Làn sóng Thái Lan (T-Wave) đang nỗ lực vươn tầm thế giới. (Nguồn: whildpeach) |
Thái Lan đang nỗ lưc phát triển và đạt được những thành tựu nhất định trong việc đưa các ngành công nghiệp văn hóa, được gọi là làn sóng Thái Lan (T-Wave), vươn tầm thế giới nhằm củng cố sức mạnh mềm tương tự như làn sóng văn hóa Hallyu của Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, T-Wave vẫn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh thiếu một chiến lược rõ ràng, hiểu sai về "quyền lực mềm", sự kiểm soát quá mức của chính phủ và những rủi ro trong việc mô phỏng rập khuôn mô hình của Hàn Quốc thay vì thúc đẩy sức sáng tạo ban đầu.
Để đạt được mục tiêu, Thái Lan cần cân bằng trong việc xây dựng các biện pháp thiết thực nhằm tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo vững mạnh.
Mục tiêu tham vọng
Trong những năm qua, các ngành công nghiệp văn hóa của Thái Lan đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc lan tỏa ra thế giới. Hiện tượng T-Wave hứa hẹn thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa và củng cố quyền lực mềm của Thái Lan trên toàn cầu.
Giống như Hàn Quốc từng thúc đẩy làn sóng văn hóa Hallyu để ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cuộc suy thoái kinh tế năm 2024 của Thái Lan đã cho thấy rõ sự cần thiết phải tập trung vào các ngành công nghiệp sáng tạo và các sản phẩm văn hóa nổi lên như động lực và đóng góp tiềm năng cho một nền kinh tế Thái Lan bền vững hơn.
Đồng thời, bất ổn chính trị trong 18 năm qua thúc đẩy Thái Lan khai thác tiềm năng quyền lực mềm để tạo ảnh hưởng và lấy vị thế.
Một yếu tố quan trọng đằng sau sự thành công của làn sóng Hallyu là sự hỗ trợ không ngừng của chính phủ Hàn Quốc đối với công nghiệp văn hóa quốc gia. T-Wave cũng có thể lan rộng khắp Đông Nam Á và xa hơn nữa nếu nhận được sự hỗ trợ thích hợp của chính phủ.
Việc ông Srettha Thavisin trở thành Thủ tướng Thái Lan vào năm ngoái đánh dấu một bước ngoặt. Thủ tướng Srettha đã đề ra một tầm nhìn chi tiết, cùng với quyết tâm vững chắc trong việc thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo thông qua tập trung vào các chính sách quyền lực mềm.
Chính quyền ông Srettha đặt mục tiêu tạo ra 20 triệu việc làm và đạt doanh thu hàng năm khoảng 4.000 tỷ Baht (109 tỷ USD) trong vòng 4 năm tới, bằng cách tận dụng các nguồn lực quyền lực mềm. Quốc gia Đông Nam Á này đề xuất phân bổ 5,1 tỷ Baht (139 triệu USD) để tăng cường 11 lĩnh vực văn hóa như ẩm thực, thể thao và lễ hội.
Thủ tướng Srettha tuyên bố Thái Lan nỗ lực bảo tồn và chấn hưng nghệ thuật và văn hóa quốc gia, đồng thời phát huy trí tuệ địa phương.
Giải quyết các thách thức
Mặc dù Thái Lan đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng, nhưng việc chính phủ ngay từ đầu kết hợp giữa quyền lực mềm và các ngành công nghiệp văn hóa có thể làm chệch hướng công nghiệp văn hóa của quốc gia khỏi quỹ đạo thành công. Các nhà nghiên cứu và các bên liên quan khác có thể hiểu sai mục tiêu của chính phủ.
Do đó, chính phủ Thái Lan cần làm rõ họ đang tập trung vào điều gì, đó là sử dụng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa để tạo ra giá trị kinh tế và quyền lực mềm. Như vậy, Thái Lan nên đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa và sau đó mới biến ngành này thành một công cụ quyền lực mềm.
