Nhỏ Bình thường Lớn

Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu'

Baoquocte.vn. Báo Nhân Dân ra mắt Chuyên trang đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ nhằm tái hiện toàn cảnh chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Kỷ niệm sâu sắc của người lính Điện Biên Phủ năm xưa
Quang cảnh buổi giới thiệu Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên các ấn phẩm, nền tảng của Báo Nhân Dân. (Ảnh: Thành Đạt)

Ngày 21/3, tại Hà Nội, Báo Nhân Dân tổ chức họp báo giới thiệu "Đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ" trên các ấn phẩm, nền tảng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ qua lời kể của cựu chiến binh

Vào những ngày này 70 năm về trước, bộ đội ta vừa hoàn thành thắng lợi đợt I cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vốn được thực dân Pháp và giới quân sự phương Tây coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, với mưu đồ nghiền nát quân đội Việt Minh non trẻ.

Chỉ trong năm ngày đầu tiên, chúng ta đã tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, hạ gục đồi Độc Lập, bức hàng Bản Kéo, làm chủ hoàn toàn phân khu phía bắc của tập đoàn cứ điểm. Bộ đội ta bắt đầu đào 100km chiến hào, tạo nên chiếc thòng lọng xiết cổ “con nhím” Điện Biên Phủ.

Trong bầu không khí nhớ về những ngày hào hùng đó, với vai trò cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện của nền báo chí cách mạng, Báo Nhân Dân đã triển khai Đợt thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ trên tất cả các ấn phẩm và nền tảng báo chí của mình, đặc biệt nhấn mạnh về “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!” của bảy thập niên trước đây.

Chia sẻ tại buổi họp báo, Trung tướng Đặng Quân Thụy (96 tuổi), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu chiến dịch Điện Biên Phủ chia sẻ, đây là chiến thắng đặc biệt của toàn dân tộc. Là người vinh dự được tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh cả trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới ở hai đầu đất nước, Trung tướng Đặng Quân Thụy có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có lẽ 56 ngày đêm ở chiến dịch Điện Biên Phủ là dấu ấn sâu sắc nhất.

Người lính Điện Biên năm xưa nhớ lại: "Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi trong 56 ngày đêm đó là nhận được lệnh thay đổi thời gian tấn công của Bộ chỉ huy. Chúng ta đã quyết đánh sớm nhưng do tình hình lại thay đổi. Thời điểm đó, tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ không chỉ dùng bộ binh mà là pháo binh nên cần chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Hàng vạn quân đang chuẩn bị đánh địch nhưng đột ngột dừng lại nên có sự xáo trộn trong tổ chức, bố trí lực lượng. Tuy nhiên, chúng tôi lúc đó có suy nghĩ phải chấp hành mệnh lệnh từ cấp trên, chắc chắn lãnh đạo đã bảo lui lại thì mình phải tin tưởng, chắc có điều gì cần chuẩn bị kỹ hơn".

Kỷ niệm sâu sắc của người lính Điện Biên Phủ năm xưa...
Trường đoạn "Chiến thắng" của Bức tranh panorama về 56 ngày cuối của Chiến dịch Điện Biên Phủ do hơn 200 họa sĩ thực hiện.

Đặc biệt, Trung tướng Đặng Quân Thụy chia sẻ, khi có lệnh hoãn tấn công, bộ đội ta phải kéo pháo ra, việc này thực sự rất khó khăn vì "đưa pháo vào trận địa đã khó, kéo pháo ra càng khó gấp bội". Khó không chỉ vì đường đi, khó còn vì tư tưởng.

"Đường đi của pháo không phải là đường đi của một người mà là cả đoàn quân, lần đầu tiên ta đưa pháo vào sát trận địa nhưng lại đưa ra nên rất phức tạp. Ngoài ra, đường đi cũng không bằng phẳng, là đường mòn do quân ta tự làm ra, pháo rất dễ bị lật. Trên đường cũng không có đèn điện, chúng ta đi bằng đèn của ô tô nhưng nhiều khi không được bật đèn pha, thậm chí tắt đèn vì dễ bị địch phát hiện", Trung tướng Thụy nói.

