tâm của tỉnh Quảng Ngãi sau khi các chuyên gia của UNESCO khẳng định vùng địa chất tại đây rất có giá ... |
Cây di sản trên đảo Lý Sơn Mới đây, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam phối hợp với huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tổ chức lễ công ... |
Tin vào chính nghĩa Vừa rời Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi và đang chuẩn bị hành lý ra đảo Lý Sơn tham dự Triển lãm bản đồ ... |