Theo quan điểm trên, mức độ hấp thụ và tiêu thụ năng lượng của con người cơ bản là không thay đổi trong suốt chiều dài lịch sử. Trong khi đó, nhu cầu về nhận thức, cảm xúc hiện nay lại gia tăng đáng kể so với trước đây, đến mức nhiều người cảm thấy cơ thể họ dường như cạn kiệt năng lượng.
Sự nghỉ ngơi bị đánh cắp
Có thể nói, những nhân tố gây suy nhược phổ biến nhất chính là nhịp sống gấp gáp, hối hả, công nghệ hiện đại và sự chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang dịch vụ và tài chính… Đơn cử như hiện nay, internet không dây và điện thoại di động khiến người lao động luôn phải xử lý công việc mọi lúc, mọi nơi, từ đó xóa nhòa khoảng cách giữa công việc và sự nghỉ ngơi.
Ngoài ra, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về việc làm cũng khiến những người làm công khó có thể rời bỏ công việc của mình, dù họ biết rõ bản thân đang kiệt sức và suy nhược.
Tuy nhiên, sự suy nhược không chỉ hiện diện trong thời đại của chúng ta mà đã từng làm bận tâm những nhà tư tưởng từ thời xa xưa. Có thể thấy, chứng suy nhược cơ thể là một hiện tượng xảy ra ở mọi nơi và mọi thời điểm trong lịch sử phát triển con người.
Nhiều tài liệu cho rằng, hiện là thời kỳ có nhiều người suy kiệt nhất và chủ yếu bắt nguồn từ một số những nguyên nhân như sự mất cân bằng sinh hóa, do virus… Trong một số trường hợp, sự suy nhược được xem như là một hình thức của sự yếu đuối và thiếu sức mạnh ý chí, hoặc thậm chí như là một sự suy sụp tinh thần to lớn được biểu hiện qua một tinh thần bi quan, chán nản.
Tình trạng suy nhược cơ thể đã từng xảy ra rất phổ biến trong quá khứ. (Nguồn: Aeon) |
Sự mong manh của con người
Từ năm 360-435 (sau Công nguyên), ẩn sỹ Ki-tô giáo John Cassian đã viết rằng, acedia – hay còn gọi là ‘sự mệt mỏi của tâm hồn’ - được xem là kết quả của tinh thần yếu đuối và của sự cám dỗ do ma quỷ. Điều này khiến các tu sỹ “lười biếng và chậm chạp trong mọi loại công việc”.
Những mô tả về triệu chứng thể chất của acedia tương tự như điều mà chúng ta ngày nay gọi là sự kiệt quệ về thể xác sau một thời gian lao tâm, lao lực cực nhọc. Bên cạnh đó những triệu chứng khác như bồn chồn, thờ ơ, cáu kỉnh, uể oải, thẫn thờ… đều là những trạng thái nổi bật trong mô tả tình trạng suy nhược được ghi lại trong lịch sử.
Vào thế kỷ XIX, người ta cho rằng sự thiếu sức mạnh trí óc là nguyên nhân của tình trạng suy kiệt cơ thể. Sau đó, trong thế kỷ XX và XXI, người ta nhận ra rằng, chính những tác nhân bên ngoài và những tác nhân gây căng thẳng đã khiến cho hệ thống nhận thức của con người hoạt động quá tải, dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể.
Một số người còn cho rằng, sự suy yếu hệ miễn dịch do virus hoặc nhiều hình thức mất cân bằng sinh hóa cũng khiến con người suy kiệt.
Vào thế kỷ XIX, bác sỹ người Mỹ George M. Beard đã phát minh ra phương pháp chẩn đoán suy nhược thần kinh. Ông còn tuyên bố, đây là một căn bệnh của nền văn minh, được gây ra bởi những đặc điểm của thời hiện đại, bao gồm “động cơ hơi nước, báo chí định kỳ, máy điện báo, nền khoa học hiện đại và hoạt động tinh thần của nữ giới”.
Trong đó, môi trường hiện đại, đặc biệt là môi trường đô thị, được cho là đã gây ra quá nhiều tác nhân kích thích. Những giác quan của con người không ngừng bị tra tấn bởi tiếng ồn, tốc độ và nguồn thông tin vô hạn. Beard lo sợ rằng, hệ thống thần kinh nhạy cảm của con người hiện đại không thể đương đầu với tình trạng quá tải cảm giác như vậy.
Khi phân tích lịch sử của tình trạng suy kiệt của con người, chúng ta có thể tìm thấy những lý thuyết cụ thể về mặt lịch sử về những yếu tố gây ra tình trạng suy nhược cơ thể. Tuy nhiên, sự cạn kiệt năng lượng trong cơ thể còn do sự lo lắng vô tận của chúng ta về cái chết, tuổi già cùng những hệ quả tiêu cực của nó.
Những lý thuyết này giúp các nhà khoa học tìm ra phương pháp điều trị những hậu quả của chứng suy nhược cơ thể nhằm boả vệ con người trước sự hữu hạn của cuộc sống. Nói cách khác, người ta đang cố gắng kiểm soát những nỗi sợ hãi về lẽ sống còn trong đời sống – những nỗi sợ không chỉ có trong thời đại của chúng ta.