Câu chuyện thay đổi thời gian nổ súng tấn công cứ điểm Điện Biên Phủ mà trung tướng Đặng Quân Thụy kể cũng nằm trong hồi ức cố đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Ngày hôm đó (tức ngày 26/1/1954), tôi đã đạt được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình, đó là quyết định thay đổi phương châm tác chiến: từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc".

Sáng kiến đột phá trong công tác tuyên truyền về Điện Biên Phủ

Tại buổi họp báo, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, cho biết, đây là một đợt thông tin quy mô, toàn diện, phong phú nhất và kéo dài nhất trên báo chí cho tới thời điểm hiện nay do những người làm báo Đảng thực hiện về chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau nhiều tháng chuẩn bị công phu, bắt đầu từ ngày 13/3, Báo Nhân Dân triển khai một sản phẩm trên Internet với cách làm chưa từng thấy, đó là chuyên trang đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ. Chuyên trang nhằm tái hiện toàn cảnh chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", phân tích đường lối chính trị và quân sự đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng tinh thần đoàn kết, chiến đấu của quân và dân ta "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".

Trên nền tảng công nghệ hiện đại, thiết kế trang trọng, trực quan, chuyên trang đã số hóa kho tư liệu đồ sộ từ báo in được phát hành trong thời gian chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, các cuốn sách, tài liệu quý... Độc giả có thể trải nghiệm chân thực các bài báo, bài viết gốc song song với các bài báo được trình bày hiện đại, đa phương tiện dưới hình thức Emagazine.

Chuyên trang bao gồm 6 chuyên mục: tư liệu; diễn tiến chiến dịch; dư luận quốc tế; Điện Biên hôm nay; hỏi đáp về chiến dịch Điện Biên Phủ; multimedia. Trong đó, đặc sắc nhất của chuyên trang là bản đồ chiến dịch tái hiện diễn biến 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới dạng 56 bản nhật ký, bắt đầu từ ngày 13/3/1954 - 7/5/1954.

Kỷ niệm sâu sắc của người lính Điện Biên Phủ năm xưa...
Ông Lê Quốc Minh phát biểu họp báo giới thiệu Đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tình Lê)

Mỗi bản nhật ký sẽ bao gồm các diễn biến trực tiếp xảy ra tại mặt trận Điện Biên Phủ, diễn biến tại các mặt trận và địa phương khác trên cả nước liên quan đến trận Điện Biên Phủ, công tác hậu cần và cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao cũng như dư luận quốc tế về trận chiến ở Điện Biên Phủ.

Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khẳng định, đợt thông tin đặc biệt về chiến thắng Điện Biên Phủ trên các ấn phẩm, nền tảng của Báo Nhân Dân chính là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động tuyên truyền về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đánh giá đây là sáng kiến đột phá trong công tác tuyên truyền. Ông bày tỏ tin tưởng trong thời gian tới đây, sẽ có nhiều bài viết sinh động, phong phú về chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 70 năm về trước; từ đó giúp đồng bào, cán bộ chiến sĩ, bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về ý chí, khát vọng của nhân dân Việt Nam; góp phần củng cố thêm lòng tin của nhân dân với Đảng, với quân đội.

Thanh niên cần nắm bắt thời cơ để phát triển bản thân và cống hiến

Thanh niên cần nắm bắt thời cơ để phát triển bản thân và cống hiến

Thanh niên phải nhận thức về trách nhiệm của mình cũng như nắm bắt thời cơ để phát triển bản thân và cống hiến...

Kiến tạo hạnh phúc từ đâu?

Kiến tạo hạnh phúc từ đâu?

Tôi tin luật nhân quả. Khi gieo hạt ớt, chắc chắn không thể hái về quả xoài thơm ngọt. Khi làm điều xấu, tạo ra ...

Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3: Hạnh phúc bình dị của một đứa trẻ

Ngày quốc tế Hạnh phúc 20/3: Hạnh phúc bình dị của một đứa trẻ

Một đứa trẻ hạnh phúc là khi được yêu thương, biết quan tâm người thân, sống chan hòa, nhân ái, có trách nhiệm với cộng ...