Để làm được điều này, Bangkok có thể học hỏi cách Seoul biến đổi văn hóa đại chúng thành sức mạnh mềm thay vì nỗ lực rời rạc do thiếu tầm nhìn chính xác và kế hoạch dài hạn cho ngành công nghiệp văn hóa.
Thái Lan đã thành lập Ủy ban chiến lược quyền lực mềm quốc gia (NSPSC) và Cơ quan sáng tạo nội dung Thái Lan (TCCA). Ngoài ra, nước này cần thành lập một ủy ban thống nhất để hạn chế sự tham gia của các cơ quan khác nhau và cải thiện cả việc phân bổ ngân sách cũng như sự gắn kết chính sách trong dự báo văn hóa toàn cầu quốc gia.
Đáng lưu ý là việc thiếu sự tham gia của người dân có thể cản trở các ngành công nghiệp sáng tạo, vốn đòi hỏi một môi trường cởi mở và nhiều ý tưởng.
Thái Lan ưu tiên đào tạo, nâng cao kỹ năng của công dân thông qua chính sách “Một gia đình, một quyền lực mềm” (OFOS) - sáng kiến trọng tâm trong chương trình nghị sự của NSPSC.
OFOS cung cấp đào tạo kỹ năng sáng tạo miễn phí cho khoảng 20 triệu người với mục tiêu nâng cao khả năng của lực lượng lao động trong việc triển khai quyền lực mềm của Thái Lan, đồng thời hỗ trợ các gia đình tăng thu nhập hàng năm lên ít nhất 200.000 Baht (5.444 USD)/người.
Dự án này có thể trở nên quá tham vọng nếu chính phủ Thái Lan không xem xét kỹ nội dung chương trình, cách giảng dạy đối với người tham gia cũng như cách chính phủ thu hút người tham gia trong bối cảnh nhiều công dân Thái Lan chưa hiểu đầy đủ về OFOS.
Chính phủ nên giải thích rõ ràng những tiêu chí nào quyết định con số 200.000 Baht và cách người dân sẽ áp dụng các kỹ năng đã học để đạt được mức thu nhập đó. Ngoài ra, chính phủ nên tập trung vào việc nuôi dưỡng tài năng chuyên nghiệp hoặc hướng tới đào tạo công dân trở thành “người sáng tạo nội dung” để quảng bá văn hóa Thái Lan trên toàn cầu, từ đó tạo ra những kết quả hữu hình hơn.
Sức hấp dẫn lớn của phim đam mỹ Thái Lan "Gen Y The Series" cho thấy T-Wave đang lan rộng như thế nào và có thể là cơ hội để hiện thực hóa tiềm năng quyền lực mềm của Thái Lan. Sự phổ biến của thể loại này không những giúp quảng bá hình ảnh Thái Lan là một trong những quốc gia thân thiện nhất với LGBTQ+ mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh Thái Lan và báo trước sự xuất hiện của "Nền kinh tế Y". Tuy nhiên, thể loại này phải đối mặt với những rào cản do xung đột với các chuẩn mực truyền thống và các nhóm bảo thủ ở Thái Lan và các nước khác.
Ngành công nghiệp giải trí Thái Lan chứng kiến sự nở rộ của các nhóm nhạc và chương trình ca nhạc "T-Pop". Quốc gia Đông Nam Á này còn có những nghệ sĩ nổi tiếng trên toàn cầu, những người tiêu biểu cho khả năng tiếp cận tiềm năng của ngành công nghiệp văn hóa Thái Lan, bao gồm Lisa của nhóm nhạc K-pop Blackpink, nữ diễn viên Mai Davika Hoorne hay ca sĩ Jeff Satur.
Tựu chung, chính phủ Thái Lan nên tập trung giải quyết các thách thức và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời ưu tiên các biện pháp thiết thực nhằm nuôi dưỡng hệ sinh thái sáng tạo mạnh mẽ, phát huy sức mạnh mềm của đất nước.